(CMO) Mặc dù đã tuyên truyền rất nhiều về dịch tả heo châu Phi không lây sang người, nhưng thời gian gần đây người dân vẫn không mấy mặn mà với thịt heo.
Theo khảo sát, số lượng gia đình ăn thịt heo giảm hẳn, một phần do giá cả thịt heo tăng cao, một phần do nhận thức về dịch tả heo châu Phi chưa đúng, sợ lây dịch bệnh sang người.
Tại chợ Phường 7, TP Cà Mau, tình cảnh ế ẩm quen thuộc với các tiểu thương bán thịt heo. Chị Lê Thị Lan, tiểu thương chợ Phường 7, lắc đầu ngao ngán: “Bán thịt heo mười mấy năm nay mới đối mặt với tình cảnh này. Giờ cũng ráng bán, mong sao qua đợt dịch này người dân mua trở lại”.
Không riêng gì hộ bán lẻ mà những tiểu thương lấy thịt heo sạch từ các hợp tác xã cũng chung cảnh ngộ.
Huyện Trần Văn Thời là tâm điểm của dịch tả heo châu Phi, địa phương đang quyết liệt trong công tác phòng chống dịch. Vì thế, thịt heo ở đây luôn được kiểm dịch chặt chẽ, có mộc từ cơ quan thú y... Thế nhưng, người tiêu dùng vẫn thờ ơ với thịt heo. Buổi chiều tại chợ Nông sản thực phẩm thị trấn Trần Văn Thời rất ảm đạm, người mua thì quay lưng còn người bán chỉ biết đợi chờ.
Ông Quách Minh Quốc, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau, nhận định: "Thịt heo trong thời gian tới sẽ hút hàng, từ đó giá cả sẽ tăng cao hơn nữa. Do bà con chưa hiểu chính xác về dịch tả heo châu Phi nên ngại sử dụng thịt heo, vì vậy chúng tôi vừa phòng chống dịch, vừa tuyên truyền cho người dân không quay lưng với thịt heo"./.
Tiểu thương bán thịt heo chợ Phường 7, TP Cà Mau buồn bã ngồi đợi… khách. |
Nhiều người tiêu dùng chọn thịt heo ở các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. |
Lác đác người dân ghé mua thịt heo tại chợ Phường 7. |
Vì ế ẩm, một số tiểu thương tại chợ Nông sản thực phẩm thị trấn Trần Văn Thời đã “bỏ nghề” bán thịt heo. |
Chị Huỳnh Tuyết Nga, tiểu thương bán vịt tại chợ Nông sản thực phẩm thị trấn Trần Văn Thời, cho biết: “Từ khi có dịch tả heo châu Phi, mỗi ngày chị bán gần 100 con vịt”. |
Các sản phẩm thuỷ hải sản là lựa chọn số 1 hiện nay. (Ảnh chụp tại chợ thị trấn Trần Văn Thời). |
Nhật Minh