Tình hình hạn hán, xâm mặn, thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt cũng như giải pháp khắc phục là vấn đề tiếp tục được các sở, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm trong hội nghị đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh quý I vừa diễn ra vào chiều ngày 30/3. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, Sở đang tiến hành rà soát lại toàn bộ tình trạng thiếu nước trên địa bàn và giải quyết với 2 giai đoạn.
Tình hình hạn hán, xâm mặn, thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt cũng như giải pháp khắc phục là vấn đề tiếp tục được các sở, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm trong hội nghị đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh quý I vừa diễn ra vào chiều ngày 30/3. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, Sở đang tiến hành rà soát lại toàn bộ tình trạng thiếu nước trên địa bàn và giải quyết với 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 sẽ giải quyết tình trạng một số khu vực thiếu nước bức xúc với khoản kinh phí 16 tỷ đồng và lâu dài cần đến trên 42 tỷ đồng. Đối với việc chi hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do thiên tai, khả năng đến ngày 15/4 sẽ hoàn thành các thủ tục. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo, thủ trưởng các đơn vị, các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp chống hạn, xâm mặn và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Thông tin trên trang 2.
Cũng trên trang 2 thông tin, vụ nghêu năm nay, Hợp tác xã nuôi nghêu Đất Mũi thả 32 tấn nghêu giống. Sau 20 ngày thả nuôi, nghêu bắt đầu có hiện tượng chết và kéo dài cho đến nay. Trong 16 tổ nuôi nghêu, có 10 tổ thiệt hại 100%, 6 tổ thiệt hại từ 50-70%, tổng giá trị thiệt hại khoảng 2,6 tỷ đồng. Nguồn con giống được người nuôi mua từ Bạc Liêu và Bến Tre. Bước đầu xác định nguyên nhân nghêu chết do ảnh hưởng nguồn nghêu giống và nguồn tảo độc từ biển.
Vụ đậu xanh năm nay, toàn huyện Trần Văn Thời xuống giống được hơn 1.160 ha. Hiện tại, nhiều hộ đã thu hoạch xong đợt 1, năng suất bình quân từ 250-300 kg/công. Theo tính toán của người dân, trung bình mỗi công đậu xanh trừ chi phí, bà con còn lời từ 4,5-5 triệu đồng. Trước tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều loại cây trồng bị thiệt hại do thiếu nước tưới thì cây đậu xanh lại thích nghi với thời tiết khô hạn. Đây là cơ sở để các ngành chuyên môn xem xét, đánh giá, trong việc lựa chọn chuyển đổi các loại cây trồng thích ứng giúp nông dân giảm bớt thiệt hại do thiên tai. Bài Nông dân huyện Trần Văn Thời trúng mùa đậu xanh, trên trang 6.
Người dân địa phương và Ban Quản lý Vườn Quốc gia U Minh Hạ quyết tâm cùng nhau bảo vệ rừng, cùng thực hiện nhiệm vụ trực chòi canh 24/24 từ đầu mùa khô đến nay. Và công tác này càng thắt chặt hơn từ đầu tháng 3 vừa qua. Theo các cán bộ kiểm lâm, sự nỗ lực của người dân là rất cao, bà con rất quyết tâm cùng ngành chức năng bảo vệ rừng. Ghi nhận trong bài Cùng nhau quyết tâm giữ rừng, trên trang 9.
Nắng hạn kéo dài từ đầu năm đến nay gây ảnh hưởng lớn đến tôm nuôi trên địa bàn tỉnh. Vì không chủ động được nguồn nước dự trữ, độ mặn tăng cao... dẫn đến dịch bệnh tôm xảy ra trên diện rộng. Vụ tôm đầu năm nay được đánh giá là đầy khó khăn. Thực trạng trên cùng những phân tích, những đề xuất giải pháp khắc phục của ngành chuyên môn và nông dân được đăng tải trên trang 11.
Chi tiết, mời quý vị và các bạn tìm đọc trên Báo Cà Mau số ra hôm nay!./.