(CMO) Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi (bác Ba Phi) là niềm tự hào riêng có, vang lừng tiếng thơm của Cà Mau. Những giá trị mà bác Ba Phi để lại vẫn hiện hữu trong cốt cách của người Cà Mau hôm nay: khẳng khái, lạc quan, yêu chuộng lẽ phải, sáng tạo trong lao động, luôn hướng tới tương lai tốt đẹp.
Năm 2015, khu lưu niệm Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi (bác Ba Phi) đã được UBND tỉnh Cà Mau công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh. Ðây là niềm vui, tự hào của con cháu bác Ba Phi, của xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời. Tuy nhiên, để nơi đây thật sự xứng đáng với danh tiếng, với đóng góp của bác Ba Phi cho quê hương xứ sở thì cần phải có sự đầu tư tương xứng, kịp thời hơn.
Bác Ba Phi là nông dân chất phác xứ Lung Tràm. Với sự thông minh, hóm hĩnh, tính tình lạc quan, vui vẻ, ông đã chinh phục tất cả mọi người bằng những câu chuyện vừa huyền ảo, vừa chân thật lại toát lên được sự giàu có, trù phú và tư thế làm chủ của con người trong buổi đầu khai khẩn, lập đất, lập làng ở miệt rừng tràm U Minh Hạ. Những câu chuyện của ông đã giúp con người buổi ấy vượt qua thiên nhiên khắc nghiệt, những cơ cực nhọc nhằn và hiểm nguy trong hành trình mở đất. Những câu chuyện ấy thú vị thay khi chỉ được ứng tác tức thời, không ghi bằng văn tự “giấy trắng mực đen”, mà bằng một cách kể chuyện thần kỳ nào đó, in hằn trong trí nhớ, trong cảm thức của người người, thế hệ này sang thế hệ khác, để rồi trở thành bất tử.
Tìm về xã Khánh Hải, xứ Lung Tràm, nơi bác Ba Phi tạ thế và con cháu hương khói thờ tự. Người con dâu lớn của bác Ba Phi, bà Nguyễn Thị Anh, năm nay đã 89 tuổi, bồi hồi: “Năm nay tôi đã yếu nhiều, những chuyện về tía nhớ không hết. Nhưng tía tôi là người phương phi, làm ruộng, đi rừng giỏi lắm. Hồi đó, tía tôi giúp đỡ, cưu mang nhiều người từ xứ khác về đây lập nghiệp. Thời chiến tranh, tía theo cách mạng, nuôi bộ đội, thường kể chuyện tiếu lâm cho bộ đội nghe”. Bà Anh cũng cho biết: “Ở đây chỉ có bàn thờ, khu mộ của tía má tôi, vậy mà nhiều khách tới viếng thăm, thắp nhang cho ông. Tôi mừng vì tía tôi còn nhiều người biết, nhớ đến”.
Bà Nguyễn Thị Anh, 89 tuổi, vẫn ngày ngày hương khói cho bác Ba Phi. |
Về Lung Tràm lần này, chúng tôi chung vui với gia đình bà Anh vì mới cất được căn nhà và xây con đường bê-tông cao ráo dẫn ra khu mộ của bác Ba Phi. Cháu nội bác Ba Phi, bà Nguyễn Thị Dung (con gái bà Nguyễn Thị Anh), cho biết: “Nhiều đoàn xuống khảo sát, tính toán, nhưng chưa thấy đầu tư xây dựng gì hết”. Theo bà Dung, mấy năm trước đây căn nhà thờ tự của ông nội xuống cấp, đường dẫn ra khu mộ mùa mưa ngập sâu, khách đến thăm rất bất tiện. Gia đình mong muốn xây dựng một nhà mộ đàng hoàng che nắng, che mưa cho khu mộ của ông bà nhưng chưa làm được.
Chủ tịch UBND xã Khánh Hải Phạm Thành Ðược thông tin: “Di tích bác Ba Phi đã được UBND huyện lập đề án chi tiết, hiện trạng có hơn 3.000 m2 đất mà gia đình hiến tặng, còn quy hoạch tổng thể là gần 7 ha. Tỉnh, huyện đang chủ trương kêu gọi nhà đầu tư để huy động nguồn lực xây dựng, tôn tạo, chỉnh trang khu di tích để kết hợp với phát triển du lịch. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất là chưa lựa chọn được nhà đầu tư, chưa có nguồn lực. Thế nên, di tích hiện nay nằm trong "chế độ chờ" và chưa được đầu tư, xây dựng hạng mục nào”.
Theo ông Ðược, dù rất chia sẻ về nguyện vọng của gia đình bác Ba Phi làm nhà mộ, nhưng theo quy định của pháp luật thì di tích đã được công nhận phải được trùng tu, tôn tạo theo quy hoạch của đề án. Ðịa phương cũng đã có tham mưu, đề xuất với cấp trên làm sao vừa đảm bảo quy định, vừa hỗ trợ gia đình thực hiện nguyện vọng chính đáng. Trên thực tế, nhiều di tích ở Cà Mau đang trong tình trạng chờ đợi được đầu tư như khu di tích bác Ba Phi. Ðây là vướng mắc mà các cấp, các ngành đã nắm bắt được, tuy nhiên vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu tháo gỡ.
Khu mộ bác Ba Phi và 2 người vợ, hiện xuống cấp nhiều và cần được đầu tư kịp thời. |
Ông Ðược phân tích: “Nếu đầu tư, trùng tu, tôn tạo đúng mức và khai thác hiệu quả thì di tích bác Ba Phi là một điểm đến hấp dẫn với du khách. Ðây là tiềm năng phát triển du lịch lịch sử - văn hoá của Khánh Hải nói riêng, Cà Mau nói chung, vì di tích bác Ba Phi kết nối thuận lợi với tuyến du lịch U Minh Hạ - Ðá Bạc”. Ông Ðược đề xuất: “Các cấp, các ngành, nhất là ngành văn hoá cần có khảo sát cụ thể, đề xuất giải pháp hiệu quả, thiết thực để sớm triển khai việc xây dựng khu di tích bác Ba Phi xứng tầm”.
Ở góc độ gia đình, bà Nguyễn Thị Dung, cháu nội bác Ba Phi, chia sẻ: “Gia đình tôi ủng hộ chủ trương của Nhà nước, nhưng đã hứa, đã nói là phải làm. Má tôi cũng đã sắp trăm tuổi già, mong ngóng từng ngày”.
Riêng chúng tôi, những người vẫn lui tới di tích bác Ba Phi trong những năm qua, thấy tiếc vì một di tích chưa được đầu tư tương xứng. Nói như bà Dung: “Cứ để thời gian trôi qua, bác Ba Phi và những câu chuyện hóm hĩnh dần dà cũng phôi pha trong trí nhớ của mọi người. Tôi và gia đình sợ nhất điều đó”./.
Phạm Quốc Rin