Cà Mau có 3 cộng đồng dân tộc đông nhất cùng tồn tại và phát triển (Kinh, Hoa, Khmer). Từ đó cũng có nền văn hoá đa tộc người mang những đặc trưng riêng được hình thành trong quá trình giao lưu, hội nhập văn hoá tộc người. Tuy nhiên, chiến tranh đã tàn phá nhiều di sản văn hoá các dân tộc. Văn hoá của đồng bào dân tộc Khmer cũng không nằm ngoài hệ luỵ đó.
Cà Mau có 3 cộng đồng dân tộc đông nhất cùng tồn tại và phát triển (Kinh, Hoa, Khmer). Từ đó cũng có nền văn hoá đa tộc người mang những đặc trưng riêng được hình thành trong quá trình giao lưu, hội nhập văn hoá tộc người. Tuy nhiên, chiến tranh đã tàn phá nhiều di sản văn hoá các dân tộc. Văn hoá của đồng bào dân tộc Khmer cũng không nằm ngoài hệ luỵ đó.
Hiện nay, ngành văn hoá tỉnh Cà Mau hiện đang tiến hành kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể trên toàn tỉnh và cũng đang tiến hành lập kế hoạch triển khai đề án “Bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”. Những việc làm đó là rất cần thiết, nhưng cần thiết hơn nữa là phải có cuộc kiểm kê riêng đối với các loại hình di sản văn hóa của dân tộc Khmer. Vì đây là một bộ phận văn hoá đặc sắc trong không gian văn hoá của Cà Mau. Bài Cần kiểm kê di sản văn hoá Khmer Nam Bộ ở Cà Mau, trong mục Bàn tròn Văn hóa, trên trang 2.
Trên vùng biển Cô Lin và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, có một “nghĩa trang xanh”. Gọi là “nghĩa trang xanh”, bởi các anh ngã xuống tuổi đời còn rất trẻ, để lại sau lưng bao hoài bão, lý tưởng, ước mơ và nhựa sống của người lính biển thời bình. Nghĩa trang đặc biệt ấy không có phần mộ như trên đất liền, không có bia tưởng niệm, mộ của các anh là những ngọn sóng bạc đầu lúc nổi lên dữ dội, lúc hiền hoà lặng lẽ như những nhành san hô nằm dưới đáy biển sâu. Máu các anh hoà lẫn đại dương, thân các anh hoá vào lòng biển, để mỗi lần đi qua nghĩa trang đặc biệt ấy, linh hồn các anh đang ẩn hiện đâu đây, hoà vào tiếng sóng, tiếng gió thành bản tình ca, nhắc nhở các thế hệ phải có trách nhiệm bảo vệ biển, đảo - một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc không thể tách rời. Cảm xúc về 64 liệt sĩ hy sinh trong trận quyết chiến bảo vệ Trường Sa tại đảo Gạc Ma năm 1988 được chia sẻ trong bài Trường sa xanh mãi, trên trang 9.
“Người đàn bà bước tới giành lấy cuốn sổ trong tay của người đàn ông. Bà nghiêng người chào mọi người và mở cuốn sổ. Bà cho mọi người thấy và kiểm tra trong cuốn sổ chỉ có những hình vẽ. Bà lấy trong túi con chim được xếp bằng giấy học trò xinh xinh cho mọi người xem và nhét vào cuốn sổ. Bà đóng cuốn sổ lại, xoè bàn tay vẽ vẽ điều gì đó trong không khí, hốt ném vào cuốn sổ. Bà mở cuốn sổ, con chim được xếp bằng giấy học trò xinh xinh biến đi đâu mất, thay vào đó là con bồ câu thật vỗ cánh bay ra ngoài”. Đó là một trong những màn trình diễn thú vị trong bút ký Vợ chồng “phù thủy”, trên trang 11.
“Đôi tay của mẹ gầy guộc, đầy vết đồi mồi và những cọng gân xanh. Cũng chính đôi tay này đã hàng trăm lần tải thương, tiếp tế lương thực cho bộ đội công đồn. Đôi tay ấy bao lần chèo ghe đưa bộ đội qua sông giữa đêm đen mờ mịt trong sự kiểm soát gắt gao của kẻ thù. Và cũng chính đôi tay gầy guộc ấy, mẹ đã vận chuyển hàng chục quả bom để đánh sập 7 cây cầu kiên cố được Mỹ - ngụy canh phòng cẩn mật ngày đêm trên Quốc lộ 1…”. Truyện ngắn Huyền thoại trên đất anh hùng, trên trang 8.
Ngoài ra, Báo Cà Mau Cuối tuần, số 2784, phát hành thứ bảy, 9/5/2015, còn nhiều tin, bài về lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, giải trí, và nhiều tin, bài trên các lĩnh vực khác, mời quý vị và các bạn cùng đón đọc./.