(CMO) Giảm nghèo bền vững có ý nghĩa quan trọng với chính người nghèo và cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là làm sao hạn chế được tình trạng tái nghèo?
Theo nhận định của Phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau Phan Mộng Thành, phần lớn các hộ nghèo, khó khăn do bệnh tật, thiếu lao động, không có tư liệu sản xuất, trình độ mọi mặt kém nên việc tự lực vươn lên thoát nghèo rất khó. Mặt khác, các nguồn lực của ngân sách Nhà nước và vận động xã hội có hạn, nên khó giảm nghèo nhanh theo yêu cầu.
Năm 2020 là năm cuối thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, nên những hộ nghèo đã “đặc sệt” vì thiếu tư liệu sản xuất, vì bệnh tật... Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận hộ nghèo còn tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Do đó, để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG về giảm nghèo trong năm 2020 và những năm tiếp theo, địa phương phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nhất là tập trung vào những trường hợp nghèo còn tư tưởng trông chờ. “Năm 2020, ấp Thành Vọng, xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi sẽ giảm 3 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo. Để đạt mục tiêu này, ấp sẽ tranh thủ và tập trung mọi nguồn hỗ trợ. Đặc biệt, phải thông báo để hộ dân biết và có định hướng phấn đấu. Sự đồng lòng, trách nhiệm giữa chính quyền địa phương với hộ nghèo để công tác xoá nghèo đạt hiệu quả và bền vững”, Bí thư Chi bộ ấp Thành Vọng Phan Hoàng Nên cho biết.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân Lê Văn Bắc cho rằng, vẫn còn những hộ nghèo không muốn thoát nghèo nên khi địa phương đến rà soát, người nghèo sẽ giấu tài sản, gửi tài sản. Do đó, để việc rà soát, xác định hộ nghèo, cận nghèo theo đa chiều một cách công tâm, khách quan, công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức được địa phương đặt lên hàng đầu. Đồng thời, tập trung nguồn lực giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo có khả năng thoát nghèo bền vững theo phân loại trước đó. “Đặc biệt, với những hộ nghèo có tham gia tệ nạn xã hội sẽ được địa phương phân công công an, biên phòng thường xuyên đến nhà vận động. Hộ nghèo bệnh tật sẽ được ngành y tế nhận phụ trách. Tranh thủ các nguồn vốn phát triển kinh tế, hỗ trợ nhà ở để giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững”, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Việt Khái Lê Văn Bắc cho biết thêm.
Bên cạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, dạy nghề theo Đề án 1956 góp phần giúp người nghèo có việc làm, ổn định cuộc sống. |
Đã qua, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 705/QĐ-TTg, ngày 8/5/2013 về việc nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo với thời gian hỗ trợ 5 năm sau khi thoát nghèo. Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH có Thông tư 24/2014/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 21/2012/TT-BLĐTBXH, ngày 5/9/2012, có thể bổ sung danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo khi gia đình phát sinh khó khăn đột xuất trong năm do các yếu tố như tai nạn, rủi ro, đau ốm, bệnh tật... Ngoài được hỗ trợ về bảo hiểm y tế, hưởng những chính sách hỗ trợ của Nhà nước khi gia đình gặp biến cố, những hộ mới thoát nghèo sẽ được nâng mức vay vốn nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh, có cơ hội thoát nghèo bền vững hơn.
Điều hết sức quan trọng là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của giảm nghèo bền vững để chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống. Cần thực hiện việc hỗ trợ hộ nghèo theo phương châm Nhà nước tạo cơ chế, làm “đòn bẩy” để các hộ tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Có như vậy mới kiềm chế được tình trạng tái nghèo do ỷ lại. Theo Phó chủ tịch UBND xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi Đặng Minh Luận, việc cần làm là tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức vươn lên thoát nghèo cho người dân, hạn chế, tiến tới xoá bỏ tư tưởng của hộ nghèo trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Thanh cho rằng, để đảm bảo việc điều tra, xác định hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều một cách khách quan, chính xác và phù hợp hơn với tình hình thực tế, Cà Mau đang tiếp tục thực hiện theo phương pháp, bộ công cụ điều tra hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, giai đoạn tiếp theo, tỉnh kiến nghị Trung ương điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bộ công cụ điều tra hộ nghèo, rà soát và rút gọn lại các tiêu chí đánh giá, chấm điểm để cán bộ điều tra, rà soát ở địa phương thực hiện dễ dàng hơn khi xác định hộ nghèo. Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cần điều chỉnh, sửa đổi hệ số chấm điểm của các tiêu chí trong bộ công cụ điều tra còn bất hợp lý, chưa chính xác và công bằng.
Sứ mệnh nhân văn “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” sẽ không vững chắc nếu chỉ có sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và xã hội. Sứ mệnh này sẽ ý nghĩa hơn khi có sự nỗ lực với ý thức tự vươn lên của chính người được hỗ trợ - đó là người nghèo - để việc thoát nghèo bền vững hơn./.
Thanh Phương