ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 1-7-25 12:04:22
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Thị trấn biển không còn nhộn nhịp

Báo Cà Mau Thị trấn Cái Ðôi Vàm (huyện Phú Tân) được xem là “thủ phủ” tỉnh Cà Mau về con cá khoai, và cá khoai Cái Ðôi Vàm đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu tập thể từ nhiều năm nay. Thế nhưng, hơn 2 năm trở lại đây, trên vùng biển Cà Mau, nguồn cá khoai cạn kiệt, những người làm nghề sản xuất sản phẩm từ con cá khoai bắt buộc phải nhập nguyên liệu từ các nước khác để “giữ nghề”, với niềm hy vọng những chuyến biển sau, thuyền sẽ đầy ắp cá khoai về bến...

Nỗi lo giữ thương hiệu

Hơn 2 năm nay, các cơ sở tại thị trấn Cái Ðôi Vàm phải nhập hàng từ các nước như Indonesia, Ấn Ðộ... để chế biến, có nguồn hàng cung ứng cho các đại lý trong nước.

Có thâm niên hơn 20 năm làm nghề kinh doanh các mặt hàng khô, chị Thái Thị Phần, Khóm 4, cho hay: "Khi cá khoai được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể, những người kinh doanh như chúng tôi vui lắm vì sản phẩm có thương hiệu, có nguồn gốc, người tiêu dùng rất an tâm sử dụng. Theo đó, đầu ra mặt hàng này tăng, nhất là vào các dịp Tết. Nhưng khoảng hơn 2 năm trở lại đây, nguồn cá tươi đứt đoạn. Ðể giữ mối, những doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi hùn với nhau tìm nguồn hàng từ nước ngoài”.

Những giàn cá khoai như thế này giờ rất hiếm thấy ở thị trấn Cái Ðôi Vàm. (Ảnh chụp năm 2022).

Các chủ kinh doanh ở đây cho biết, nguồn cá khoai mua từ các nước tuy giá cả không đắt nhưng không ngon bằng cá tại địa phương vì đã qua đá nhiều ngày, khi rã đông làm khô, vị cá không còn ngon.

Ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch UBND thị trấn Cái Ðôi Vàm, lo ngại: “Thời gian gần đây, nguồn cá khoai trên địa bàn thị trấn giảm nghiêm trọng, sản lượng năm sau giảm hơn năm trước. Việc nhập nguồn hàng từ các nước lân cận chỉ là giải pháp tạm thời. Ðiều đáng lo là nhãn hiệu tập thể có thể giữ vững được trong thời gian tới hay không?”.

Những mùa "biển mặn"

Theo nghề “cha truyền con nối”, anh Lữ Tấn Lợi, Khóm 3, có hơn 40 năm kinh nghiệm với nghề “bà cậu” nhưng chưa bao giờ gặp cảnh thất mùa liên tục như những năm gần đây.

Anh Lợi chia sẻ: “Làm nghề biển thì có con nước vầy, con nước khác cũng là chuyện bình thường, nhưng chưa bao giờ nguồn lợi thuỷ sản giảm như những năm qua. Hằng năm, mỗi mùa cá khoai ngư dân ở đây xem như “hốt bạc”, nhưng giờ thì không còn nữa. Cứ hy vọng con nước sau gỡ gạc, nhưng nhiều con nước trôi qua, những hộ đánh bắt như chúng tôi đều chung cảnh thua lỗ”.

Đa phần các hộ dân có chung niềm tin chuyến biển sau sẽ trúng hơn chuyến biển trước.

Trước đây, khi phương tiện khai thác vào, ngoài cân cho bạn hàng thì anh Lợi còn nguồn hàng để sang lại cho các vựa ở địa phương làm khô, nhưng giờ khan hiếm, thậm chí đôi khi không có nguồn cân cho bạn hàng. Mùa cá khoai tầm từ tháng 11 đến tháng 3 âm lịch, nhưng năm nay, đến giờ này gần hết mùa mà những người làm nghề khai thác cá khoai trên địa bàn thị trấn vẫn than “chưa thấy gì”. Hộ nào cũng cảm thán: "Giờ làm nghề biển này chỉ dừng lại ở mức sống được, chứ nói làm giàu từ biển thì chắc không thể rồi!".

Ngư dân cửa biển Cái Ðôi Vàm duy trì nghề làm khô cá đù, cá mai, cá rún...

Anh Lợi bộc bạch: “Nguồn lợi sụt giảm, giá nguyên vật liệu tăng cao, giá xăng dầu đội lên, có khi đánh bắt cả con nước vào không đủ bù lỗ. Nếu Nhà nước không can thiệp thì những người dân còn chịu khổ hơn nữa”.

Thị trấn Cái Ðôi Vàm có 232 phương tiện khai thác thuỷ sản và có gần 50 phương tiện khai thác ven bờ. Ðây là những phương tiện “3 không”: không đăng ký, không đăng kiểm, không được cấp giấy phép hoạt động, nhưng vẫn ra vào khai thác thuỷ sản.

Ông Kha bộc bạch: “Biên phòng quản lý nhưng không thể cấm các phương tiện này ra khơi khai thác, vì nếu không ra khơi thì họ sống bằng nghề gì? Ðây là cái khó hiện nay. Giờ khai thác thuỷ sản theo hình thức huỷ diệt, ở đâu cũng có. Vấn đề cấp bách hiện nay là cần khôi phục và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trước khi quá muộn. Với góc độ ở địa phương, tôi mong muốn tạo điều kiện tốt nhất cho ngư dân bám biển. Tuy nhiên, việc khai thác phải đi kèm với bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản”.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng Cái Ðôi Vàm tăng cường tuần tra, không cho các phương tiện thuỷ nội địa khai thác với hình thức huỷ diệt.

Ông Kha so sánh, như ở nước ngoài, người ta có mùa khai thác, mùa nghỉ để tạo điều kiện cho các giống thuỷ sản vào bờ sinh sản, còn ở Việt Nam thì chúng ta khai thác quanh năm, đây cũng là yếu tố dẫn đến làm giảm nguồn tài nguyên biển. Và câu chuyện bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, phát triển kinh tế biển tại địa phương vẫn còn loay hoay, chưa tìm được hướng đi thích hợp. Kế hoạch thì nhiều nhưng chỉ nằm trên giấy vì không có kinh phí triển khai, nên dù có muốn thì cũng “lực bất tòng tâm”.

“Những năm trước, ghe biển Kiên Giang vào cửa biển này nhiều lắm, nhưng giờ không còn phương tiện nào vì cửa biển đã cạn. Ðịa phương đã rất nhiều lần đề xuất nạo vét nhưng chưa được phê duyệt. Nếu cửa biển Cái Ðôi Vàm được nạo vét sẽ thu hút được lượng lớn ghe tàu có công suất vào neo đậu, thì thị trấn phát triển hơn về dịch vụ hậu cần nghề cá, giúp người dân phát triển kinh tế hơn, đồng thời cũng giúp các phương tiện khai thác gần bờ chuyển đổi sang nghề khác như vận chuyển hàng hoá chẳng hạn”, ông Kha cho biết.

Thị trấn biển giờ không còn nhộn nhịp, sầm uất như trước, những người làm nghề khai thác thuỷ sản buồn hiu khi hỏi về những chuyến biển gần đây. Dẫu đang đối diện "mùa biển mặn", nhưng trong ánh mắt ngư dân vẫn ánh lên niềm tin mãnh liệt vào những chuyến biển khả quan sắp tới...

 

Kim Cương

 

Ðổi mới để sản xuất hiệu quả

Ðầm Dơi là huyện có diện tích nuôi trồng thuỷ sản lớn nhất tỉnh, với hơn 62.000 ha, tuy nhiên, nhiều yếu tố tác động đã ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Vì vậy, thời gian qua, nông dân trên địa bàn huyện tích cực đổi mới để sản xuất đạt hiệu quả. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, đã và đang được huyện nhân rộng, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo tại địa phương.

Ðồng hành cùng nông thôn

Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã và đang tạo nên những đổi thay mạnh mẽ, tích cực ở nhiều địa phương. Để đạt được những thành tựu đó, bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, có vai trò quan trọng của báo chí trong tuyên truyền, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng NTM đi đúng hướng và đạt hiệu quả tích cực.

Lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học để giảm thiểu áp lực

Thảo luận về việc lồng ghép giảm thiểu tác động đối với đa dạng sinh học trong thực hiện các giải pháp quản lý và các tiêu chuẩn quốc tế đã áp dụng trong mô hình; đề xuất, khuyến nghị các giải pháp quản lý có liên quan, các tiêu chuẩn quốc tế phù hợp với mô hình tôm - rừng Việt Nam” là những nội dung quan trọng trong khuôn khổ Hội thảo “Khuyến nghị giải pháp thúc đẩy chuỗi tôm - rừng bền vững tại Cà Mau theo hướng chứng nhận quốc tế và bảo tồn đa dạng sinh học”, diễn ra vào ngày 19/6. Hội thảo do Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Cà Mau phối hợp với Cục Thuỷ sản và Kiểm ngư tổ chức. 

Niềm tin về nông nghiệp sạch

Tham quan mô hình trồng rau an toàn của nhiều hộ dân ở xã Trí Lực, huyện Thới Bình, những luống rau xanh mướt đang phát triển, ít ai biết rằng, để có được sự thay đổi tích cực ấy là cả hành trình đổi mới cách nghĩ, cách làm của nông dân, chuyển từ tập quán canh tác truyền thống sang mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Màu xuống ruộng, dân đổi đời

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Chi bộ Ấp 5, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời triển khai mô hình “Dân vận khéo” đưa hoa màu xuống ruộng sau vụ lúa. Từ những bờ ruộng bỏ trống ngày nào, giờ đây đã phủ màu xanh của vùng sản xuất trù phú, góp phần nâng cao đời sống người dân, tạo diện mạo mới cho nông thôn.

Tín hiệu tích cực từ dự án khôi phục nguồn lợi cá đồng

Xác định ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất là “chìa khoá” để thực hiện thành công các mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn, những năm gần đây, tỉnh Cà Mau tích cực triển khai nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp phù hợp điều kiện tự nhiên địa phương. Một trong những điểm sáng là Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá đồng tại tỉnh Cà Mau”.

Hỗ trợ chị em làm kinh tế

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Ðầm Dơi luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, triển khai hiệu quả các phong trào thi đua và công tác hội, giúp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế thông qua nhiều mô hình sản xuất.

Đề xuất các giải pháp phòng chống dịch bệnh trên tôm, cua

Sáng 10/6, Cục Thuỷ sản và Kiểm ngư phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội thảo chuyên đề “Giải pháp phòng, trị bệnh trên tôm nước lợ và cua biển tại đồng bằng sông Cửu Long”.

Mạnh dạn chuyển đổi mô hình

Áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào nuôi tôm, thời gian qua, một số hộ dân ở huyện Trần Văn Thời thành công với mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn, bước đầu mang lại hiệu quả, cho năng suất cao.

Giữ nghề làm nước mắm

Nước mắm là loại gia vị được xem như “quốc hồn quốc tuý” của ẩm thực Việt Nam. Bằng tâm huyết, những người làm nước mắm truyền thống trong tỉnh vẫn luôn âm thầm, bền bỉ gìn giữ nghề của cha ông để lại.