Nhiều thập kỷ qua, dù nền kinh tế đất nước vẫn còn khó khăn, nhưng Ðảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến các đối tượng chính sách. Nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi người có công đã được ban hành và thực hiện. Theo đó, các tầng lớp trong xã hội cũng ngày càng có trách nhiệm hơn trong việc chung tay góp sức cùng Ðảng, Nhà nước chăm lo cho người có công với nước.
Nhiều thập kỷ qua, dù nền kinh tế đất nước vẫn còn khó khăn, nhưng Ðảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến các đối tượng chính sách. Nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi người có công đã được ban hành và thực hiện. Theo đó, các tầng lớp trong xã hội cũng ngày càng có trách nhiệm hơn trong việc chung tay góp sức cùng Ðảng, Nhà nước chăm lo cho người có công với nước.
Theo Bộ LÐ-TB&XH, hiện cả nước có hơn 8 triệu đối tượng chính sách, chiếm gần 10% dân số. Chính phủ chỉ đạo, không được để sót một đối tượng nào có đủ tiêu chuẩn mà không được hưởng chính sách ưu đãi người có công. Bộ LÐ-TB&XH đang chỉ đạo rà soát và khẩn trương hoàn tất việc xem xét, giải quyết dứt điểm hồ sơ người có công còn tồn đọng. Các địa phương cũng đang phấn đấu tạo mọi điều kiện để các đối tượng chính sách có cuộc sống từ bằng đến cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn.
Ngoài việc chi trả kịp thời các chế độ theo quy định hiện hành của Nhà nước cho các đối tượng có công, Ðảng, chính quyền các cấp đã vận động toàn xã hội đóng góp vào Quỹ Ðền ơn đáp nghĩa để xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người có công đang gặp khó khăn về nhà ở. Các đoàn thể cũng tích cực tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân quan tâm chăm sóc người có công, đặc biệt là những hoàn cảnh neo đơn, bệnh tật. Từ đó, nhận thức về công việc đền ơn trả nghĩa trong xã hội ngày càng được nâng lên - đền ơn đáp nghĩa không chỉ là trách nhiệm của Ðảng, chính quyền các cấp mà còn là trách nhiệm của cả dân tộc Việt Nam.
Ðền ơn đáp nghĩa không đơn thuần là chăm lo cho đối tượng có công được đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần, mà bản thân mỗi người Việt Nam hôm nay phải sống thật sự có trách nhiệm với Tổ quốc, với Nhân dân, trước hết là có trách nhiệm cao với bản thân. Không để bản thân sa vào lối sống thực dụng, đua đòi, buông thả, thích hưởng thụ, sùng ngoại, xem thường, khinh rẻ những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Dù làm bất kỳ công việc gì, dù ở bất cứ vị trí nào trong xã hội cũng không được để bản thân mình bị tụt hậu.
Muốn vậy, mỗi cá nhân phải tự phấn đấu rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, không ngừng học tập nâng cao trình độ nhận thức, phải sống có ước mơ, hoài bão, phải có khát vọng được cống hiến cho quê hương, đất nước. Ðó cũng chính là một hành động để đền ơn trả nghĩa, vì các thế hệ ông cha ta đổ máu xương để gìn giữ nền độc lập cho nước nhà chỉ với một mục đích duy nhất là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia để truyền lại cho muôn đời con cháu mai sau.
Ðể đền đáp công ơn to lớn đó, chúng ta phải có trách nhiệm vừa chăm sóc tốt cho các đối tượng có công với nước, vừa phải bảo vệ vững chắc cương thổ quốc gia và không ngừng phát huy những truyền thống quý báu của dân tộc, trong đó có đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, để đời đời con cháu Lạc Hồng luôn tự hào về một đất nước Việt Nam kiên cường, một dân tộc Việt Nam anh dũng!./.
Bá Nhẫn