Những ngày gần đây, các phương tiện truyền thông nhiều lần đưa tin nhiều địa phương vì nóng lòng hoàn thành các tiêu chí để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nên đã vi phạm các quy định về tài chính. Huy động nguồn vốn sai quy định hoặc huy động nguồn tiền trong dân quá lớn làm cạn kiệt sức dân.
Những ngày gần đây, các phương tiện truyền thông nhiều lần đưa tin nhiều địa phương vì nóng lòng hoàn thành các tiêu chí để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nên đã vi phạm các quy định về tài chính. Huy động nguồn vốn sai quy định hoặc huy động nguồn tiền trong dân quá lớn làm cạn kiệt sức dân.
Bên cạnh đó, việc chọn ưu tiên thực hiện các tiêu chí cũng cứng nhắc, thiếu xem xét tình hình thực tế ở từng khu dân cư, từng địa phương nên gây tốn kém, lãng phí, phiền hà trong Nhân dân, ảnh hưởng không nhỏ đến chủ trương của Ðảng, Nhà nước và lòng tin của Nhân dân.
Thực tế, nhiều con đường làm vội vàng, đưa vào sử dụng chưa được bao lâu đã xuống cấp, nhiều hộ gia đình phải vay tiền xây nhà để cho địa phương đạt chuẩn... Rồi dân nợ, ấp nợ, xã nợ..., một số cán bộ bị kỷ luật, một số hộ gia đình cơm không lành, canh không ngọt... Ðó là những chuyện của địa phương khác, còn tỉnh nhà có hay không?
Chủ trương xây dựng nông thôn mới được Nhân dân trong tỉnh nhất trí rất cao và đang ra sức phấn đấu thực hiện. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng phải làm từng bước, làm có chất lượng chớ không nên rập khuôn, hình thức. 19 tiêu chí là “bất biến”, phương pháp thực hiện là “vạn biến”. Có nên chăng nhà nào, xóm nào, ấp nào cũng phải làm những công việc giống nhau. Nên chăng, cần rút kinh nghiệm trong phong trào xây dựng gia đình văn hoá trước đây. Ấp nào, xã nào cũng thi nhau để được công nhận hộ đạt chuẩn văn hoá nên cái bảng “Gia đình đạt chuẩn văn hoá” nhiều khi lại gây tác dụng ngược khi nó được gắn vào cái nhà chưa thật sự có văn hoá. Phong trào “gắn bảng” rầm rộ, nhà nhà đạt chuẩn, ấp ấp đạt chuẩn, xã xã đạt chuẩn... cuối cùng rồi phải xem xét lại.
Xây dựng đời sống văn hoá hay xây dựng nông thôn mới, quan trọng nhất là ý thức của cộng đồng dân cư. Vận động như thế nào để người dân thấy được lợi ích của phong trào mà tự giác tham gia thực hiện, không nên hình thức, không nên thấy người đạt thì bằng mọi cách mình phải đạt. Việc huy động vật chất cũng phải căn cứ vào thực tế đời sống của Nhân dân tại địa phương mình, không nên nghe nói hoặc thấy các nơi khác huy động hàng chục, hàng trăm tỷ đồng trong dân để xây dựng nông thôn mới thì mình cũng cố gắng huy động cho "bằng chị bằng em”, trong khi khả năng của địa phương mình có hạn.
Xây dựng nông thôn mới mục đích là để nâng đời sống người dân nông thôn đi lên, để kéo giảm khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Thế nên, không cần phải “hình thức hoá” hoặc “thành tích hoá”, mà phải thận trọng trong thực hiện các tiêu chí thì việc xây dựng nông thôn mới mới thật sự có ý nghĩa./.
Bá Nhẫn