Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 26/11, đại biểu tiếp tục thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Về vấn đề thời lượng quảng cáo không ở vùng cố định (Khoản 11 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 23 Luật Quảng cáo), đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, đóng góp: Dự thảo Luật dự kiến sửa đổi Điểm b. Khoản 2 Điều 23 như sau “Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế tính năng để có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá 6 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và không quá 2 lần quảng cáo liên tiếp…”. Quy định này đang can thiệp vào mối quan hệ giữa doanh nghiệp nền tảng và người dùng, ảnh hưởng lớn tới các bên đang hưởng lợi từ kinh doanh dựa trên quảng cáo - một mô hình kinh doanh ngày càng phổ biến.
Đại biểu Quốc hội NGuyễn Duy Thanh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, đóng góp ý kiến tại phiên họp.
Hiện nay có nhiều dịch vụ trực tuyến như Facebook, Zalo đang được cung cấp miễn phí tới người dùng, mang lại lợi ích rất lớn cho người dùng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng được hưởng lợi bởi có thể dễ dàng tiếp cận khách hàng qua các nền tảng hơn. Các nền tảng cũng chủ yếu dựa vào doanh thu từ quảng cáo trực tuyến để bù đắp cho chi phí đầu tư, vận hành thay vì thu phí sử dụng nền tảng.
Quy định cho phép người dùng tắt quảng cáo sau 6 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo chắc chắn sẽ khiến người có nhu cầu quảng cáo cân nhắc lựa chọn dịch vụ quảng cáo trên các nền tảng do thời lượng quảng cáo trong 6 giây là khá ngắn, không đủ để người xem có thể tiếp nhận hết thông tin quảng cáo. Như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu của các doanh nghiệp cung cấp nền tảng, ảnh hưởng đến khả năng cung cấp dịch vụ miễn phí của họ.
Do đó, đề nghị bỏ quy định cho phép người dùng tắt quảng cáo sau 6 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và chỉnh sửa điểm b khoản 2 Điều 23 như sau: Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế tính năng để người xem có thể tắt quảng cáo; không quảng cáo quá 2 lần liên tiếp; cho phép từ chối quảng cáo hoặc báo nội dung quảng cáo không phù hợp.
Về vấn đề đặt quảng cáo vào trong hoặc đặt cạnh nội dung vi phạm (Khoản 11, Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 23 Luật Quảng cáo), đại biểu cho biết: Điểm b, Khoản 3, Điều 23 đang được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định: b) Sản phẩm quảng cáo phải được đặt ở vị trí theo quy định, không đặt vào trong hoặc đặt cạnh nội dung vi phạm pháp luật theo quy định pháp luật của Việt Nam; không quảng cáo trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng vi phạm pháp luật Việt Nam.
Quy định yêu cầu người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo và các đối tượng liên quan khác “không đặt sản phẩm quảng cáo vào trong hoặc đặt cạnh nội dung vi phạm pháp luật”, thực chất là yêu cầu các chủ thể nêu trên phải bảo đảm các trang thông tin điện tử nơi họ định đặt quảng cáo không chứa nội dung vi phạm pháp luật, và do đó họ phải rà quét các trang thông tin điện tử nơi họ định đặt quảng cáo. Như vậy, nếu quảng cáo vào trong hoặc cạnh nội dung vi phạm pháp luật theo quy định pháp luật, cho dù họ đã tiến hành rà quét trước đó hay không, thì họ sẽ bị phạt.
Quy định này là chưa phù hợp, vì cho dù các đối tượng bị điều chỉnh như người kinh doanh dịch vụ quảng cáo và người phát hành quảng cáo đã có các công cụ lọc các trang thông tin điện tử, số lượng nội dung trên mạng là quá nhiều để có thể rà quét hết được các nội dung này một cách hiệu quả, kịp thời và không bỏ sót nội dung nào. Ví dụ, trong một ngày, hơn 252.000 trang thông tin điện tử được tạo lập mới và 720.000 giờ nội dung được đăng tải lên nền tảng Youtube. Hơn nữa, với tốc độ đăng tải nội dung nhanh chóng, một trang tin điện tử vừa được lọc xong và được coi là không có nội dung vi phạm vẫn có thể ngay lập tức chuyển sang trạng thái vi phạm.
Vì những lý do trên, các doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo rất khó tuân thủ quy định trên bởi khó khả thi. Thay vào đó, đề nghị nghiên cứu, xem xét bổ sung quy định về cơ chế thông báo và gỡ bỏ. Cơ chế thông báo và gỡ bỏ đang được áp dụng trong lĩnh vực thông tin điện tử, theo đó, khi phát hiện nội dung vi phạm pháp luật, cơ quan có thẩm quyền sẽ yêu cầu các nền tảng trực tuyến gỡ bỏ nội dung vi phạm trong một khoảng thời gian nhất định (ví dụ trong 24 giờ). Quy định này sẽ khả thi hơn, doanh nghiệp dễ nâng cao năng lực tuân thủ, và cơ quan quản lý nhà nước đạt được mục tiêu quản lý Nhà nước.
Do vậy, đề nghị chỉnh sửa Điểm b, Khoản 3, Điều 23 theo hướng bổ sung quy định về cơ chế yêu cầu nền tảng gỡ bỏ quảng cáo bị đặt vào nội dung vi phạm pháp luật, cụ thể như sau:
3. Người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo ở trong nước và ngoài nước tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng phải tuân thủ:
b) Đặt sản phẩm quảng cáo ở vị trí theo quy định; thực hiện biện pháp kỹ thuật cần thiết để không đặt sản phẩm quảng cáo vào trong hoặc đặt cạnh nội dung vi phạm pháp luật theo quy định pháp luật của Việt Nam,; không quảng cáo trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng vi phạm pháp luật Việt Nam; trong trường hợp có sản phẩm quảng cáo bị đặt vào trong hoặc đặt cạnh nội dung vi phạm pháp luật hoặc trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng vi phạm pháp luật Việt Nam, phải gỡ bỏ sản phẩm quảng cáo khi có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định tại khoản 6 Điều này.
THUỲ TRÂM lược ghi