Ngày 18/8/2016, theo Quyết định số 2891/QÐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Ðịa điểm chiến thắng Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là đã chính thức được công nhận là Di tích Lịch sử quốc gia. Ðây là một trong những di tích tiêu biểu phản ánh lịch sử đấu tranh cách mạng của Nhân dân Cà Mau, cũng là nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.
Ngày 18/8/2016, theo Quyết định số 2891/QÐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Ðịa điểm chiến thắng Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là đã chính thức được công nhận là Di tích Lịch sử quốc gia. Ðây là một trong những di tích tiêu biểu phản ánh lịch sử đấu tranh cách mạng của Nhân dân Cà Mau, cũng là nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.
Di tích Ðịa điểm chiến thắng Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là toạ lạc tại ấp Chà Là, xã Trần Phán, huyện Ðầm Dơi, cách TP Cà Mau khoảng 30 km về hướng Ðông Nam. Những ký ức về trận chiến của hơn 50 năm về trước vẫn chưa phai mờ đối với nhiều cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử nơi đây.
Sự kiện trọng đại diễn ra tại di tích là trận đánh ở cứ điểm Chà Là vào ngày 23 và 24/11/1963, các lực lượng của ta đã tiêu diệt và bắt sống hơn 1.000 tên địch, bắn rơi hàng chục máy bay, san bằng nhiều đồn bót của địch, thu rất nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng. Trước đó, vào đêm 9, rạng ngày 10/9/1963, lực lượng bộ đội chủ lực của ta đã giành chiến thắng vang dội tại 2 chi khu Ðầm Dơi và Cái Nước. Những chiến thắng liên hoàn đã gây tiếng vang lớn đối với dư luận trong và ngoài nước, mở rộng vùng căn cứ, góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ - nguỵ, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Triển lãm ảnh 50 năm chiến thắng Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là. |
Cứ điểm Chà Là được xác định là địa điểm kiên cố khống chế vùng tam giác 3 huyện: Cái Nước, Ðầm Dơi, Năm Căn nhằm đánh phá chia cắt vùng căn cứ của ta. Lực lượng địch đóng ở đây trên 300 tên, trong đó có 1 đại đội chủ lực thuộc Trung đoàn 32, Sư 21 nguỵ, 1 đại đội bảo an hỗn hợp. Cứ điểm được xây dựng kiên cố với bờ tường bao quanh và phía bên trong có nhiều tháp canh, ụ chiến đấu, bên ngoài có hàng rào thép gai nhiều lớp, có bãi mìn đặt xung quanh, hình thành một hệ thống phòng thủ chắc chắn.
Kế hoạch tấn công cứ điểm Chà Là do các đồng chí: Nguyễn Hoài Pho (Ba Mai), Huỳnh Kim Tấn (Tư Chờ) và đồng chí Trần Văn Tập (Hai Ðại) chỉ huy. Ðúng 0 giờ 00 phút ngày 23/11/1963, trận tấn công vào cứ điểm Chà Là bắt đầu, Tiểu đoàn U Minh tấn công vào các cứ điểm chính, Tiểu đoàn 306 đánh các cứ điểm chung quanh và cùng lực lượng địa phương đánh viện. Sau những loạt đạn của súng cối 81 bắn vào các mục tiêu bên trong và hàng loạt đạn ÐKZ75 bắn vào lô cốt ngoại vi, các đơn vị ta nhanh chóng diệt các lô cốt xung quanh, đánh sập đồn Giá Ngự và hạ luôn 2 vị trí đồn Chà Là.
Chỉ sau 3 giờ chiến đấu, với bộ binh và pháo bắn thẳng, pháo vòng cầu, các lực lượng của ta đã tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Chà Là, đánh thiệt hại nặng đồn Giá Ngự, tiêu diệt toàn bộ quân địch, bắt sống 30 tên, thu toàn bộ vũ khí. Cùng lúc đó, đồng bào bị giam ở 2 ấp chiến lược xung quanh đồn Giá Ngự và đồn Chà Là cùng nhất tề nổi dậy phá ấp chiến lược cùng bộ đội san bằng đồn bót. Lực lượng du kích địa phương cùng bộ đội nguỵ trang công sự, chuẩn bị trận địa, giúp dân các vùng lân cận đào hầm trú ẩn tránh bom pháo. Bộ phận thông tin xã đi khắp các ấp dùng loa thông báo kịp thời tin chiến thắng, nhắc nhở Nhân dân cảnh giác và bình tĩnh đối phó với địch.
Ngày hôm sau, vào lúc 8 giờ sáng (ngày 24/11/1963), địch bắt đầu đổ quân can viện lần thứ nhất. Có tất cả 8 chiếc máy bay B26 tới ném bom ác liệt. Ta giữ bí mật lực lượng, bình tĩnh chiến đấu. Chỉ trong buổi sáng ngày 24/11/1963, bộ đội cao xạ của ta đã bắn rơi 1 máy bay B26, bắn hạ 1 trực thăng HU1A và 3 trực thăng H47 chở đầy lính, gây hoang mang cho địch.
Buổi trưa hôm đó, địch tổ chức quân viện lần hai, chúng cho 12 chiếc máy bay phản lực và khu trục bỏ bom bắn phá những vùng chúng nghi ngờ, lực lượng ta kịp thời củng cố lại công sự. Tiếp đó đoàn trực thăng H47 và phản lực chiến đấu gồm 40 chiếc ném bom bắn phá ác liệt, từng tốp trực thăng lao vào đổ quân. Nhưng trước hoả lực đối kháng của ta, một số máy bay địch bị bắn rơi, chúng phải đổ quân cách xa trận địa 1 km về phía Ðông. Theo lệnh chỉ huy, bọn lính ngoan cố lội đồng đánh về phía trận địa ta, nhưng bị lực lượng đánh viện của ta ngăn chặn tiêu hao nặng, chôn chân chúng giữa đồng lúa.
Ðến 17 giờ chiều cùng ngày, quân địch dưới sự yểm trợ của máy bay khu trục và máy bay phóng pháo, 19 máy bay vận tải quân sự C47 và 2 Ða-kô-ta thả 1 tiểu đoàn dù, quân tổng dự bị trung ương nguỵ, xuống cặp 2 bên sông Bảy Háp. Bộ đội cao xạ của ta tiếp tục bắn rơi 2 máy bay Ða-kô-ta còn đầy lính chưa kịp nhảy dù. Ðịch nhảy dù từ cao, gió tạt hầu hết sang bên bờ hữu ngạn, nơi có nhiều trung đội địa phương quân huyện Cái Nước và đơn vị 306, du kích đã trực sẵn, quân dù bị đánh tơi tả.
Kết quả sau 1 ngày đêm chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt cứ điểm Chà Là, diệt 1 ban hành chánh quận Ðầm Dơi, 1 trung đội dân vệ, đánh thiệt hại nặng 1 đại đội chủ lực, 1 đại đội bảo an, loại ra ngoài vòng chiến đấu trên 300 tên địch, bắt sống 30 tên, thu nhiều đạn dược và quân trang, quân dụng, bắn rơi 19 báy bay, thu 500 dù. Tiếp theo đó, vào ngày 26 và 27/11/1963, địch tiếp tục cho máy bay khu trục yểm trợ máy bay lên thẳng đến thu dọn chiến trường, ta bắn rơi thêm 2 máy bay lên thẳng.
Chiến thắng Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là là niềm tự hào của quân, dân Cà Mau trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ðây là thành công lớn của quân, dân ta trong việc thực hiện phương châm "2 chân, 3 mũi" (vũ trang - chính trị, quân sự - chính trị - binh vận), góp phần cùng với quân, dân cả nước đánh bại chiến thuật "trực thăng vận và quân dù" của Mỹ - nguỵ.
Khu di tích Ðịa điểm chiến thắng Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là đã được quy hoạch xây dựng với nhiều hạng mục: tượng đài, quảng trường, nhà truyền thống, nhà chờ, khuôn viên cây xanh... trên diện tích rộng 3,4 ha. Nơi đây sẽ trở thành địa điểm tham quan du lịch và giáo dục truyền thống về lịch sử đấu tranh cách mạng cho Nhân dân địa phương, đặc biệt là thế hệ trẻ./.
(Theo Lịch sử Ðảng bộ tỉnh Cà Mau)
Bài và ảnh: Huỳnh Thăng