Những năm qua, mặc dù các ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, nhưng tình hình vi phạm vẫn còn tiếp tục xảy ra và diễn biến ngày càng phức tạp. Chỉ tính riêng trong năm 2015, có 42 phương tiện vi phạm, tăng 17 phương tiện so với năm 2014. Sông Đốc là một trong những địa phương có số phương tiện vi phạm bị bắt và xử lý cao nhất tỉnh.
Những năm qua, mặc dù các ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, nhưng tình hình vi phạm vẫn còn tiếp tục xảy ra và diễn biến ngày càng phức tạp. Chỉ tính riêng trong năm 2015, có 42 phương tiện vi phạm, tăng 17 phương tiện so với năm 2014. Sông Đốc là một trong những địa phương có số phương tiện vi phạm bị bắt và xử lý cao nhất tỉnh.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp ngăn chặn tình trạng tàu cá tỉnh Cà Mau vi phạm vùng biển nước ngoài, trong đó nhấn mạnh: Đối với các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt sau đó mua lại, chuộc về, trốn về, được thả về Việt Nam thì ngoài việc xử phạt theo Nghị định số 103/2013/NĐ-CP, cần tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ các phương tiện này bằng; không cấp giấy phép khai thác cho những tàu cá vi phạm từ 2 lần trở lên; không xét cho chủ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài được hưởng các chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ và các chính sách hỗ trợ khác. Bài Ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, trên trang 2.
Sáng thứ Hai vừa qua, Trường Tiểu học Nguyễn Ðình Chiểu, Phường 8, TP Cà Mau rộn rã niềm vui. Tiếng cười, tiếng vỗ tay không dứt bởi các hoạt động lý thú, hấp dẫn đang được diễn ra dưới sự tổ chức, quản trò của các nhân viên thư viện đến từ Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh và Thư viện tỉnh Cà Mau; đặc biệt là sự góp mặt của chuyến xe mang cả hành trang tri thức, với hơn 3.000 quyển sách, báo các loại, cả chục chiếc máy vi tính được kết nối mạng internet, tivi, tranh vẽ, tượng thạch cao và rất nhiều quà tặng… "Chuyến xe tri thức" đến với trường như một hoạt động ngoại khoá giúp các em trải nghiệm và làm quen nhiều hơn với sách, cũng như được vui chơi, thư giãn và bổ sung kỹ năng sống bổ ích.. Ghi nhận trong bài “Chuyến xe tri thức” - Sân chơi trí tuệ, trên trang 6.
Xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi hiện có khoảng 63 hộ làm nghề muối, với diện tích trên 180 ha, chủ yếu tập trung tại ấp Lưu Hoa Thanh. Ðây là xã duy nhất trong tỉnh Cà Mau làm muối hơn 30 năm nay. Chất lượng muối Tân Thuận từ lâu vượt xa muối của các vùng lân cận. Mỗi năm, từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau là thời điểm diêm dân bắt tay làm muối. Mùa khô năm nay, thời tiết nắng hạn gay gắt, tình trạng xâm mặn mạnh, gây thiệt hại kinh tế cho các vùng sản xuất lúa - tôm, nhưng đây lại là điều kiện thuận lợi cho nghề làm muối, mỗi héc-ta cho năng suất 75 tấn. Muối được mùa, song giá lại rớt mạnh, chỉ ở mức 600 đồng/kg, chỉ bằng phân nửa giá năm trước. Theo bà con, chưa bao giờ muối rớt giá thê thảm như năm nay. Giá đã giảm, thương lái lại chẳng mặn mà thu mua khiến diêm dân càng thêm khốn đốn. Thực trạng trên được phản ánh trong bài Muối đắng, trên trang 8.
Khu dân cư Lung Ranh, xã Khánh Hội, huyện U Minh, là dự án tái định cư cho các hộ đồng bào Khmer của huyện U Minh đang sinh sống trong các khu vực rừng phòng hộ ven biển Tây. Khu có diện tích 7,9 ha, được đầu tư trên 50 tỷ đồng, dự án bắt đầu triển khai từ năm 2011.
Hiện tại khu dân cư Lung Ranh có 90 hộ là người Khmer vào tái định cư. Hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, gồm đường giao thông chính rộng trên 10 m bằng bê-tông, có trường tiểu học, tổ y tế, nhà lồng chợ, đèn thắp sáng công cộng, có nguồn nước ngọt đảm bảo cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất. Tuy nhiên, trong số 90 hộ vào ở thì có đến 50% số nhà đóng cửa triền miên; số còn lại, phần lớn chỉ thấy người già và trẻ em. Vì sao có tình trang trên? Câu trả lời có trong bài Tái định cư – Bao giờ an cư?, trên trang 11.
Và còn nhiều tin, bài thời sự khác, chi tiết, mời quý vị và các bạn tìm đọc trên Báo Cà Mau số ra hôm nay!./.