ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 14-1-25 06:25:18
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðề tài gia đình trong phim Việt

Báo Cà Mau (CMO) Những bộ phim lấy đề tài gia đình, từ truyền hình đến điện ảnh, của Việt Nam khiến khán giả mệt và nhàm vì nội dung một màu, cùng cách triết lý dài dòng, gượng ép.

Gần gũi nhưng dễ nhàm chán và bí lối

Liên tục ba năm qua, dòng phim truyền hình lấy đề tài gia đình lên ngôi với vô số những bộ phim tự viết kịch bản và chuyển thể từ các tác phẩm ăn khách nước ngoài. Sở dĩ, dòng phim gia đình luôn được đón nhận và chiếm trọn tình cảm của khán giả là vì nó bắt kịp hơi thở của cuộc sống con người trong xã hội. Ðó là những vấn đề của vợ chồng, ba mẹ, con cái, bạn bè… với vô số mâu thuẫn, khúc mắc mà khán giả nhìn thấy chính mình trong đó để cảm nhận và rút ra chiêm nghiệm sâu sắc cho bản thân. Ðặc biệt, khi dịch Covid-19 kéo dài, khán giả có thời gian ngồi trước màn ảnh nhiều hơn. Nhiều biến cố trong cuộc sống nảy sinh thì đề tài cũng phong phú hơn, tạo sự hứng thú cho khán giả.

Không khó khi kể ra những bộ phim đề tài gia đình ăn khách và tạo tiếng vang, như Hướng dương ngược nắng, Cây táo nở hoa, Thương con cá rô đồng, Hãy nói lời yêu, Về nhà đi con, Hoa hồng bên ngực trái… Ngoài nội dung gần gũi, phim con đầu tư bối cảnh và sở hữu dàn diễn viên tài sắc thực lực, lời thoại chau chuốt sát với thực tiễn đời sống xã hội hơn.

Dễ khai thác, gần gũi nhưng dòng phim đề tài gia đình cũng dễ rơi vào những lối mòn, nhàm chán. Câu chuyện gia đình cũng chỉ xoay xoanh những chuyện mâu thuẫn vụn vặt giữa ba mẹ - con cái hay anh em trong nhà, những bất đồng quan điểm thế hệ hoặc đụng chạm quyền lợi dẫn đến biến cố gay gắt… Những cảnh nói đạo lý cũng nhiều đến mức mệt mỏi. Bên cạnh đó, ngoại tình cũng là một trong những đề tài bị các nhà làm phim lạm dụng đến mức không còn gì mới mẻ, phim nào cũng có. Cũng từ đây, nhân vật được gọi là "Tiểu tam", "Trà xanh" và những cảnh đánh ghen ngày càng táo bạo được các nhà làm phim tận dụng hết công suất để câu kéo khán giả ngồi lại màn ảnh nhỏ.

Ðiện ảnh khai thác về đề tài gia đình vẫn còn khá kịch và rao giảng nhiều đạo lý khiến người xem khá mệt. (Ảnh phim “Nhà bà Nữ”).

Không chỉ nội dung gây chán, chưa coi cũng đoán được nội dung, dân tình còn ngán vì phải xem đi xem lại chừng ấy diễn viên. Chẳng hạn, như vừa gặp Hồng Ðăng trong Hướng dương ngược nắng đã thấy anh trở lại trong Thương ngày nắng về. Mới xem Quỳnh Kool và Nhan Phúc Vinh trong Anh có phải đàn ông không thì sang Ðừng làm mẹ cáu lại thấy họ làm tình nhân khắc khẩu tiếp tục. Màn ảnh nhỏ miền Nam cũng chỉ toàn những cái tên bảo chứng, như Lương Thế Thành, Thuý Diễm, Thanh Duy, Anh Tài, Nhật Kim Anh, Cao Minh Ðạt…

Với truyền hình, đề tài gia đình đang đối mặt nhiều lối mòn thì điện ảnh lại sa đà vào chuyện rao giảng đạo lý quá nhiều. Một bộ phim được cho là thắng doanh thu phòng vé như Nhà bà Nữ của Trấn Thành cũng khó thoát khuyết điểm này. Xuyên suốt từ đầu đến cuối phim, biên kịch không cho thấy bà Nữ bị di truyền hay bị tác động của bất kỳ hoàn cảnh sống nào gây nên tánh cộc cằn. Vậy nhưng tác giả lại lý giải rằng vì hai đứa con ở chung với bà mẹ thô lỗ nên tiềm ẩn trong chúng đã có sẵn sự thô lỗ, nên mẹ sao con vậy. Ðứa chị ăn hiếp chồng, đứa em cũng sẵn sàng ăn miếng trả miếng với chồng. Cách xây dựng câu chuyện như thế có phần kém thuyết phục và vì vậy thiếu những cảnh gây cảm xúc sâu lắng. Nhiều khán giả xem xong không thấy đọng lại điều gì sâu sắc. Bởi hơn 90 phút là chửi, là la hét và một mớ tranh cãi cũ rích giữa bố mẹ với con gái, giữa vợ chồng với nhau, giữa các đôi lứa yêu nhau… nhưng không có giải pháp nào cho họ. Ðến hơn mười mấy phút cuối phim thì bắt đầu là màn nói đạo lý cho nhau nghe, như kiểu: “Tôi từng có lỗi vì áp đặt con cái và chưa lắng nghe con nói”; “Ừ thì ở tuổi này tôi mới nhận ra tôi yêu thương sai cách, mọi người lấy tôi làm gương và đừng như tôi”…

Truyền hình có nhiều phim gia đình thành công, như Thương ngày nắng về, Thương con cá rô đồng... nhưng cách khai thác nội dung đang dần nhàm chán. (Ảnh phim Thương con cá rô đồng).

Ðã đến lúc tìm lối thoát mới

Khán giả đã bội thực với những sự rập khuôn của dòng phim gia đình. Một câu chuyện nhưng kể theo nhiều cách, một kiểu nhân vật nhưng cái nết lẫn số phận mong làm mới hơn. Nhưng khán giả giờ khá tinh ý, họ xem vài tập đầu cũng đủ nhận biết phim nào là góp nhặt, xào lại từ phim nào.

Ðạo diễn Danh Dũng chỉ ra cái "khó nhằn" mà thể loại phim này đang phải tỉnh táo đối mặt: “Phim gia đình dễ ăn nhưng dễ chết. Chính sự gần gũi, ấm áp và thấy bóng dáng người xem trong mỗi số phận nhân vật là điều giữ chân khán giả, nhưng đó cũng là điều dễ sa đà và nhàm chán. Lời thoại cuốn hút và tạo được ấn tượng với khán giả, cũng là yếu tố để họ phải theo dõi liên tục từng tập bên cạnh các tình tiết cao trào của phim. Nhân vật phải nói thẳng vào câu chuyện, không lòng vòng, dễ nghe và có tính thực tế".

Ảnh phim Thương ngày nắng về.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã khẳng định, đề tài phim gia đình luôn giàu sức sống nhưng không phải lúc nào cũng dễ sống: “Sự hay, dở của bộ phim phụ thuộc vào nhiều thứ. Từ một câu chuyện nhưng góc nhìn khác nhau sẽ xây đắp nên kịch bản khác nhau. Cuộc sống muôn hình, muôn vẻ thì những câu chuyện trên phim cũng nên phong phú như thế. Chưa kể khác với các quốc gia khác, nơi những vấn đề an sinh xã hội đã được giải quyết hầu như rốt ráo, còn ở Việt Nam, việc người dân phải đối phó với những vấn đề xã hội là khá nóng bỏng. Nếu coi phim ảnh là nơi khán giả có thể đi tìm chính mình thì các nhà làm phim cũng nên hiểu đời sống đa cực”.

Thực ra, đề tài phim gia đình đã được khai thác bền bỉ từ nhiều năm qua và tạo được đối tượng khán giả trung thành nhất định từ màn ảnh nhỏ đến màn ảnh rộng. Trước đây, phim đề tài gia đình của Hàn Quốc, Trung Quốc và cả Ấn Ðộ nhận được sự quan tâm lớn của khán giả Việt, đặc biệt là tầng lớp nội trợ. Vậy để cạnh tranh được với điện ảnh các nước lân cận về đề tài gia đình, điện ảnh cần sáng tạo, đổi mới, tránh lối mòn như hiện tại./.

 

Lam Khánh

 

Tranh bút sắt - Những gam màu mới lạ

Tranh bút sắt là thể loại nghệ thuật đặc biệt trong hội hoạ, đặc trưng bởi việc sử dụng bút sắt (trong khi đó thường là bút chì, bút mực hoặc các dụng cụ bút màu để tạo ra những đường nét sắc sảo và chi tiết). Những tác phẩm tranh bút sắt thường tập trung vào các yếu tố như trắng, đen và đệm màu, tạo ra chiều sâu và tính chân thực đặc biệt.

Thầy giáo Mỹ thuật mê... ảnh

NSNA Lê Hữu Dụng sinh năm 1971, quê tỉnh Thái Bình, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Bình, Phó chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Chi hội Nhiếp ảnh Thái Bình, Hội phó Chi hội NSNA Việt Nam tỉnh Thái Bình.

"Chào năm mới 2025"

Tối 31/12, trong không khí phấn khởi chào đón năm mới 2025, mang theo những hy vọng, niềm vui về những khởi đầu mới, Trung tâm Văn hóa tỉnh kết hợp Vincom Plaza Cà Mau tổ chức Chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc "Chào năm mới 2025". Đây cũng là hoạt động hướng tới chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025), mốc son lịch sử quan trọng của dân tộc.

NSNA Nguyễn Khắc Hào - Hái “quả ngọt” cùng nhiếp ảnh

Là nhà thơ, tuy đến với nhiếp ảnh khá muộn, tham gia sáng tác từ năm 2019 đến nay, nhưng Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Nguyễn Khắc Hào đã tạo được dấu ấn đẹp cùng nhiếp ảnh.

Soạn giả Nguyễn Ngọc Cung mong có một ngày…

Thuở thiếu thời, Nguyễn Ngọc Cung đam mê bộ môn đờn ca tài tử, cải lương và mong muốn bộ môn này ngày càng được phát triển rộng rãi phục vụ đông đảo người dân. Điều mong muốn đó đã trở thành hiện thực khi ông đến với văn hoá, văn nghệ cách mạng. Nhưng còn một mong muốn rằng, ngày nào đó bộ phim nhựa “Biển động” được trình chiếu cho Nhân dân Cà Mau xem, thì đã trải qua hơn 60 năm vẫn chưa thực hiện được.

Thú chơi kỳ công

Trong giới chơi sinh vật cảnh hệ ngập nước, thuỷ sinh nước mặn được xem là cấp độ cao mà người chơi nào cũng muốn chinh phục. Ðể có được một góc đại dương thu nhỏ trong không gian sống, ngoài chi phí đầu tư đắt đỏ ban đầu còn cần sự đam mê, tỉ mẩn, nghiêm túc tìm hiểu.

Cà Mau có Câu lạc bộ Đá cảnh nghệ thuật

Sáng 22/12, Câu lạc bộ (CLB) Đá cảnh nghệ thuật tỉnh Cà Mau (trực thuộc Hội Sinh vật cảnh tỉnh Cà Mau) tiến hành đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025-2029. Đây là CLB Đá cảnh đầu tiên ở tỉnh Cà Mau. Ông Tạ Hoàng Nguyên, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Cà Mau, dự và chỉ đạo đại hội.

Nhà vườn sáng tác của Hoạ sĩ Dư Minh Chiến

Với niềm đam mê nghệ thuật mạnh mẽ, Hoạ sĩ Dư Minh Chiến đã thực hiện được ước mơ bấy lâu, đó là tạo nên một nhà vườn sáng tác mini tại vùng quê thanh bình ấp Kinh Hội, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời. Ðây không chỉ là nơi anh thoả sức sáng tác, mà còn là chốn để những người yêu mỹ thuật tìm về, cùng sáng tác, thư giãn, hoà mình vào không gian bình yên và giao lưu, gặp gỡ, học hỏi lẫn nhau.

Thêm sân chơi cho người yêu ảnh ở Thủ đô

Nhằm tạo thêm sân chơi, tập hợp những người yêu ảnh để cùng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức, kỹ năng chụp ảnh, Câu lạc bộ (CLB) Nhiếp ảnh Lavender vừa được thành lập. Ðây là CLB nhiếp ảnh thứ 23 của Hội Nhiếp ảnh Hà Nội.

Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác văn hoá, thể thao và du lịch năm 2024

Phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch năm 2025, ngày 18/12, nhấn mạnh: Các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch trong năm qua không chỉ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 mà còn có bước phát triển vượt bậc, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những thành tựu trong bảo tồn di sản văn hoá, tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế, và phát triển du lịch là minh chứng rõ ràng cho sự nỗ lực không ngừng của ngành văn hoá.