Đôi tay rắn rỏi, chai sần, những nếp nhăn do tuổi tác càng hằn sâu hơn trên gương mặt của người phụ nữ này bởi sự vất vả lao động, tần tảo nuôi 9 đứa con khôn lớn nên người. Mặc dù tuổi đã gần 70 nhưng dì Ba Phấn (Nguyễn Thị Phấn, ấp Bình Minh 2, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) hằng ngày vẫn cùng với cô con út chăm sóc từng luống rau, đàn heo, ao cá sau nhà.
Đôi tay rắn rỏi, chai sần, những nếp nhăn do tuổi tác càng hằn sâu hơn trên gương mặt của người phụ nữ này bởi sự vất vả lao động, tần tảo nuôi 9 đứa con khôn lớn nên người. Mặc dù tuổi đã gần 70 nhưng dì Ba Phấn (Nguyễn Thị Phấn, ấp Bình Minh 2, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) hằng ngày vẫn cùng với cô con út chăm sóc từng luống rau, đàn heo, ao cá sau nhà.
Ðôi tay thoăn thoắt, dì Ba cầm cây vá khơi thông đường thoát nước cho các luống rau không bị ngập úng. Mưa tháo nước, nắng tưới, cứ như thế 2 năm qua, gần 2 công đất trồng đậu bắp, dưa leo, cà chua, cải xanh, rau thơm... không phụ lòng người. Cùng với đàn cá dưới ao, đàn heo trong chuồng, những luống rau đã tiếp sức để mẹ con dì Ba Phấn thoát nghèo.
Sau 4 năm trời nỗ lực, dì Ba Phấn nay đã thoát nghèo. |
Trồng rau không nặng nhọc nhưng quanh năm suốt tháng hầu như không một ngày ngơi nghỉ, hết tưới tiêu, bón phân lại làm cỏ, chăm sóc cho vườn rau xanh tốt để kịp bán đúng thời điểm, được giá. Vất vả là vậy, nhưng tinh thần mẹ con dì Ba rất phấn khởi vì đời sống kinh tế ổn định, không như trước chán nản và bế tắc.
Quan niệm trời sinh voi sinh cỏ, sinh nở không kế hoạch, vợ chồng dì Ba Phấn sinh liền một mạch 9 đứa con. Một phần do sức khoẻ kém, một phần do phải làm lụng vất vả, nặng nhọc ngay sau khi sinh nên dì Ba bệnh triền miên. “Không biết trùng hợp thế nào mà 3 năm liền đúng vào tháng đó là tôi lên bàn mổ. Ðất bao nhiêu cũng bán hết để lo trị bệnh cho tôi. Cả gia đình rơi vào túng thiếu, nhà không có ở, gạo không đủ ăn, tôi và chồng cùng mấy đứa con lớn đi làm thuê, làm mướn nuôi mấy đứa nhỏ, sống lây lất qua ngày. Do cuộc sống thiếu thốn trăm bề, lo cái ăn còn không đủ nên mấy đứa nhỏ không đứa nào được học hành đến nơi đến chốn. Cũng bởi lao tâm, lao lực lo cho vợ, cho con nên chồng tôi mất cách nay hơn chục năm, để lại 4 đứa nhỏ chưa yên bề gia thất. Từ lúc đó, cuộc sống của mẹ con tôi càng khó khăn hơn”, dì Ba tâm tình.
Chồng, cha ra đi, mẹ con dì Ba Phấn nương tựa vào nhau mà sống. Không còn đất cát, không vốn liếng, ai thuê gì làm nấy, chạy ăn từng bữa mà cái nghèo vẫn đeo bám. 4 năm trước, thấy hoàn cảnh gia đình dì Ba quá khó khăn, căn nhà đang ở lại xuống cấp, dột nát tứ bề, chính quyền địa phương vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ cho gia đình 20 triệu đồng để sửa lại nhà; tiếp theo đó Chi hội Phụ nữ ấp cũng xét cho dì vay vốn chăn nuôi, trồng trọt. Anh Ðoàn Văn Trung, một người láng giềng cho mẹ con dì Ba mượn đất và hướng dẫn trồng rẫy kiếm thêm thu nhập.
Nhờ siêng năng, cần cù cộng với sự giúp đỡ căn cơ từ chính quyền địa phương, các đoàn thể và nhất là người láng giềng tốt bụng là anh Ðoàn Văn Trung, từ hộ nghèo nhất nhì trong ấp, cuộc sống của gia đình dì Ba dần ổn định. Vui nhất là năm vừa rồi dì Ba Phấn tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo. “Hiện tại, cuộc sống của mẹ con tôi đã ổn định, có nhà ở đàng hoàng rồi, lại có thêm nguồn thu nhập từ rau màu. Tôi mừng lắm!”, dì Ba Phấn bày tỏ./.
Bài và ảnh: Kiều Oanh