Thời gian qua, trên cả nước nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng, xảy ra nhiều vụ tai nạn liên quan đến lứa tuổi học sinh. Trước tình hình đó, Chính phủ ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg, ngày 21/12/2023 về tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.
- Năm 2024: Kiểm tra nồng độ cồn là nhiệm vụ trọng tâm
- Xây dựng văn hoá giao thông trong học đường
- Xây dựng ý thức tự giác chấp hành luật
Nhằm đưa chỉ thị vào cuộc sống, các ngành, các cấp trong tỉnh đã và đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, vừa tuyên truyền, vừa kiểm tra, xử lý; trong đó tuyên truyền vẫn là then chốt, từng bước giảm thiểu tai nạn giao thông đối với lứa tuổi học sinh.
Học sinh được tham gia trực tiếp vào các tình huống giao thông trong các buổi tuyên truyền về đảm bảo TT ATGT, nhằm tạo điều kiện để các em nhớ và nắm rõ hơn Luật, các tình huống giao thông.
Với phương châm tuyên truyền sâu rộng, theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, ngay từ đầu năm, Ðội Cảnh sát giao thông, trật tự - Công an TP Cà Mau triển khai kế hoạch phối hợp tuyên truyền tại các điểm trường THCS, THPT trên địa bàn.
Theo đó, lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với các đơn vị có liên quan tuyên truyền gần 20 cuộc, với hàng ngàn học sinh tham gia. Theo đánh giá chung của ngành chức năng, hầu hết các câu hỏi, tình huống tuyên truyền viên đặt ra, liên quan đến TTATGT đều được các em trả lời nhanh và khá chính xác. Ðiều này cho thấy đa phần các em rất quan tâm đến vấn đề này, nhất là các tình huống giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh.
Học sinh được tham gia trực tiếp vào các tình huống giao thông trong các buổi tuyên truyền, nhằm tạo điều kiện để các em nhớ và nắm rõ hơn các quy định, tình huống giao thông.
Em Ðào Quang Việt, học sinh Trường THPT Cà Mau (TP Cà Mau), chia sẻ: “Những buổi sinh hoạt như thế này rất bổ ích. Qua đó, giúp em cũng như các bạn hiểu rõ hơn pháp luật về giao thông, xử lý tốt những tình huống trong thực tế, tránh những tai nạn đáng tiếc khi tham gia giao thông”.
Tại các buổi sinh hoạt, hầu hết học sinh hưởng ứng khá tích cực, nắm bắt được nhiều kiến thức bổ ích về TTATGT. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một bộ phận học sinh chưa nhận thức đúng, khá lơ là, chủ quan. Minh chứng là khi có lực lượng ra quân tuần tra, kiểm soát, sẽ phát hiện vi phạm của học sinh, chủ yếu là lỗi không đủ điều kiện khi tham gia giao thông.
Các em học sinh rất hào hứng với các tình huống giả định lái xe mô phỏng tại các buổi tuyên truyền.
Ðiều đáng nói ở đây là vẫn còn nhiều phụ huynh chưa nhận thức được nguy cơ mất an toàn khi giao xe cho con chưa đủ tuổi điều khiển. Ðây cũng là một trong những vấn đề nan giải, do công tác phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh và ngành chức năng vẫn là điểm nghẽn.
Thầy Võ Văn Cảnh, Phó hiệu trưởng Trường THPT Cà Mau, cho biết: “Thời gian qua, trường thường xuyên phối hợp với phụ huynh nhắc nhở các em đi xe đúng quy định. Tuy nhiên, vẫn có phụ huynh chưa sát trong vấn đề này, vẫn giao xe cho con em chưa đủ tuổi điều khiển đến trường. Ðối với những trường hợp học sinh vi phạm, chúng tôi sẽ có hình thức kiểm điểm, đồng thời thông qua gia đình sẽ tiếp tục tuyên truyền nhắc nhở. Theo tôi, vấn đề căn cơ nhất vẫn là tuyên truyền, càng nhiều càng tốt, đến khi nào các em thấm, nhận thức được nguy cơ, tác hại của việc không chấp hành nghiêm luật lệ giao thông, dần dần hình thành thói quen tự giác chấp hành luật”.
Việc đảm bảo TTATGT cho học sinh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn hiện nay. Theo đánh giá chung của ngành chuyên môn, tình hình TTATGT liên quan đến học sinh vẫn còn diễn biến phức tạp. Ðể làm tốt công tác này, ngoài tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm thì việc tiếp tục tuyên truyền sâu, với tần suất dày và không chỉ tuyên truyền đối với học sinh mà ngay cả phụ huynh, là giải pháp cần thiết, hữu hiệu trong giai đoạn hiện nay. Qua đó, từng bước nâng dần ý thức tự giác chấp hành pháp luật của phụ huynh cũng như học sinh, tiến tới giảm đến mức thấp nhất tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh./.
Lê Chí