(CMO) “Phòng ngừa” vẫn là biện pháp đầu tiên và quan trọng để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Bởi với tác động nhanh, mạnh của biến đổi khí hậu thì thiên tai, thời tiết ngày càng khốc liệt và bất thường. Ðể thích ứng với sự dị thường, giảm thiệt hại của sự khốc liệt đến từ thiên tai cần sự chủ động tham gia của cả cộng đồng với trách nhiệm cao nhất, đây là giải pháp an toàn trước thiên tai.
Cho đến nay, dù đã hơn 3 năm nhưng chị Trần Thanh ở ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, vẫn chưa thể quên lần chết hụt khi nỗ lực thu gom lú đang phơi trên kè chống sạt lở trong đợt triều cường dâng cao kèm sóng lớn diễn ra vào những ngày đầu tháng 8/2019. Chị Thanh kể lại, đang loay hoay thu gom giàn lú phơi trên kè chống sạt lở thì gió thổi mạnh kèm sóng lớn đánh trùm qua kè. Sóng hất tung cả người và lú xuống biển, nhưng may mắn là chỉ hai đợt sóng lớn rồi thôi nên chị mới vào được bờ, thoát nạn. Người chỉ bị trầy xước nhẹ do va đập vào đá, còn giàn lú thị bị vùi sâu dưới bùn, thiệt hại gần như toàn bộ.
Hay như gần nhất là trong đợt áp thấp nhiệt đới diễn ra vào cuối tháng 7/2022 vừa qua, dù đã được dự báo, cảnh báo từ rất sớm nhưng ở khu vực biển Tây, nhiều gia đình vẫn bị thiệt hại nặng. Không ít hộ có tài sản bị sóng cuốn trôi và vùi sâu dưới bùn vài chục, thậm chí có hộ thiệt hại gần 100 cái lú. Nhiều phương tiện bị thủng do bị sóng đánh va chạm vào cây, vào đá. Nước biển dâng cao làm ngập và hư hỏng nhiều đồ đạc trong nhà...
Những thiệt hại đã qua, một phần xuất phát từ sự chủ quan của chính người dân và sự chủ quan này thể hiện rõ nhất ở việc thiếu quan tâm đến những thông tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai của các quan chuyên môn. Nhiều người dân, nhất là bà con ngư dân sống ven biển còn thói quen dựa vào kinh nghiệm để đoán định thiên tai, trong khi tác động của biến đổi khí hậu đã phá vỡ mọi quy luật thời tiết.
Khu vực Ðá Bạc, xã Khánh Bình Tây, là một trong những nơi mà các hoạt động sản xuất của người dân vẫn còn vi phạm hành lang bảo vệ đê điều. |
Thiên tai tác động trực tiếp đến tài sản, tính mạng của người dân. Do đó, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, các cơ quan chuyên môn thì ý thức phòng ngừa của người dân đóng vai trò quan trọng. Ý thức của người dân trong công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ tài sản, tính mạng của gia đình, mà còn ở việc tuân thủ nghiêm các quy định, đồng thuận trong thực hiện chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước.
Hiện nay, tình trạng người dân lấn chiếm, xây cất nhà cửa trong khu vực hành lang bảo vệ đê vẫn còn diễn ra. Tiêu biểu chỉ riêng trong năm 2022, các cơ quan chuyên môn đã phát hiện 91 trường hợp vi phạm hành lang đê điều. Trong đó, có 27 trường hợp vi phạm hành lang đê, tuy nhiên, qua công tác vận động đến nay chỉ có 5 trường hợp trả lại hiện trạng ban đầu. Các trường hợp còn lại chủ yếu là trồng hoa màu và làm đường đấu nối lên đê trong các khu dân cư tự phát. Tiêu biểu như tại khu vực vàm Nam Khánh Hội, Ba Tĩnh, Sào Lưới, Ðá Bạc.
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn thì Cà Mau đang phải chịu khoảng 17 trong số 22 loại hình thiên tai hiện nay. Không chỉ nhiều về số lượng mà cả tần suất lẫn mức độ ngày một nghiêm trọng hơn. Các loại hình thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã gây ra thiệt hại và ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế và đời sống của người dân, nhất là đối với khoảng 41.680 người thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
Ðể giảm thiệt hại do thiên tai, bảo vệ tài sản và sản xuất của người dân, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho biết, trong năm 2023 cũng như những năm tiếp theo sẽ tranh thủ từ nhiều nguồn để tiếp tục đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng thuỷ lợi. Trong đó, tập trung cho khép kín tiểu vùng kết hợp bố trí lại sản xuất, trên cơ sở đó tiến hành khoanh ô thuỷ lợi kết hợp đầu tư trạm bơm để chủ động điều tiết nước, chủ động mùa vụ, tránh thiếu nước cuối vụ, tránh xảy ra xung đột tại các tiểu vùng Nam Cà Mau khi các cây trồng, vật nuôi đan xen trong một tiểu vùng. Ðặc biệt, tập trung triển khai thực hiện chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển, đê sông; xây dựng kế hoạch, các giải pháp chủ động phòng ngừa, kiểm soát an toàn thiên tai, kịp thời ứng phó, khắc phục hậu quả nhằm giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.
Sạt lở, sụp lún, mưa bão, dông lốc, triều cường, hạn hán và xâm nhập mặn… các loại hình thiên tai đặc trưng này thời gian qua không chỉ khiến tỉnh mất đất, mất rừng, hư hỏng nhiều công trình công cộng, nhất là giao thông, mà còn gây ra thiệt hại hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho sản xuất, nhà ở và tài sản của người dân. Thiên tai đã khiến nhiều hộ gia đình, nhất là người dân sống dọc theo các cửa biển, cửa sông thông ra biển luôn trong vòng luẩn quẩn của sự khó khăn, túng thiếu. Chính vì vậy, hơn ai hết, người dân cần chủ động tham gia cùng với chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.
Trong chỉ đạo liên quan đến công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, đã nhiều lần khẳng định, ý thức của người dân là vô cùng quan trọng. Nếu người dân không thay đổi nhận thức kịp thời thì chính quyền có nỗ lực đến đâu cũng không thể làm nổi. Ðặc biệt nhất là thống nhất chủ trương tái định cư trả lại diện tích rừng ven biển để triển khai các dự án công trình phòng chống sạt lở, trồng và khôi phục rừng; trong bảo vệ hành lang an toàn đê…
Nguyễn Phú