(CMO) Những ngày này, các vận động viên điền kinh Cà Mau đang ráo riết tập luyện, chuẩn bị tham gia giải Điền kinh Cúp tốc độ Thống Nhất năm 2022, sẽ diễn ra vào đầu tháng 4, tại TP Hồ Chí Minh.
“Đây là giải đấu nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia, được TP Hồ Chí Minh tổ chức thường niên với nhiều nội dung, lứa tuổi tham gia khác nhau, nhằm đánh giá công tác đào tạo năng khiếu điền kinh ở các đơn vị trên toàn quốc. Giải năm nay, đoàn Cà Mau có 6 vận động viên (VĐV) tham gia thi đấu 10/86 nội dung dành cho VĐV đội tuyển và vô địch các lứa tuổi trẻ”, ông Ngô Văn Vui, Huấn luyện viên trưởng điền kinh Cà Mau, thông tin.
Môn thể thao chủ lực
Bóng đá, quần vợt và điền kinh là 3 môn thế mạnh của thể thao Cà Mau vào những năm đầu thập niên 90 (thế kỷ trước). Ông Hứa Thanh Khang, Phó giám đốc Trung tâm Huấn luyện, Thi đấu và Đào tạo thể dục thể thao tỉnh Cà Mau (cựu kiện tướng điền kinh Cà Mau), tâm tình: “Tiềm năng điền kinh Cà Mau không thiếu. Được tôn vinh là môn thể thao nữ hoàng nhưng tập luyện điền kinh rất khắc khổ mà chế độ bồi dưỡng, chính sách đãi ngộ tài năng chưa thật sự thu hút, công tác đào tạo còn những bất cập… Vì thế, tuy có phong trào nhưng rất khó phát triển VĐV đỉnh cao. Khoảng năm 2006 thì điền kinh Cà Mau không còn tham gia các giải đấu thành tích cao”.
Thực hiện Đề án Phát triển thể thao thành tích cao giai đoạn 2011-2020 của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, cơ sở vật chất phục vụ cho tập luyện thể thao thành tích cao từng bước được đầu tư, cải thiện tốt hơn. Môn điền kinh được xem là môn thể thao chủ lực với kế hoạch đào tạo VĐV năng khiếu theo từng năm. Năm 2018, điền kinh Cà Mau bắt đầu khởi động lại từ việc phối hợp với các địa phương phát triển phong trào thể thao quần chúng, cũng như kết hợp với ngành giáo dục tổ chức giải điền kinh, bóng đá, bơi lội và võ thuật cho học sinh toàn tỉnh hàng năm.
Ông Đoàn Công Lực, chuyên viên Phòng Giáo dục mầm non, phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Những năm gần đây, phong trào tập luyện điền kinh trong học đường có bước phát triển rõ rệt. Thể hiện qua các giải điền kinh, bóng đá… học sinh, thành tích năm sau luôn vượt trội so với năm trước. Một số nội dung như đẩy tạ nam, nhảy cao, ném bóng, chạy... tiến bộ thấy rõ. Điều đó khẳng định sự quan tâm của các cấp quản lý giáo dục đối với công tác giáo dục thể chất, thể thao học đường”.
Theo Đề án Phát triển thể dục thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao tỉnh Cà Mau giai đoạn đến năm 2025, điền kinh Cà Mau tiếp tục được quan tâm đào tạo chuyên sâu các VĐV năng khiếu tại địa phương, cũng như gửi đi đào tạo ở Trung tâm Huấn luyện Quốc gia tại TP Hồ Chí Minh (theo chương trình hợp tác phát triển thể thao giữa 2 đơn vị).
Phong trào điền kinh phát triển trong thể thao quần chúng. (Ảnh chụp tại Hội thao chào mừng Ngày Thể thao Việt Nam năm 2021) |
Khẳng định vị thế
Hiện tại, điền kinh Cà Mau có 14 VĐV ở 3 tuyến: tuyển, trẻ và năng khiếu; trong đó có 4 VĐV đang tham gia đội tuyển trẻ điền kinh quốc gia và tất cả đều được tuyển chọn năng khiếu từ giải điền kinh học sinh. “Từ năng khiếu phát triển lên chuyên nghiệp là một quá trình, đòi hỏi môi trường đào tạo phù hợp, cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu và VĐV thường xuyên được cọ xát để nâng cao kinh nghiệm thi đấu… Được đáp ứng đủ điều kiện nên các em tiến bộ rất nhanh, khẳng định được bản thân và vị thế cho điền kinh Cà Mau tại các giải thi đấu trong khu vực và quốc gia”, ông Ngô Văn Vui phấn khởi.
Điển hình như VĐV Phạm Nhật Duy (sinh năm 2002), được Trung tâm Huấn luyện, Thi đấu và Đào tạo thể dục thể thao tỉnh tuyển chọn năng khiếu vào tháng 7/2018 để bổ sung vào đội tuyển trẻ của tỉnh và được gửi đào tạo tại Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Chưa tròn 3 năm được chăm bồi, phát triển (tính đến năm 2020), Duy đã lập được thành tích đáng kể với 10 huy chương các loại, trong đó có 3 Huy chương Vàng ở các giải quốc gia và 1 Huy chương Bạc giải Vô địch điền kinh trẻ Đông Nam Á lần thứ 14 (tổ chức tại Philippines).
Phạm Nhật Duy tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện Quốc gia TP Hồ Chí Minh. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Nếu như Phạm Nhật Duy có năng khiếu nhảy xa, thì VĐV Nguyễn Quốc Thình có sở trường nhảy cao. Có tố chất, đam mê và được đào tạo căn bản, Thình đã giành được 4 Huy chương Vàng, sau 3 năm được đào tạo phát triển chuyên môn. Bên cạnh đó, Nguyễn Thị Vân Anh, Nguyễn Việt Khái cũng là những cái tên gây chú ý cho giới chuyên môn ở các giải thi đấu quốc gia. Với sở trường là nhảy xa, VĐV Nguyễn Thị Vân Anh từng đoạt Huy chương Vàng ở giải Điền kinh Cúp tốc độ Thống Nhất năm 2019, khi thời gian tập luyện chỉ được vài tháng. Còn VĐV Nguyễn Việt Khái sớm bộc lộ năng khiếu môn ném đĩa, và sau 1 năm được chăm bồi đã xuất sắc giành Huy chương Vàng tại giải Vô địch điền kinh trẻ và các lứa tuổi trẻ quốc gia năm 2020…
“Hầu hết các VĐV điền kinh Cà Mau đều đã từng tham gia thi đấu giải Điền kinh Cúp tốc độ Thống Nhất TP Hồ Chí Minh. Thế nên, kinh nghiệm đấu trường cùng với sự khổ luyện và quyết tâm, các em sẽ tiếp tục gặt hái thành tích vàng cho thể thao Cà Mau”, ông Ngô Văn Vui kỳ vọng./.
Mỹ Pha