(CMO) Trong những ngày này về lại xã Đất Mũi mọi sự đổi thay càng trở nên rõ nét hơn. Sau Tuần Văn hoá - Du lịch Mũi Cà Mau, mảnh đất cuối trời này như được chắp thêm "đôi cánh" để vươn mình bay cao và xa hơn trong một tương lai gần.
Hình hài xã nông thôn mới
Là một trong những xã ven biển vô cùng khó khăn, những năm qua chính quyền và người dân xã Đất Mũi không ngừng nỗ lực thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới. Năm 2016 được xem là dấu mốc lịch sử khi tuyến đường Hồ Chí Minh thông xe đã tạo vị thế mới cho vùng đất này. Tuyến đường xuyên rừng đước đã mở ra hướng phát triển mới từ kinh tế nông nghiệp làm chủ đạo sang dịch vụ. Đặc biệt là mô hình du lịch sinh thái, điểm dừng chân và các dịch vụ du lịch.
Nuôi nghêu là mô hình góp phần phát triển kinh tế của xã Đất Mũi. |
Gia đình ông Nguyễn Văn Hôn là một trong những trường hợp khá thành công khi biết tận dụng tối đa lợi thể mà đường Hồ Chí Minh mang lại. Từ một hộ chỉ biết gắn liền với con tôm, con cá và con hàu, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư một điểm dừng chân để phục vụ ăn uống cho du khách. Ông Hôn cho biết, thu nhập từ dịch vụ này cao gấp nhiều lần so với trước kia và đã thoát được cảnh tay lấm chân bùn.
Có lộ giao thông, lượng khách về với Đất Mũi ngày một đông hơn, điều kiện phát triển kinh tế, giao lưu văn hoá, chăm sóc sức khoẻ, công tác giáo dục... có nhiều chuyển biến. Đến nay Đất Mũi đã đạt 18/19 tiêu chí xã nông thôn mới.
Đi trên trục đường thẳng tắp tại ấp Kinh Đào Đông hay Kinh Đào Tây mới thấy được những đổi thay của xã Đất Mũi hôm nay. Hình ảnh những chiếc xe gắn máy đậu ngay cửa nhà giờ đã trở nên quá quen thuộc với người dân nơi đây so với trước kia là những chiếc xuồng máy đuôi tôm. Ông Nguyễn Minh Đường, ấp Kinh Đào Tây, không giấu được niềm vui khi chia sẻ: "Giờ đây nghe nói đi bằng vỏ máy là ngán liền, bởi vừa lâu vừa tốn kém. Vỏ máy ở nhà kéo lên bờ, đến nay đã 3-4 năm chưa sử dụng tới".
Cùng với trục đường huyết mạch là đường Hồ Chí Minh, thời gian qua, xã đã tận dụng nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn xã. Đến nay toàn xã đã có trên 16 km đường xã, liên xã, hơn 40 km đường trục ấp với mặt đường từ 1,5-2,5 m. Tất cả tạo nên hệ thống giao thông đường bộ, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại giao thương mua bán cho người dân cũng như một diện mạo mới cho nông thôn vùng Đất Mũi.
Nút thắt đất rừng
Kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ từ nuôi và khai thác thuỷ sản sang dịch vụ tạo ra diện mạo mới cho xã Đất Mũi. Thế nhưng, cánh cửa tương lai phát triển vẫn còn đó một chốt khoá lớn mang tên đất rừng phòng hộ. Được biết, hiện trạng đất khu hành chính xã Đất Mũi cũng như đất tại các khu dân cư trên địa bàn thuộc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau với khoảng 87,9 ha. Đến thời điểm hiện tại đã sử dụng 47,4 ha vào các công trình công cộng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của xã và khu dân cư, phần còn lại hơn 40,5 ha là đất cây tạp đang nằm rải rác.
Bên cạnh phần diện tích trên còn một phần đất phi nông nghiệp, đất khu dân cư khác khoảng 46 ha cũng liên quan đến đất của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Sống trên đất rừng thuộc Vườn Quốc gia nên việc đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, mở rộng sản xuất kinh doanh đều vô cùng khó khăn. Thậm chí hiện nay nhiều căn nhà tại các tuyến dân cư đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn, nhưng việc sửa chữa không thực hiện được, do không ai dám ký giấy cho phép. Đây cũng là nguyên nhân khiến hiện nay tiêu chí nhà ở dân cư đạt thấp. Theo thống kê, hiện nay toàn xã Đất Mũi nhà ở đạt chuẩn 3 cứng chỉ 625 căn, nhà vách thiếc (thiếu 1 cứng) 1.876 căn và nhà cây gỗ địa phương 838 căn.
Khu vực rẫy Trương Phi, thuộc ấp Rạch Thọ, là một trong số đó. Khu vực rẫy Trương Phi hiện có khoảng hơn 30 hộ sinh sống. Hiện tại, đời sống hàng ngày chủ yếu là dựa vào nguồn tài nguyên ven biển. Người dân nơi đây đã nhiều lần kiến nghị được tiến hành cải tạo lại vuông, làm bờ bao khôi phục lại khu vực rẫy trước kia cũng như sửa chữa nhà ở... Tuy nhiên, các cơ quan chức năng không đồng thuận bởi khu vực này thuộc đất phòng hộ ven biển và đang trong tình trạng sạt lở nên theo quy định không cho kết hợp sản xuất và buộc phải di dời hộ dân. Theo Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Trần Hoàng Lạc, hiện nay việc triển khai thực hiện di dời hàng chục hộ dân khu vực rẫy Trương Phi đang gặp khó khăn do chưa có vốn để thực hiện.
Đất rừng đang là nút thắt ảnh hưởng đến đời sống và kéo chậm sự phát triển kinh tế của người dân xã Đất Mũi. Theo ông Hôn chia sẻ, nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch sinh thái cũng như dịch vụ phục vụ du khách là rất lớn và bản thân có rất nhiều ý tưởng để phát triển du lịch sinh thái, thế nhưng hiện nay chưa thể đầu tư thực hiện được do vướng phải các quy định về đất rừng.
Câu chuyện về đất của xã Đất Mũi được Phó giám đốc Sở NN&PTNT Châu Công Bằng cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT cũng với các sở, ngành và địa phương nhiều lần họp bàn tìm giải pháp. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn vướng rất nhiều thứ. Theo đó, sở đã rà soát, thống kê đất rừng ở khu vực này và chia thành 3 nhóm để giải quyết. Nhóm phải kiến nghị Chính phủ cho chuyển mục đích đất rừng tại khu hành chính và khu dân cư; Nhóm phương án sử dụng hợp lý khu đất ở vùng đệm của Vườn Quốc gia và nhóm giải pháp thứ 3 là di dơi một số hộ tại một số khu vực. Tuy nhiên, ông Bằng cho rằng, việc kiến nghị Chính phủ hiện nay là vô cùng khó, sở đã tranh thủ với Bộ NN&PTNT nhiều lần nhưng chưa được chấp thuận, bởi việc quản lý và bảo vệ rừng hiện nay rất nghiêm ngặt.
Đất Mũi là vùng đất có rất nhiều ưu thế để phát triển kinh tế du lịch và các dịch vụ thế mạnh. Song, khi nút thắt về đất rừng chưa được tháo gỡ thì con đường phát triển phía trước sẽ còn nhiều thách thức./.
Nguyễn Phú