Từ nay đến Tết dương lịch 2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ không còn xa. Thời điểm này, các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh hàng thực phẩm thiết yếu trong dịp Tết như: thịt nguội (giò chả, chả lụa, xúc xích, lạp xưởng, nem…) cũng như các loại thực phẩm đóng hộp, thực phẩm đóng gói, thức ăn nhanh, thực phẩm đông lạnh; các loại khô (cá khô, tôm khô), mắm đang được đẩy nhanh quá trình nhập nguyên liệu dự trữ và tăng công suất sản xuất để kịp thời cung ứng cho thị trường tiêu dùng.
Cá khô bổi, mặt hàng luôn được phần lớn người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn trong dịp Tết. Tuy nhiên, người dân cũng nên thận trọng trong việc chọn lựa những cơ sở sản xuất có thương hiệu, có uy tín và đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh.
Đây cũng là thời điểm các nguồn thực phẩm đầu vào khó kiểm soát nhất, bởi lẽ nhu cầu tiêu dùng khá lớn, trong khi người giết mổ gia súc, gia cầm không qua các lò giết mổ tập trung và cũng không qua công tác kiểm dịch khá phổ biến; nguồn thực phẩm trôi nổi, khó kiểm soát tràn lan theo các chợ tự phát, chợ “di động”; các loại bánh kẹo công nghiệp, bánh truyền thống (bánh chưng, bánh tét, chuối ép…), hạt sấy khô, sữa tươi, các loại nước chấm, dầu ăn, gia vị… cũng sẽ được tiêu thụ mạnh. Ngoài ra, các loại thực phẩm tươi sống như: rau xanh, củ, quả được người sản xuất đẩy nhanh quá trình canh tác bằng việc sử dụng các loại thuốc kích thích, thuốc tăng trưởng và tiến hành thu hoạch ngay sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật không lâu, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường, càng làm cho nguy cơ ngộ độc thực phẩm theo đó tăng cao.
Các loại thực phẩm truyền thống ăn liền như: bánh tét, bánh ích, bánh chưng… luôn được người tiêu dùng ưa chuộng trong những ngày tết. Nhưng do thời gian bảo quản ngắn nên việc chọn mua cũng cần phải đảm bảo đúng sản phẩm còn hạn sử dụng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngộ độc thực phẩm luôn tiềm ẩn nguy cơ cao trong cộng đồng, nó không những gây thiệt hại về kinh tế, mà còn gây tổn hại sức khoẻ người tiêu dùng. Thậm chí có trường hợp nghiêm trọng hơn còn có thể dẫn đến tử vong. Trước tình hình trên, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo ngành y tế kết hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương, tích cực tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được mối nguy hiểm của ngộ độc thực phẩm, hướng dẫn người dân phương pháp bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh thường xuyên phối hợp với đơn vị quản lý thị trường (Sở Công thương), trung tâm y tế các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm dịch chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm soát chặt chẽ các nguồn cung ứng thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là trong dịp từ nay đến cuối năm, khi mà nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng sẽ tăng mạnh.
Nói về vấn đề này, Bác sĩ Vương Hữu Tiến, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Thời điểm cuối năm, lợi dụng nhu cầu tiêu dùng trong dân tăng cao, các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ dễ dàng xâm nhập và trà trộn vào thị trường, gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất lớn. Cần tập trung chú ý đến những đối tượng là cơ sở sản xuất thực phẩm ăn liền, thức ăn đường phố, các điểm buôn bán nước giải khát, cơ sở sản xuất nước đá, các dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trường học, bệnh viện, các nhà máy chế biến trên địa bàn… Ngành y tế cần tích cực phổi hợp với đơn vị chức năng từ tỉnh đến địa phương, ngoài việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng thực phẩm sau chế biến, thực phẩm ăn nhanh và nguồn nguyên liệu đầu vào, cần tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến cáo người tiêu dùng lựa chọn cẩn thận các loại thực phẩm dùng cho gia đình hằng ngày, nhất là trong dịp lễ, tết”.
Thực tế hằng năm cho thấy, tại Cà Mau các loại thực phẩm được sản xuất nội tỉnh cũng chỉ cung ứng khoảng gần 40% nhu cầu người tiêu dùng trong dịp Tết, còn lại phần lớn phải nhập từ các tỉnh, thành khác kể cả nhập khẩu. Qua đó cho thấy, nguy cơ mất an toàn thực phẩm từ các loại hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đạt theo tiêu chuẩn quy định của ngành chuyên môn là rất lớn.
Đặc thù của tỉnh là có nhiều tuyến đường thuỷ, đường bộ, nhiều đường ngang ngõ tắt chằng chịt lại tiếp giáp với nhiều tỉnh bạn và kể cả có đường bờ biển chạy dài với nhiều cửa sông thông ra biển, nên việc quản lý các nguồn hàng trôi nổi, hàng hoá (phổ biến là các loại thực phẩm) nhập lậu chưa qua kiểm dịch; việc mua bán thực phẩm trên các trang mạng xã hội cũng vô cùng khó khăn. Đó là chưa kể, lợi dụng nhu cầu tiêu dùng về thực phẩm tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, các đối tượng còn sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để đối phó với ngành chức năng nhằm buôn bán, vận chuyển các loại thực phẩm nhập lậu, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm không đạt tiêu chuẩn, thậm chí là đã hết hạn sử dụng để đưa vào nội địa tiêu thụ.
Bộ phận kỹ thuật Trung tâm Phân tích, kiểm nghiệm (Sở Khoa học - Công nghệ) kiểm tra mẫu thực phẩm tại các bếp ăn tập thể.
Bác sĩ Huỳnh Bé Thảo, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Cà Mau, chia sẻ: “Thời gian qua, Trung tâm tích cực tham mưu cho cấp uỷ địa phương, chủ động phối hợp với các đơn vị hữu quan, tổ chức nhiều đợt kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn. Nhưng vì địa bàn thành phố khá rộng, số hộ kinh doanh thực phẩm nhiều và đa dạng. Do đó việc kiểm tra, quản lý luôn gặp khó, đó là chưa kể nhiều hộ kinh doanh luôn tìm đủ mọi cách để đối phó với ngành chức năng. Vì vậy, cũng nên có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; cần công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với những cơ sở, hộ kinh doanh vi phạm nhiều, thậm chí là rút giấy phép kinh doanh. Đồng thời, nên có chính sách hỗ trợ, khen thưởng, nêu điển hình tiên tiến kịp thời đối với những đơn vị, cá nhân kinh doanh chấp hành nghiêm quy định về an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng và tránh gây thiệt hại về kinh tế cho địa phương”.
Phương Vũ