(CMO) Ở ÐBSCL có đền thờ Nguyễn Trung Trực, thể hiện lòng thành kính, biết ơn của người dân đối với Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Riêng ở Rạch Giá (Kiên Giang) người dân có cách gọi riêng gần gũi, thân thiện “Ðình ông Nguyễn" hay "Ðền thờ ông Nguyễn”.
![]() |
Bằng công nhận đình Nguyễn Trung Trực di tích cấp quốc gia. |
Ngôi đình nằm trên đường Nguyễn Công Trứ, phường Vĩnh Thanh, TP Rạch Giá, đối diện dòng sông êm đềm, rợp mát bởi bóng cây bồ đề xanh tươi. Mặt đình quay ra cửa biển và cách biển khoảng 200 m. Bước qua cổng đình là bức tượng Anh hùng Nguyễn Trung Trực được đúc bằng đồng trông oai nghiêm, sống động, đầy khí tiết, trung kiên, bất khuất.
Ngôi đình được xây dựng vào năm 1869, được coi là ngôi đình xây dựng đầu tiên sau khi ông qua đời (tháng 10/1868), và cũng là đình thờ lớn nhất trong tất cả 9 ngôi đình thờ ông trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
![]() |
Ðình Nguyễn Trung Trực tại TP Rạch Giá là ngôi đình lớn nhất trong 9 ngôi đình tại địa bàn Kiên Giang, được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia. |
Mỗi năm, cứ đến ngày mất của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (từ 26-28/8 âm lịch), người dân khắp nơi tề tựu về Rạch Giá tổ chức cúng giỗ ông. Hoạt động này trở thành nét văn hoá truyền thống của người dân ÐBSCL nói chung và những người con quê hương Kiên Giang nói riêng để tưởng nhớ đến công lao của người anh hùng hy sinh vì đất nước.
![]() |
Hàng năm, cứ đến ngày mất của Anh hùng Nguyễn Trung Trực, người dân khắp nơi tập trung về Rạch Giá để tham dự lễ cúng giỗ. (Ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát). |
Qua nhiều lần sửa chữa và mở rộng, ngôi đình giờ đây khá khang trang. Với lợi thế nằm gần bến tàu khách Rạch Giá - Phú Quốc, nên hàng ngày có rất nhiều du khách đến cúng viếng và tham quan, bày tỏ lòng biết ơn, ngưỡng mộ vị anh hùng dân tộc.
Anh hùng Nguyễn Trung Trực quê ở Bình Ðịnh. Ông tham gia chống Pháp từ những năm đầu tiên chúng tiến hành xâm lược Việt Nam và ông đã lập 2 chiến công lừng lẫy: đốt cháy tàu L’ Espérance - tàu Hy Vọng của Pháp trên sông Nhật Tảo và trận đánh tiêu diệt đồn Rạch Giá, Kiên Giang.
Tháng 9/1868, Nguyễn Trung Trực bị thực dân Pháp bắt ở Phú Quốc rồi đưa về Sài Gòn, chúng dụ dỗ ông đầu hàng nhưng vô hiệu. Ngày 27/10/1868, thực dân Pháp đưa Nguyễn Trung Trực về Rạch Giá và xử tử ông tại đây. Trước khi chết, Nguyễn Trung Trực đã dõng dạc nói với quân Pháp: "Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây"
![]() |
Người dân đến thắp hương bàn thờ Anh hùng Nguyễn Trung Trực. |
Ðến với đình Nguyễn Trung Trực, cảm giác đầu tiên là không gian tĩnh lặng, tạo cảm giác tôn nghiêm, thành kính. Bên cạnh đình còn có phòng thuốc nam với các lương y giỏi bắt mạch, kê toa, châm cứu miễn phí. Hàng ngày, đình nhộn nhịp người ra vào để chữa bệnh, bốc thuốc, làm công đức. Với những việc làm y đức chữa bệnh cứu người, phòng thuốc nam đã được nguyên Chủ tịch nước Trần Ðức Lương gửi thư khen ngợi. Ðặc biệt hơn, vào năm 1988, đình cũng đã được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia./.
Danh Ðiệp thực hiện