(CMO) Thiếu tá Hồng Hoàng Biếu, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Cà Mau, cho biết, trước hiệu quả của việc xử lý vi phạm giao thông qua camera giám sát, đơn vị sẽ tham mưu Công an tỉnh đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư dự án mở rộng hệ thống camera giám sát giao thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Camera giám sát giao thông trên địa bàn tỉnh Cà Mau được bố trí ở 4 trục đường chính, gồm tuyến Quốc lộ 1: đoạn từ Km 2232 đến Km 2240 (giám sát tốc độ), đoạn từ cầu Lương Thế Trân đến Km 2270 (giám sát tốc độ), đoạn từ ngã tư Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Công Trứ (giám sát đèn đỏ); tuyến đường Hành lang ven biển phía Nam, đoạn từ Km 10 đến Km 30 (giám sát tốc độ); tuyến đường Quản lộ Phụng Hiệp, đoạn từ Km 100 đến Km 110 (giám sát tốc độ); tuyến đường Hùng Vương có các điểm: ngã tư Phan Ngọc Hiển - Hùng Vương, ngã tư Hùng Vương - An Dương Vương (giám sát đèn đỏ).
Theo đánh giá của ngành chức năng, thông qua hình thức xử phạt vi phạm giao thông qua camera giám sát đã hạn chế được việc xử phạt thủ công. Qua đây, đảm bảo được sự minh bạch trong xử phạt và nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, lắp đặt camera thì lực lượng chức năng sẽ không phải ra đường lập chốt nhiều. Từ đó, CSGT tập trung làm nhiệm vụ tuần tra, điều tiết giải quyết tai nạn giao thông.
Tính từ ngày 1/8/2020 đến ngày 31/1/2021, thông qua hệ thống camera giám sát giao thông, Phòng CSGT đã xử phạt 3.205 trường hợp vi phạm. Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng, tước 1.647 giấy phép lái xe. Trong các lỗi vi phạm được ghi nhận và xử phạt thì 2 lỗi chiếm tỷ lệ cao là vi phạm tốc độ và không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.
Tính từ ngày 1/8/2020 đến ngày 31/1/2021, thông qua hệ thống camera giám sát giao thông đã ghi nhận và xử phạt 3.205 trường hợp vi phạm. Trong đó, hơn 1.500 trường hợp vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. |
Thiếu tá Hồng Hoàng Biếu cho biết thêm, thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, qua hơn 6 tháng triển khai cho thấy ý thức tự nguyện đóng phạt của người vi phạm giao thông được nâng cao. Trong khi 2 tháng đầu triển khai thực hiện hệ thống, mỗi ngày chỉ có khoảng 3-5 người vi phạm đến đóng phạt. Nhưng hiện tại, con số này được nâng lên, mỗi ngày có khoảng 18-20 người đến đóng phạt.
Mặc dù ghi nhận nhiều kết quả tích cực, trong quá trình triển khai vận hành hệ thống, lực lượng chức năng cũng ghi nhận một số khó khăn. Tập trung vào việc người điều khiển phương tiện sử dụng biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp còn xảy ra, dẫn đến không xác minh được chủ phương tiện. Nhiều trường hợp xe mô-tô, xe gắn máy mua bán không sang tên đổi chủ nên không tìm được địa chỉ. Thêm vào đó, công tác tuyên truyền, vận động việc chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông và chấp hành việc xử lý qua hệ thống camera giám sát chưa được duy trì thường xuyên.
Với tính khả thi của hệ thống này, Phòng CSGT sẽ tham mưu Giám đốc Công an tỉnh đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương mở rộng hệ thống camera giám sát giao thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Thiếu tá Hồng Hoàng Biếu cho biết.
Theo Công an tỉnh Cà Mau, nằm trong các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, thời gian tới sẽ khai thác tốt, hiệu quả hệ thống camera giám sát đã được lắp đặt nhằm xử lý các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, sẽ chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ, chủ công là Phòng CSGT xây dựng kế hoạch tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông. Theo đó, cùng với lực lượng CSGT, sẽ huy động tối đa lực lượng cảnh sát khác và công an xã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường bộ. Ðối tượng chủ yếu là người điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện... Tập trung xử lý các hành vi vi phạm như vi phạm về nồng độ cồn trong điều khiển phương tiện cơ giới, chở quá số người quy định, không có giấy phép lái xe hoặc chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo quy định; không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, lạng lách, đánh võng trên đường… Trong năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 50 vụ, làm chết 17 người và bị thương 42 người. So với cùng kỳ năm 2019 giảm 12 vụ, giảm 4 người chết và giảm 23 người bị thương. |
Văn Ðum