Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Phú Tân, mưa dông, lốc xoáy làm sập, tốc mái 24 căn nhà (sập hoàn toàn 5 căn, tốc mái 19 căn); chìm 3 tàu cá, hư hỏng 2 cụm pa nô, tổng thiệt hại trên 1 tỷ đồng.
- Cảnh giác, chủ động phòng chống thiên tai
- Chủ động phòng, chống thiên tai theo phương châm “ 4 tại chỗ”
- Ngành điện hướng về bà con vùng thiên tai
- Nhiều khó khăn trong thu quỹ Phòng, chống thiên tai
Nhằm chủ động phòng tránh bão, ứng phó kịp thời và hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, huyện Phú Tân tích cực vận động Nhân dân nâng cao ý thức chủ động phòng tránh thiên tai mùa mưa bão, nhất là với những phương tiện đánh bắt trên biển, các cư dân nhà ở còn tạm bợ, sinh sống ven biển.
Huyện Phú Tân có hơn 37 km bờ biển và 6 cửa sông chính thông ra biển, gồm: Cái Ðôi Vàm, Công Nghiệp, Cái Cám, Mỹ Bình, Gò Công và Sào Lưới. Người dân nơi đây thường là dân di cư từ các nơi khác đến làm ăn, sinh sống, chủ yếu khai thác đánh bắt thuỷ sản.
Ngành chức năng huyện Phú Tân chú trọng tuyên truyền, vận động ngư dân phòng tránh lụt bão khi ra khơi. (Trong ảnh: Ngư dân cửa biển Cái Đôi Vàm sau chuyến ra khơi).
Toàn huyện hiện có 381 phương tiện khai thác biển đang hoạt động, trong đó 1/3 số phương tiện có khả năng khai thác xa bờ, 2/3 còn lại hoạt động ven bờ. Ông Nguyễn Thanh Liêm, Khóm 4, thị trấn Cái Ðôi Vàm, cho biết: “Ðối với tàu khai thác của mình, tôi luôn tu sửa, bảo dưỡng máy tàu, máy phát điện; kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc để kịp thời nắm bắt những thông tin thời tiết trên biển. Khi có dự báo áp thấp nhiệt đới hay bão là nhanh chóng trở về đất liền”.
Huyện hiện có trên 14 ngàn dân sinh sống, làm ăn gần biển và dọc theo các cửa sông, chịu ảnh hưởng trực tiếp khi có thiên tai. Ða số các cư dân cất nhà ở tạm bợ ven các cửa biển để thuận tiện cho việc ra vào làm ăn sinh sống. Mỗi khi có thông tin mưa bão, áp thấp nhiệt đới, bà con được chính quyền địa phương nhắc nhở chằng néo nhà cửa và di dân khi cần thiết để đề phòng thiệt hại về người, tài sản khi thời tiết bất lợi.
Ông Lê Văn Minh, Khóm 4, thị trấn Cái Ðôi Vàm, cho biết: “Nhà tôi ở ven cửa biển nên vào mùa mưa luôn chủ động chằng néo nhà cửa cho chắc chắn để hạn chế thiệt hại khi mưa dông, lốc xoáy xảy ra”.
Ông Trần Văn Biết, ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, thực hiện mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến trên phần đất hơn 3 ha. Ông Biết thông tin: “Ở gần cửa biển, sợ nhất là tình trạng nước dâng nên gia đình tôi chủ động đưa cơ giới vào gia cố bờ bao vuông tôm, để hạn chế thấp nhất thiệt hại khi triều cường dâng”.
Hiện nay, đang vào mùa mưa bão, dự báo tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin về tình hình mưa dông, lốc, sét, gió mạnh; chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh, nhất là các biện pháp an toàn cho sản xuất trên biển, chằng chống nhà cửa, gia cố bờ bao vuông tôm... nhằm góp phần giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra./.
Phan Anh