(CMO) Những năm gần đây, cuộc thi sáng tạo kỹ thuật dành cho học sinh từ THCS đến THPT được các trường học chú trọng. Sau 4 năm thực hiện, cuộc thi đã tạo sân chơi thiết thực, bổ ích, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh nhà.
Năm học 2017-2018 là năm thứ 5 Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi Sáng tạo Khoa học - Kỹ thuật cấp tỉnh, có 63 dự án liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống dự thi.
Tại Trường THPT Phú Hưng có 39 dự án dự thi cấp trường, trong đó 3 dự án được chọn dự thi cấp tỉnh. Xuất phát từ thực tế học tập môn bóng chuyền có một số khó khăn và mất thời gian trong quá trình phát bóng, em Lê Đức Thọ, học sinh lớp 12C3, Trường THPT Phú Hưng, cùng bạn là Nguyễn Thế Nguyên (lớp 12C3) đã nghiên cứu và sáng tạo sản phẩm mang tên "Máy phát bóng chuyền tự động" nhằm hạn chế thời gian và nâng độ chính xác trong phát bóng. Dự án được đánh giá tốt về chất lượng và tính thực tế nên được chọn dự thi cấp tỉnh.
Ngoài khuyến khích học sinh, cuộc thi còn giúp giáo viên phát huy năng lực nghiên cứu khoa học - kỹ thuật. |
Thọ chia sẻ: “Tuy tốn nhiều thời gian và công sức, nhưng đổi lại học sinh được ứng dụng các kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống, khơi gợi khả năng tư duy và nghiên cứu. Đây cũng là cơ hội tiếp cận, thử sức bản thân để chúng em có thể định hướng ngành nghề trong tương lai”.
Cuộc thi tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, thiết thực ở các lĩnh vực như Vật lý, Hoá học… nhằm ứng dụng để giải quyết những vấn đề xung quanh cuộc sống.
Hệ thống lọc nước mưa và nước giếng khoan là dự án duy nhất của em Trần Mỹ Ngân, học sinh lớp 9A được Trường THCS Nguyễn Du chọn thi cấp tỉnh.
Ngân cho biết: “Đây là năm đầu tiên em tham gia cuộc thi, điều em thích nhất chính là được học hỏi nhiều cái mới phát sinh mà trên lý thuyết không có. Em mong muốn sản phẩm của mình nếu đạt giải sẽ được ứng dụng vào cuộc sống, giúp bà con, đặc biệt là ở vùng nông thôn, xử lý được nguồn nước để có nước sạch sử dụng”.
Có thể nói, cuộc thi là một sân chơi bổ ích, không chỉ khơi dậy tiềm năng nghiên cứu trong học sinh, ứng dụng các kỹ năng, kiến thức đã học tập vào nghiên cứu, mà còn thúc đẩy giáo viên tự bồi dưỡng năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng dạy học. Tuy nhiên, trong điều kiện còn nhiều hạn chế của nhà trường hiện nay như cơ sở vật chất, kinh phí, thời gian, chương trình học có khá nhiều môn nhưng lại rất ít môn liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu nên sân chơi bổ ích này vẫn còn hạn chế học sinh tham gia.
Thầy Ninh Ngọc Vinh, nhiều năm liền đồng hành cùng với học sinh trong cuộc thi sáng tạo kỹ thuật Trường THCS Nguyễn Du, cho biết: “Cuộc thi thu hút học sinh nhưng chưa thật sự lan tỏa rộng khắp. Có nhiều ý tưởng được các em trình bày, nhưng đòi hỏi kỹ thuật và trang thiết bị nhiều, trong khi đó nhà trường không có đủ điều kiện để thực hiện nên đề tài vẫn còn ít”.
Trong khi đó, việc nghiên cứu khoa học - kỹ thuật lại thật sự xa lạ, chưa phổ biến với học sinh, đặc biệt là học sinh ở vùng nông thôn.
“Em nghĩ rằng chương trình hiện nay nặng về lý thuyết, nên tăng cường các hoạt động thực hành, tạo môi trường nghiên cứu ngay trong trường học để chúng em trải nghiệm, làm quen dần với khoa học - kỹ thuật, khi đó sẽ dễ dàng tiếp cận với nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm khoa học - kỹ thuật”, em Trần Thị Như Quỳnh, học sinh lớp 10C7, Trường THPT Phú Hưng, bày tỏ.
Để cuộc thi ngày càng trở thành một hoạt động sôi nổi, thu hút sự quan tâm của học sinh, ngoài sự cố gắng tìm tòi, học hỏi của bản thân, thiết nghĩ các trường nên tạo cho học sinh thêm nhiều cơ hội tiếp cận, trải nghiệm, liên hệ thực tế ngay chính từ các môn học trong nhà trường./.
Kim Chi