ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 21-11-24 21:25:44
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV

Báo Cà Mau Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, ngày 26/10/2024, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận ở tổ về các vấn đề kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và dự kiến kế hoạch năm 2025; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở tổ về các vấn đề: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025; một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).

Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về việc: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025; một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước; Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB); Dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

ĐBQH Nguyễn Quốc Hận, Tỉnh uỷ viên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, phát biểu tại buổi thảo luận.

Tại Tổ thảo luận buổi sáng, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đánh giá cao việc điều hành của Chính phủ trong thời gian qua; đồng thời, Đoàn tập trung thảo luận, đóng góp nhiều nội dung quan trọng như: về giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua với sự chỉ đạo rất quyết liệt, tuy nhiên đến nay giải ngân còn thấp và cần đánh giá làm rõ nguyên nhân; tình hình thiên tai vừa qua và hậu quả, thiệt do bão, sạt lở đất gây ra và các giải pháp khắc phục, các kế hoạch lâu dài để ứng phó trong thời gian tới; vấn đề kinh doanh thua lỗ, gây thiệt hại của các doanh nghiệp Nhà nước; vấn đề đầu tư phát triển, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền; tình trạng thiếu điện nhưng huy động điện của các nhà đầu tư thấp; về đất đai cho nông nghiệp, thủy sản cho xuất khẩn vẫn chưa được đầu tư tương xứng và chiều sâu (giống, vật tư,…) dẫn đến hạn chế về sức cạnh tranh so với các nước bạn; sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn lớn, tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường trên số doanh nghiệp gia nhập cao hơn cùng kỳ, cần phân tích tăng trưởng kinh tế năm nay, làm rõ nguyên nhân của vấn đề này; giải pháp tháo gỡ cho các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh nhưng bị thiệt nặng nề do bão, lũ gay ra, đề nghị Chính phủ cần có cơ chế, chính sách riêng cho các doanh nghiệp tái sản xuất, kinh doanh, đồng thời với sự vào cuộc, chia sẻ của ngân hàng theo tỷ lệ phục hồi lao động; về nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, trong đó cần tập trung cho công nhân lao động là chính, đề nghị Chính phủ cần có chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và giảm bớt các thủ tục hành chính để các nhà đầu tư tham gia; vấn đề giảm thủ tục hành chính từ nhiệm kỳ 2011-2015, 2015-2020 nhưng đến nay vẫn chưa đáng kể (Bộ Công thương khoảng 450 thủ tục hành chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khoảng 465 thủ tục hành chính…) và việc cơ quan có thẩm quyền giải quyết một số thủ tục vẫn chưa phù hợp, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp, hiệp hội, ngành nghề và địa phương, do đó Nghị quyết lần này cần giao cho Chính phủ rà soát giảm 50% các thủ tục hành chính.

 ĐBQH Đinh Ngọc Minh, Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, phát biểu tại buổi thảo luận.

Buổi chiều, tại buổi thảo luận, các vị ĐBQH trong Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đóng góp nhiều vấn đề, nội dung vào Dự án Luật Điện lực (sửa đổi). 

Đại biểu Lê Mạnh Hùng cho rằng, việc phát triển năng lượng, đặc biệt là hạ tầng chiến lược về năng lượng để đảm bảo đáp ứng đủ điện và chất lượng điện, góp phần quan trọng trong phát triển nề kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật về điện, đặc biệt là Luật Điện lực còn nhiều bất cập, khó khăn trong thực hiện, do đó việc sửa đổi Luật lần này là rất cần thiết, đáp ứng các xu hướng lớn về dịch chuyển năng lượng.

Trong thực tiễn, Luật Điện lực hiện nay theo đánh giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thì có những vấn đề vướng mắc rất lớn, có nguy cơ ảnh hưởng đến việc đảm bảo công suất lắp đặt của nước ta phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Một số vướng mắc cụ thể như:

Vướng mắc liên quan đến việc triển khai các dự án khai thác khí thiên nhiên trong nước để phục vụ cho phát điện, do hiện nay chưa có các quy định về chuyển ngang giá và sản lượng khí; quy định về điều lộ vận hành các nhà máy điện ràng buộc các nhiên liệu khí; cơ chế để phát triển và triển khai các dự án điện khí theo một chuỗi đồng bộ. Hiện tại, các nhà máy khí cơ bản huy động khoảng 45-50% công suất, vì vậy hết sức lãng phí do thiếu đồng bộ giữa khai khác và sử dụng.

Vướng mắc trong phát triển hệ thống nhập khẩu khí LNG và vận hành các nhà máy điện sử dụng khí LNG, mà xu hướng của thế giới hiện nay thì khí LNG là nhiên liệu cho sản xuất điện nền và với tư cách là nhiên liệu chuyển tiếp cho đến khi chúng ta đảm bảo được điện sạch hoàn toàn thì trong quy định của chúng ta, kể cả Luật Giá năm 2023, các cấu thành trong nhập khẩu, tồn trữ, tái hóa và phân phối, LNG thuộc danh mục hàng hoá Nhà nước định giá, vẫn còn thiếu cơ chế, chính sách đối với các dự án sản xuất halogen, amoniac để các nhà đầu tư có cơ sở nghiên cứu, triển khai hệ thống cơ sở vật chất, công nghệ, nguồn lực… và có độ trễ rất lớn giữa kế hoạch phát điện và thời hạn lập kế hoạch nhận khí, dẫn đến rủi ro rất lớn về tài chính.

Vướng mắc trong công tác đầu tư các nhà máy điện, trong đó thời gian đầu tư cho đến khi hoàn thành mất từ 6-8 năm và theo quy định hiện nay thì Chính phủ cũng không bảo lãnh vay vốn và phải qua các bước lựa chọn nhà thầu. Do đó, tổng thời gian thực hiện lên đến 10 năm, khó đảm bảo đồng bộ trong Quy hoạch điện VIII…

Vướng mắc trong công tác triển khai các nhà máy điện gió ngoài khơi khi tiềm năng lợi thế cạnh tranh của nước ta được nhận xét là rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ chế để triển khai, do đó cần đưa vào dự thảo Luật lần này.

Ngoài những đóng góp nêu trên, đại biểu cũng thống nhất đối với các vấn đề đáp ứng, tiếp cận công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ điện hạt nhân, lượng tử… tại dự thảo Luật. Đồng thời, kiến nghị Luật cần phải giải quyết được hàng loạt các cơ chế, vướng mắc như vừa nêu.

                                                                    

ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phát biểu tại buổi thảo luận.

ĐBQH Nguyễn Duy Thanh cho rằng, Khoản 9 Điều 5 dự thảo Luật hiện quy định về chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới. Tuy nhiên, để tăng cường tính khả thi của chính sách của Nhà nước về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, đề nghị thiết kế Khoản 9, Điều 5 tương tự như Khoản 8, Điều 5 của dự thảo Luật, theo đó, quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, cũng như cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi (ĐGNK).

Các Điều 40, 41, 42 dự thảo Luật hiện đang tách riêng hai quy trình lựa chọn nhà đầu tư cho hoạt động khảo sát dự án ĐGNK và hoạt động xây dựng dự án ĐGNK. Sau khi khảo sát, dữ liệu sẽ do Nhà nước sở hữu; bên thực hiện khảo sát được quyền đề xuất dự án, nhưng vẫn phải tham gia đấu thầu cạnh tranh để được lựa chọn là nhà đầu tư dự án.

Như vậy, cần có cơ chế hợp lý để đảm bảo quyền lợi của bên khảo sát nếu không được lựa chọn làm nhà đầu tư dự án. Bên khảo sát tự bỏ chi phí để khảo sát khu vực biển nhưng không nhận được lợi ích về mặt kinh tế, do không có quyền sở hữu dữ liệu khảo sát (Nhà nước sở hữu, nhà đầu tư không được bán hoặc cung cấp cho bên thứ ba), và cũng không được đảm bảo quyền phát triển dự án sau này (bắt buộc tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư).

Ngoài ra cần làm rõ: nếu bên khảo sát không được lựa chọn làm đơn vị phát triển dự án, thì đơn vị phát triển dự án có được sử dụng dữ liệu khảo sát của bên khảo sát không? Do vậy, đề nghị bổ sung thêm một điểm vào Khoản 4, Điều 40 như sau: “d) Chính phủ quy định về quyền, trách nhiệm của các bên liên quan trong việc chia sẻ, khai thác, sử dụng và bảo mật dữ liệu khảo sát phục vụ nghiên cứu đầu tư dự án, khảo sát lập dự án và khảo sát phục vụ thiết kế dự án điện gió ngoài khơi”.

Về ưu đãi khi đấu thầu, Khoản 4, Điều 27 dự thảo Luật quy định “[...] Chính phủ quy định các cơ chế cụ thể về: [...], bảo lãnh đầu tư, chuyển đổi ngoại tệ, các cam kết về chuyển giao công nghệ và sử dụng hàng hoá và dịch vụ trong nước, bảo đảm của nhà nước để thực hiện dự án đầu tư khi lập hồ sơ mời thầu, đặc biệt là các loại hình điện khí, điện gió trên bờ và năng lượng mới để đảm bảo thực hiện các dự án trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia”.

Theo quy định của dự thảo Luật, các loại hình năng lượng được ưu đãi mới chỉ bao gồm “điện khí, điện gió trên bờ và năng lượng mới” và chưa bao gồm ĐGNK. Đề nghị Chính phủ cho biết lý do không áp dụng các cơ chế đảm bảo tiến độ thực hiện theo quy hoạch đối với các loại hình năng lượng tái tạo khác là điện mặt trời, ĐGNK.

Để thể chế hoá quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 55-NQ/TW năm 2020 “Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi”, đề nghị bổ sung loại hình điện gió ngoài khơi vào quy định tại khoản 4 Điều 27 dự thảo Luật.

Về Điện Khí, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang hoạt động 2 nhà máy điện: Cà Mau 1 và Cà Mau 2 tại Cụm Khí - Điện - Đạm. Tuy nhiên, dự kiến lượng khí cần bổ sung cho 2 nhà máy này trong giai đoạn 2024-2031 khoảng 0,5-1,2 triệu tấn/năm, do đó rất cần nguồn khí LNG nhập khẩu đảm bảo đủ cung cấp, vận hành. Trong khi đó, dự án Nhà máy điện khí LNG Cà Mau 3, công suất 1.500MW đã có đất sạch, có quy hoạch kho chứa, cảng để nhập khẩu khí, có phương án đấu nối lưới điện đảm bảo giải phóng công suất do nằm liền kề Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 hiện hữu và có cùng chủ đầu tư là Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đồng thời được Thủ tướng Chính phủ có ý kiến kết luận tại buổi làm việc với tỉnh Cà Mau tại Thông báo số 19/TB-VPCP ngày 18/01/2024; nếu dự án Nhà máy điện khí LNG Cà Mau 3 được triển khai sẽ xử lý được khó khăn về thiếu khí cho Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2.

Kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục xem xét bổ sung cho tỉnh Cà Mau dự án Nhà máy điện khí LNG Cà Mau 3 công suất 1.500 MW từ danh mục nguồn điện dự phòng sang chính thức trong lần điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII tiếp theo làm cơ sở triển khai thực hiện.

Về xuất khẩu điện, Đề án “Xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau” đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào chương trình công tác của Chính phủ theo Công văn số 647/VPCP-TH ngày 04/02/2023; theo đó, giao Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng đề án trình Bộ Công Thương thẩm định và đã được Bộ Công Thương có ý kiến tại Công văn số 3529/BCT-ĐL ngày 27/5/2024, trong đó đã đặt ra các vấn đề khó khăn về pháp lý: Bộ Chính trị chưa có chủ trương về xuất khẩu điện trực tiếp ra nước ngoài; chưa có quy định mua bán điện trực tiếp với nước ngoài không qua hệ thống điện quốc gia; chưa có quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án cáp ngầm vượt biển đi qua địa phận nhiều quốc gia để xuất khẩu điện và nhiều quy định khác về: khu vực, không gian biển phát triển dự án, thị trường mua bán điện trực tiếp với nước ngoài... cũng chưa được ban hành.

Kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm có ý kiến chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan tham mưu Thủ tướng Chính phủ giải quyết các khó khăn về pháp lý để phê duyệt đề án, làm cơ sở để tỉnh mời gọi nhà đầu tư nghiên cứu triển khai thực hiện Đề án.  Do tính cấp bách của việc ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) nhằm đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án nguồn điện, bảo đảm tiến độ thực hiện quy hoạch và an ninh năng lượng quốc gia, nhất trí với đề xuất của Chính phủ, theo đó, Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật này theo quy trình 1 kỳ họp.

ĐBQH Nguyễn Duy Thanh, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, phát biểu tại buổi thảo luận.

Đỗ Trung Tín - Thuý Hằng - Thùy Trâm lược ghi

 

Quốc hội họp đợt 2 Kỳ họp thứ 8, thông qua 18 luật và 10 dự thảo nghị quyết

Sau 1 tuần nghỉ giữa kỳ họp (để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết), sáng 20/11, Quốc hội bước vào đợt 2 Kỳ họp thứ 8 với nội dung trọng tâm là biểu quyết thông qua 18 dự án luật và 10 dự thảo nghị quyết.

Việt Nam tham gia sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20, Việt Nam đã tham gia sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất ba bảo đảm chiến lược cho công cuộc xóa bỏ đói nghèo trên toàn cầu.

Đầu tư 12.728 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng tuyến đường đoạn TP Cà Mau - Đất Mũi

Đường Hồ Chí Minh đoạn từ TP Cà Mau đến Mũi Cà Mau (trong đó đoạn TP. Cà Mau đến thị trấn Năm Căn đi trùng Quốc lộ 1) nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc với kế hoạch triển khai trước năm 2030.

Thư chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam

Tôn sư trọng đạo là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024), thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, và với tình cảm cá nhân, tôi thân ái gửi đến quý thầy giáo, cô giáo, công chức, viên chức, người lao động ngành giáo dục trong tỉnh lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất!

Ghi nhận ý kiến cử tri trước kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Cà Mau khoá X

Ngày 19/11, HĐND tỉnh thành lập nhiều tổ đại biểu tổ chức tiếp xúc cử tri ở các địa phương trong tỉnh, nhằm ghi nhận những ý kiến, đề xuất và nguyện vọng của bà con, trình lên kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Cà Mau khoá X sắp tới.

Khởi công xây dựng Di tích Chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là

Sáng nay (19/11), tại xã Trần Phán (huyện Đầm Dơi), tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi công Dự án xây dựng Di tích lịch sử Chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là. Đây là một trong 7 công trình được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chọn chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025-2030.

Khai mạc Hội chợ Thương mại - Tiêu dùng ở thị trấn Sông Đốc

Tối 18/11, Sở Công thương phối hợp với UBND huyện Trần Văn Thời và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Xúc tiến thương mại Phan Gia tổ chức Hội chợ Thương mại – Tiêu dùng nhân kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024),  tại bờ Bắc Sông Đốc, Khóm 9, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời.

Ông Dư Minh Hùng giữ chức vụ Giám đốc sở Giao thông vận tải tỉnh Cà Mau

Ngày 18/11, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị triển khai quyết định công tác cán bộ tại Sở Giao thông vận tải tỉnh. Đến dự hội nghị có Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại; Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân cùng lãnh đạo sở, lãnh đạo các phòng, ban trực thuộc Sở Giao thông vận tải.

Xoá nhà tạm, nhà dột nát: Hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ khi xây mới và 30 triệu đồng/hộ khi sửa chữa

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 523/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sáng 18/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và trao Huân chương Lao động hạng Ba, tặng Trường đại học Kinh tế. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo. Báo Cà Mau Online trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt.