Từng bước khẳng định mình, Ðoàn Nghệ thuật Khmer Cà Mau không ngừng phấn đấu, trau dồi chuyên môn mang đến những tiết mục, vở diễn ấn tượng trong lòng khán giả. Bên cạnh đó, đơn vị còn chú trọng tào đạo nguồn nhân lực trẻ đam mê, yêu nghề nhằm tiếp tục kế thừa, phát huy văn hoá cổ truyền. Thông qua nhiều cuộc thi, đơn vị đạt nhiều giải thưởng đáng trân trọng.
Việc nâng tầm từ Ðội Thông tin Văn nghệ Khmer Cà Mau trở thành Ðoàn Nghệ thuật Khmer Cà Mau là một bước ngoặt đánh dấu sự trưởng thành, phát triển vững mạnh về mặt nghệ thuật, cũng như công tác tuyên truyền đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc Khmer.
Từng bước khẳng định mình, Ðoàn Nghệ thuật Khmer Cà Mau không ngừng phấn đấu, trau dồi chuyên môn mang đến những tiết mục, vở diễn ấn tượng trong lòng khán giả. Bên cạnh đó, đơn vị còn chú trọng tào đạo nguồn nhân lực trẻ đam mê, yêu nghề nhằm tiếp tục kế thừa, phát huy văn hoá cổ truyền. Thông qua nhiều cuộc thi, đơn vị đạt nhiều giải thưởng đáng trân trọng.
Tiết mục báo cáo trong trích đoạn dù kê “Nghĩa tình không phai tàn”của Ðoàn Nghệ thuật Khmer Cà Mau. |
Ðể phục vụ nhu cầu nghệ thuật cho đồng bào Khmer Cà Mau, đoàn không ngừng phấn đấu, học hỏi nhằm gìn giữ, bảo tồn văn hoá truyền thống, cũng như hoà nhập tốt với xu thế phát triển nghệ thuật hiện nay. Các diễn viên của đoàn luôn thể hiện lối diễn mới mẻ nhưng vẫn giữ được nét truyền thống văn hoá đậm chất dân gian của đồng bào Khmer Nam Bộ.
Anh Nguyễn Văn Tri, Phó trưởng Đoàn phụ trách Ðoàn Nghệ thuật Khmer Cà Mau, cho biết: “Với xu thế phát triển không ngừng của nhiều loại hình nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật Khmer, đòi hỏi chúng tôi phải hoà nhập, tiếp cận cái mới nhưng không để đánh mất truyền thống, nét cổ xưa vốn có của loại hình nghệ thuật này. Chính nhờ nét truyền thống trong từng vở diễn mà các chương trình của đoàn luôn tạo sức hút đối với khán giả, mang đến cho người xem món ăn tinh thần đậm đà bản sắc văn hoá, dân tộc”.
Ðầu tháng 9/2016, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp cùng Trường Trung cấp Văn hoá Nghệ thuật Trà Vinh tổ chức lớp bồi dưỡng múa dân gian truyền thống Khmer và lớp bồi dưỡng ca kịch sân khấu dù kê năm 2016. Lớp bồi dưỡng đã nâng cao năng lực chuyên môn cho các diễn viên trong Ðoàn Nghệ thuật Khmer, đồng thời tạo cơ hội giúp các đạo diễn, biên đạo múa tại các huyện hiểu nhiều hơn về điệu múa dân gian, ca kịch dù kê để phục vụ cho Nhân dân tại địa phương.
“Tuy lớp học ngắn nhưng tôi đã tiếp thu rất nhiều kiến thức về các điệu múa dân gian, ca kịch dù kê. Là người Kinh nhưng tôi thích được tiếp xúc loại hình nghệ thuật này với mong muốn được học hỏi và truyền tải đến các bạn cộng tác viên tại địa phương trong các chương trình của huyện. Hy vọng sắp tới sẽ có nhiều lớp bồi dưỡng để các diễn viên tại huyện Trần Văn Thời có cơ hội tham gia tìm hiểu về điệu múa, ca kịch Khmer và phục vụ tốt cho đồng bào Khmer tại địa phương”, chị Hà Thị Bích Liên, Biên đạo múa, diễn viên Ðội Thông tin lưu động Trung tâm Văn hoá - Thể thao huyện Trần Văn Thời, chia sẻ.
Hằng năm, Ðoàn Nghệ thuật Khmer đều tổ chức các buổi lưu diễn ở tận vùng sâu, vùng xa có đông đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh, nhất là vào các dịp lễ hội của đồng bào dân tộc như: Tết Chôl Chnam Thmây, Sene Dolta, Okombok… tổ chức các buổi biểu diễn, giao lưu với các tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang… Các diễn viên của đoàn còn tham gia biểu diễn phục vụ du khách nước ngoài khi đến tham quan, làm việc tại tỉnh Cà Mau.
Anh Tri cho biết thêm, đối với Cà Mau, ca kịch dù kê còn khá mới mẻ, nhưng bằng sự nỗ lực, cố gắng của các diễn viên, nhạc công, đạo diễn mà những vở diễn dù kê đã mang đến cho khán giả nhiều ấn tượng sâu sắc, đặc biệt là đã thổi vào được các vở diễn cái hồn văn hoá rất đậm chất truyền thống Khmer Nam Bộ./.
Bài và ảnh: Hằng My