Ngày 13/11/2024, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thoả thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
ĐBQH Nguyễn Quốc Hận, Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau phát biểu tại buổi thảo luận.
Tại tổ thảo luận 16 gồm 4 Đoàn ĐBQH các tỉnh: Cà Mau, Lai Châu, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, các đại biểu đều thể hiện quan điểm đồng tình, ủng hộ và thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các cơ quan Quốc hội tại kỳ họp. Bên cạnh đó, cũng tham gia nhiều ý kiến đối với từng nội dung cụ thể.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau tham gia thảo luận một số nội dung sau:
Về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đại biểu rất đồng tình với ý kiến của các đại biểu phát biểu trước về sự cần thiết, về hiệu quả kinh tế, đặc biệt là ý kiến của đại biểu Nguyễn Hữu Toàn về cân đối nguồn lực của chúng ta để làm sao đảm bảo về cân đối tài chính trong thời gian sắp tới khi đầu tư vào đường sắt này. Đồng thời, trong các kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng như là trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những năm tới làm sao đảm bảo cân đối được nguồn tài chính ổn định bền vững.
Theo đại biểu, tại buổi thảo luận ở tổ về đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đại biểu cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm đầu tư đối với những vùng sâu, vùng xa, những khu vực đồi núi phía Bắc cũng như vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Ở vùng đồi núi phía Bắc cũng như vùng đồng bằng sông Cửu Long, hai nơi ví như phân giọng của quốc gia, nơi đứng đầu sóng ngọn gió và nơi tiền tiêu của Tổ quốc, nhưng thời gian qua hai vùng này đang gặp rất nhiều khó khăn, còn rất nhiều cụm dân cư như Làng Nủ mà chúng ta cần phải di dời để ổn định đời sống của bà con, nhưng nguồn lực của địa phương không thể đảm đương cho nên hậu quả đáng tiếc xảy ra, chẳng những ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội mà còn ảnh hưởng đến mạng sống của con người.
Còn ở đồng bằng sông Cửu Long, từng giờ phải chứng kiến cảnh hàng trăm, hàng ngàn héc ta rừng, đất bị sạt lở xuống sông, xuống biển, rất nhiều vụ sạt lở xuống lấy đi tài sản của Nhân dân cũng như tính mạng của những người ở bên sông. Những thực tế và rủi ro đó, không phải chính quyền và Nhân dân không biết, không được dự báo trước mà mọi chuyện xuất phát từ nghèo mà ra, chính vì chưa đủ nguồn lực mà chúng ta chưa đầu tư được các nơi ở tập trung cho các hộ đang ở những vùng khó khăn như thế này. Đây là vấn đề rất đau lòng và đại biểu cho rằng nguyên nhân căn cơ xuất phát từ cái nghèo, mà cái nghèo ở đây có rất nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cốt yếu nhất là hạ tầng giao thông yếu kém, đây là một điểm nghẽn, nút thắt mà chúng ta cần phải tháo gỡ.
Theo đại biểu, ở vùng sâu vùng xa và hạn chế về hạ tầng giao thông, đường đi cách trở, khó khăn thì dù có trải thảm thì các nhà đầu tư cũng không đến đầu tư… dẫn đến chi phí đầu tư sản xuất rất cao, thành phẩm chuyển đến các đô thị lớn để tiêu thụ bị ảnh hưởng bởi rất nhiều chi phí. Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm đầu tư đối với những vùng sâu, vùng xa như hai khu vực vừa nêu trên.
Đối với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, chúng ta đã xác định đất nước ta trải dài từ Bắc tới Nam, thì phạm vi đường sắt tốc độ cao cũng phải được trải dài ít nhất từ Lạng Sơn, Cao Bằng cho đến Mũi Cà Mau. Thứ nhất là để giải quyết tình hình khó khăn của hai vùng này; thứ hai là hằng ngày các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long xuất khẩu nông sản, thuỷ sản, hải sản qua Trung Quốc rất lớn, mà hiện tại chủ yếu là di chuyển bằng các phương tiện đường bộ là chính, thời gian đến cửa khẩu Lạng Sơn rất dài, dẫn đến hàng hoá bị ảnh hưởng về chất lượng. Trong khi đó, khu vực này xuất khẩu nông, thuỷ sản, hải sản rất là lớn, do đó nếu được đầu tư đường sắt tốc độ cao này thì sẽ giải quyết được khối lượng nguồn hàng rất lớn cho xuất khẩu.
Trong quy hoạch ở đồng bằng sông Cửu Long có hai cảng: Cảng nước sâu Hòn Khoai - Cà Mau và Cảng Trần Đề - Sóc Trăng, đây là những cảng biển lớn sau này sẽ đón tàu trọng tải rất lớn, nếu hai cảng này được hình thành và đưa vào hoạt động thì nhu cầu vận chuyển hàng hoá từ hai cảng này đến TP Hồ Chí Minh và các nơi xung quanh rất là lớn.
Chương trình dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam không phải đầu tư ngay mà thực hiện tới 10 năm, do đó đại biểu kiến nghị quy mô dự án kéo dài từ Lạng Sơn cho tới Mũi Cà Mau. Nhưng do nguồn lực không đáp ứng được, vì vậy nên phân kỳ, phân giai đoạn để đầu tư (giai đoạn từ 2027-2035 đầu tư từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh; giai đoạn từ 2035-2040 đầu tư 2 khu vực còn lại).
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, đóng góp ý kiến trong buổi thảo luận tổ.
Tiếp tục đóng góp vào chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đại biểu Nguyễn Duy Thanh thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng: hành lang kinh tế Bắc - Nam có vai trò bậc nhất cả nước, kết nối hành lang Đông - Tây; đường sắt cao tốc Bắc Nam sẽ rút ngắn khoảng cách từ Thủ đô Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh, thúc đẩy phát triển kinh tế, khai thác có hiệu quả nhiều nguồn lực từ du lịch, tăng cạnh tranh của nền kinh tế, đáp ứng vận tải hàng hoá từ Bắc vào Nam và hành lang vận tải lớn nhất của cả nước, đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm chi phí logistics.
Tìm hiểu kinh nghiệm các nước trên thế giới về giải quyết nhu cầu vận tải lớn, vận chuyển hành khách, đại biểu cho rằng việc lựa chọn đầu tư tuyến cao tốc là thích hợp và hiệu quả. Đại biểu cũng quan tâm nhất là vấn đề về công nghệ và tốc độ của đường sắt như: đường sắt cao tốc đầu tiên trên thế giới ra đời từ năm 1964 tại Nhật Bản và trở thành biểu tượng của Nhật Bản và nhanh chóng thu hút thế giới về tốc độ và an toàn vượt trội; đường sắt cao tốc tại Pháp thì ra đời vào năm 1981, nối liền giữa thành phố Baris và Lyon với tốc độ cao và tiện nghi; đường sắt cao tốc tại Trung Quốc ra đời năm 2008 và đến nay (15 năm) Trung Quốc đã phát triển tổng cộng hơn 2.400 km, hiện tại Trung Quốc ra đời đường sắt siêu cao tốc chạy bằng từ trường với tốc độ chạy 600 km/h, Trung Quốc đang nghiên cứu đường siêu cao tốc chạy trong chân không, chạy trong ống và đang thử nghiệm tốc độ 1.000 km/h. Nếu khai thác tại Việt Nam thì từ Thủ đô Hà Nội đi đến TP Hồ Chí Minh khoảng 1 giờ 30 phút và sẽ cạnh tranh về công nghệ với máy bay.
Đại biểu hy vọng đối với Việt Nam với chủ trương đã có, chúng ta sẽ sớm khởi công, lựa chọn được những công nghệ tiên tiến để đưa vào sử dụng cũng như tránh tình trạng đường sắt trên cao của TP Hồ Chí Minh - Hà Nội từ khi khởi công đến nay hơn 10 năm chưa đưa vào sử dụng.
Chiều cùng ngày, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hoà. Buổi thảo luận chiều hôm nay cũng kết thúc đợt 1 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV và đợt 2 sẽ bắt đầu từ ngày 19-30/11/2024.
Thúy Hằng lược ghi