(CMO) Ngày nay, các bệnh không nhiễm ngày càng gia tăng, trong đó chế độ dinh dưỡng không lành mạnh là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh mạn tính, như ung thư, đái tháo đường, tim mạch… Do vậy, chế độ dinh dưỡng hợp lý, lành mạnh trong bữa ăn hàng ngày có thể dự phòng các bệnh không lây nhiễm.
Hàng ngày cơ thể chúng ta cần rất nhiều dinh dưỡng, tuy nhiên, mỗi loại thức ăn có chứa một số loại chất dinh dưỡng với tỷ lệ khác nhau cho nên bữa ăn hàng ngày cần đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm.
![]() |
Tư vấn chế độ dinh dưỡng tại Trạm Y tế xã Việt Thắng, huyện Phú Tân. |
Các chất dinh dưỡng của các loại thực phẩm này sẽ bổ sung cho nhau và giá trị dinh dưỡng của bữa ăn sẽ tăng lên. Nguồn lương thực cung cấp dinh dưỡng chủ yếu gồm gạo, ngô, khoai, sắn, là thức ăn cơ bản và cũng là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể. Ngoài ra, ngũ cốc còn là nguồn cung cấp nhiều vitamin. Nhóm hạt, như đậu, đỗ, vừng, lạc là nguồn cung cấp chất đạm thực vật cho cơ thể. Nhóm sữa và các sản phẩm từ sữa là nguồn cung cấp chất đạm động vật và canxi quan trọng cho cơ thể. Nhóm thịt các loại, cá và hải sản cung cấp các acid amin cần thiết. Nhóm trứng và các sản phẩm của trứng là nguồn cung cấp chất đạm động vật và nhiều chất dinh dưỡng quý cho cơ thể. Nhóm củ quả màu vàng, da cam, màu đỏ như cà rốt, bí ngô, gấc, cà chua hoặc rau tươi có màu xanh thẫm là nguồn cung cấp vitamin và chất khoáng. Các loại rau có màu xanh đậm, như rau ngót, rau muống, rau dền, rau đay có nhiều vitamin C, sắt và canxi.
Giảm lượng muối trong bữa ăn hàng ngày, nếu ăn nhiều muối sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp và bệnh mạn tính không lây khác. Trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng dưới 3 g/ngày, trẻ em từ 6-11 tuổi sử dụng dưới 4 g/ngày, người trưởng thành sử dụng dưới 5 g/ngày. Nên sử dụng muối iốt trong chế biến món ăn. Số bữa ăn trong ngày phụ thuộc lứa tuổi, tình trạng sức khoẻ, mức độ lao động. Với người trưởng thành khoẻ mạnh cần ăn 3 bữa/ngày, trẻ em ăn 4-5 bữa/ ngày. Nên ăn ít nhất 3 bữa, không nên bỏ bữa ăn sáng, theo các chuyên gia nghiên cứu cho thấy bỏ bữa sáng tăng nguy cơ thừa cân, béo phì, nên ăn bữa trưa nhiều nhất, bữa tối ăn ít nhất.
Qua nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, có 80% bệnh tim mạch giai đoạn đầu, đột quỵ và bệnh đái tháo đường type 2 và trên 40% ung thư có thể được phòng ngừa được thông qua ăn uống hợp lý, hoạt động thể lực đều đặn, không hút thuốc lá. Cả thiếu và thừa dinh dưỡng đều tác động tiêu cực tới sự phát triển bệnh và nếu phối hợp cả hai thì thậm chí còn tồi tệ hơn. Do vậy, việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hợp lý và an toàn trong suốt chu kỳ vòng đời, từ khi chuẩn bị mang thai, tới giai đoạn phát triển bào thai, đến các giai đoạn tiếp theo của cuộc đời đều là quan trọng để dự phòng mắc các bệnh mạn tính không lây nhiễm. Ngoài ra, dinh dưỡng cũng có tác động tới sự biểu hiện của gen và hình thành bộ gen, từ đó xác định các cơ hội đối với sức khoẻ và tính nhạy cảm đối với bệnh tật.
Bác sĩ Ðinh Thị Nguyên, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, thông tin: “Suy dinh dưỡng trong 1.000 ngày vàng đầu đời của trẻ có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính ở các giai đoạn sau của cuộc đời thông qua cơ chế tương tác gen và dinh dưỡng. Chế độ ăn cần dựa trên các thực phẩm tự nhiên, phối hợp đa dạng nhiều loại thực phẩm, cân đối các nhóm thực phẩm, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống ngọt, rượu, bia. Tăng cường ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt, đậu đỗ, các loại hạt. Tăng cường ăn rau, quả: cần ăn ít nhất 400 g rau, quả và ăn đa dạng các loại rau quả có nhiều màu sắc khác nhau vì có chứa các loại chất dinh dưỡng và dưỡng chất thực vật khác nhau”.
Ăn có mức độ các thực phẩm, như trứng, sữa, ăn lượng nhỏ thịt đỏ và tăng cường ăn cá và thịt gia cầm nạc. Ăn vừa đủ nhu cầu năng lượng, chất dinh dưỡng để tăng trưởng, phát triển, đáp ứng nhu cầu hàng ngày, không để bị thừa cân, béo phì. Thiếu và thừa dinh dưỡng đều tác động tiêu cực tới sự phát triển bệnh. Do vậy, việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hợp lý và an toàn là rất quan trọng để dự phòng các bệnh mạn tính không lây nhiễm./.
Minh Khang