ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 22-9-24 13:21:59
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Độc đáo nhà sàn

Báo Cà Mau (CMO) Ở nhà sàn là tập quán cư trú lâu đời của cư dân Châu Á, là nét đặc sắc trong văn hoá kiến trúc của vùng này. Thái Lan, Campuchia, Lào và cả Việt Nam đâu đâu cũng có những căn nhà sàn mang dáng dấp, hồn phách dân tộc.

Việt Nam chúng ta, đặc biệt là vùng rừng núi, hầu hết các dân tộc anh em đều xuất phát điểm văn hoá ở những ngôi nhà sàn. Ngày nay, nhà sàn bằng gỗ quý vẫn còn nhiều, ở Tây, Đông Bắc phía Bắc, ở Tây Nguyên miền Trung.

Còn ở ĐBSCL chúng ta, từ xưa vùng giáp với Campuchia và sau thì lan toả ra cả vùng An Giang, Châu Đốc vẫn còn rất nhiều ngôi nhà sàn. Mục đích chủ yếu của việc ở nhà sàn của cư dân vùng này là để tránh lũ.

Thế nhưng, có một vùng đất không ai ngờ tới, từ rất xa xưa đã có tập quán cư trú nhà sàn, đó là Mũi Cà Mau.

Nhà sàn của người dân Đất Mũi, Cà Mau. Ảnh: HUỲNH LÂM

Vào khoảng gần 40 năm trước, hồi tôi còn trẻ, khoảng hơn 20 tuổi, làm phóng viên cho báo Minh Hải (tiền thân của báo Bạc Liêu, Cà Mau ngày nay) hay rong ruổi khắp vùng sông nước, rừng, biển Cà Mau. Đặt chân trên lục địa Cà Mau ta bắt gặp hai dấu ấn của tự nhiên, đó là chằng chịt sông ngòi và mênh mang rừng tràm, rừng đước. Hai dấu ấn đó làm nên bản sắc đậm đà của Cà Mau.

Tổng chiều dài kênh rạch, sông ngòi tự nhiên của Cà Mau lên đến 7.000 km, có rất nhiều con sông nổi tiếng như sông Ông Đốc, sông Cửa Lớn… Có những con sông hùng vĩ rộng đến 600 m, sâu đến 19 m như sông Cửa Lớn.

Cà Mau có 36.000 ha rừng tràm và gần 100.000 ha rừng đước. Rừng với sông hoà quyện như một thực thể của tự nhiên. Đi trên bất kỳ con sông nào ta cũng thấy mình đi giữa rừng tràm, rừng đước...

Khác hơn những con sông, rạch do xáng đào, các dòng sông tự nhiên của Cà Mau không có bờ, bãi gì cả. Giới hạn của sông và rừng là những rặng cây. Khi thuỷ triều xuống, ta thấy bãi sình của chân rừng, còn khi nước rong dâng cao thì chỉ có nước và rừng, hoàn toàn không có bờ sông.

Hồi đó tôi cứ tự hỏi, không biết người khẩn hoang xưa đã cất nhà định cư như thế nào trong lúc chân ướt chân ráo đến đây khai làng lập ấp? Trong khi đó, đa số họ là những người cơ nhỡ đến từ Tiền Giang, Mỹ Tho, Bến Tre…, những nơi có tập quán cư trú nhà đất.

Một lần tôi tháp tùng đoàn nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh về thăm “Ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm” - chóp Mũi Cà Mau của Nhà văn Nguyễn Tuân. Đó là vào những năm thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Xóm Mũi nằm chụm đầu ven con kênh Rạch Tàu. Ai cũng mãi ngắm cái rẻo đất chót cùng một cách thiết tha cảm động mà quên đi một kiểu cư trú rất lạ so với miền Đông và Tây Nam Bộ của cư dân Xóm Mũi. Họ cất nhà theo dọc triền sông, như tập quán cư trú của ĐBSCL được hình thành từ thời chưa có lộ xe, giao thông thuỷ là chủ yếu. Nhưng nhìn kỹ sông không có bờ, người ta phải cất nhà sàn để ở. Nước ròng xuống, nhìn thật thú vị, những hàng cột giăng giăng nửa trên nửa dưới để chống đỡ những ngôi nhà. Có những ngôi nhà tạm bợ, lợp lá dừa nước, nhưng cũng có rất nhiều ngôi nhà khang trang, lợp tôn xi-măng, cửa ván rất đẹp mắt.

Từ đó, trong đầu tôi ghi dấu ấn về kiểu cư trú lạ của xứ này. Những năm sau đó, đi viết báo ở các huyện Năm Căn, Đầm Dơi, Phú Tân… thuộc vùng rừng ngập mặn (rừng đước) hay vùng rừng nước lợ cầm thuỷ của U Minh, Thới Bình… ở Cà Mau, tôi đều bắt gặp những làng xóm toàn nhà sàn. Ngay cả khu căn cứ của Khu uỷ Tây Nam Bộ ở giữa rừng U Minh, rừng đước thời đánh Pháp, chống Mỹ ta cũng cất nhà sàn mà ở.

 

Một góc xóm nhà sàn ven sông ở Cà Mau. Ảnh: MINH TẤN

Xét về mặt tự nhiên, Cà Mau là vùng đất non trẻ nhất nước, hình thành từ sự bồi tụ của biển Đông, biển Tây. Và lịch sử khẩn hoang cũng cho ta biết rằng, đây là vùng đất được khai mở sau cùng. Khác hơn các vùng khác của miệt Hậu Giang, di dân khẩn hoang đến dọn rừng làm nông nghiệp thì ở vùng Cà Mau, càng tiến sâu về mũi đất, người ta càng sống theo cách dựa vào tự nhiên, khai thác sản vật của tự nhiên mà phát triển. Bởi Cà Mau nức tiếng là vùng rừng vàng biển bạc, chưa kể sông ngòi cá tôm không đâu sánh bằng. Khai thác tự nhiên thì buộc phải cư trú ngay trên ngư trường hay nơi làm ăn sinh sống của họ. Tôi đã men theo những dòng sông nổi tiếng của Cà Mau như Tam Giang, Bảy Háp… và các chi lưu của nó thì thấy xóm làng hình thành ở những nơi trên là rừng dưới là sông, với các tên gọi mộc mạc mà đậm chất nghề nghiệp như: Xóm Chài, Xóm Đáy, Xóm Câu, Xóm Củi…, ở đó người ta khai thác tôm, cá trên sông rạch hay vào rừng đốn củi hầm than.

Có lần tôi vào vùng Nhưn Miên, Biện Nhạn, một chi lưu của sông Tam Giang. Xuồng máy chạy cả tiếng đồng hồ giữa khu rừng đước nguyên sinh, cây to cả ôm người và rồi mở ra trước mắt tôi một cái làng giữa rừng, giống như chuyện thần thoại. Người ở đây đặt cho làng mình một cái tên mộc mạc là Xóm Rừng. Xóm Rừng dài chừng 300-400 m cũng định vị một cách quen thuộc như nhiều khu dân cư ở vùng rừng đước, mặt chồm ra sông, sau hậu là rừng đại ngàn. Xóm chắc hình thành lâu rồi nên thành thuộc lắm. Cũng là kiểu nhà sàn cặm trên mép sông, 100% vật liệu xây dựng ở đây toàn bằng gỗ đước. Vì gỗ đước nằm cạnh bên nhà nên dân tình cứ đốn gỗ mà xài. Nhà xoay mặt ra sông, trước mặt nhà nào cũng có cây cầu gỗ bắc dài ra sông, để tiện lên xuống. Mà họ làm rất kiểu cọ, có lan can để chiều chiều ngồi chơi trông rất đẹp. Từ chiếc cầu dưới bến sông lên, có một khoảng sân rộng trước nhà. Và rất lạ, đó không phải là cái sân xi-măng hay nền đất mà được làm bằng sàn gỗ. Chưa hết, nhà này nối với nhà khác là một cây cầu gỗ rất rộng. Có thể nói, đó là con đường làng nối nhà nọ sang nhà kia, dài đến mấy trăm mét, từ đầu làng đến cuối xóm. Người ta phải làm như thế mới đi tới lui được vì dưới sàn gỗ là bãi sình, không có bờ sông, thuỷ triều lên là nước ngập mênh mông. Nhà cất kiểu dáng rất phong phú. Có nhà thì 1 ngôi chính 3 gian, liền kề là 1 cái chái nằm dọc, gọi là nhà chữ Đinh; có nhà thì 3 gian 2 mái; có nhà cất bát dần 4 mái như nhà sàn phía Bắc.

Nhà được dựng trên một sàn gỗ, mặt sàn là những tấm ván dày có đường kính đến 30-40 cm. Chứng tỏ người ta xẻ ra từ những cây đước cổ thụ vài trăm năm tuổi. Trong nhà, sàn, vách, buồng, cửa, cột, kèo… tất tần tật đều làm từ gỗ đước, ngoại trừ vật liệu lợp nhà. Dù nhà có giường vạc, chiếu ngựa dày cả tấc được làm từ những cây gỗ to, nhưng ở đó mấy ngày tôi vẫn thích nằm trên cái sàn nhà bóng nhẵn và rất mát vì hơi nước từ dưới sàn nhà bốc lên. Sau căn nhà lớn thường có 1 cái nhà sàn nhỏ để làm khu bếp nấu ăn; và sau nữa là một khoảng sân rộng được làm bằng gỗ, tiếp giáp với rừng đước. Sân sau của các ngôi nhà phải đủ rộng để bố trí công năng của đời sống giữa rừng, xa chợ. Cái sân ấy xứ này gọi là sàn lãng. Ở đó có làm một khu vệ sinh bằng gỗ để tiểu tiện, tắm táp. Có chỗ để rửa chén, giặt quần áo, chỗ để lu khạp chứa nước ngọt uống suốt mùa hạn, vì đây là vùng mặn quanh năm. Nhà nào cũng cơi nới 2 cái giàn cao, 1 cái để úp chén khi rửa xong, 1 cái để làm khu trồng rau xanh thu nhỏ. Trên đó bố trí chủ yếu là các loại cây gia vị như: ớt, ngò, hành, rau thơm, rau cần… Có nhà còn trồng bầu bí, cải ngọt, cải xanh để phục vụ bữa cơm hàng ngày.

Đa số nhà sàn ngày xưa có mặt sàn bằng gỗ địa phương tạo cảm giác rất mát mẻ, thoải mái. Ảnh: HUỲNH LÂM

Ở đó mấy ngày, tôi cảm nhận như mình đang sống ở một chốn lạ của cuộc đời - thấy thoát tục nhiều hơn trần tục. Không gian là một xóm nhỏ giữa rừng, có con sông nhỏ uốn lượn chảy ngang. Sáng và chiều đều mát rượi vì ở giữa tán rừng không có ánh sáng trực tiếp. Dân ở đây thanh niên trai tráng thì xuống ghe biển hay xuồng câu đi đánh bắt, còn trẻ con, phụ nữ thì vào rừng bắt cua, ba khía, ốc len, vọp… Chiều họ về, bến sông sôi động phả vào rừng đại ngàn tĩnh lặng cái sinh khí của đời sống con người. Ở đó có cảnh buôn bán diễn ra mà chủ thể là sản vật của rừng, của sông, của biển, nhiều đến không thể tưởng tượng nổi. Và sau đó là bữa cơm đãi khách dọn ra trên sàn đầy ắp thức ăn: ốc len xào dừa, cua luộc, cá ngát nấu canh chua… Chủ nhà thì rất vui, vì ở xứ rừng lâu lắm mới có khách viếng thăm. Thế là chén thù chén tạt, cạnh đó là một bếp un muỗi không thể thiếu được của xứ rừng muỗi như vãi trấu.

Cà Mau không chỉ ở rừng ngập mặn mới có nhà sàn, mà nhà sàn còn hiện diện ở một cánh rừng khác cũng nổi tiếng không kém rừng đước, đó là rừng tràm U Minh Hạ. Vùng đất này với hệ sinh thái rất khác biệt mà người xưa gọi là đất cầm thuỷ, vùng đất của phèn chua, mưa già một chút là nước nổi mênh mông. Từ bao đời cây tràm đã mọc lên rồi sinh sôi thành một cánh rừng rộng lớn. Trước giải phóng năm 1975, diện tích rừng tràm gấp đôi hiện tại, ngày nay nó chỉ còn khoảng 36.000 ha. Rừng tràm đã làm nên một đặc trưng riêng cho đất Cà Mau. Ngày xưa có bài ca nổi tiếng: “U Minh bốn bề là tràm, chẳng biết tháng nào nở hoa, mà hương thơm dường như bốn mùa…”

Trước khi người Pháp nhận ra tiềm năng kinh tế của rừng tràm U Minh Hạ, rồi họ cho xáng đào nhiều con kênh, cách nhau 1.000 m, gọi là Cơi 1, Cơi 2…, thì người Việt từ Tiền Giang xuống, từ Hà Tiên qua… đã vào rừng U Minh để khai thác sáp ong, củi tràm… Và những ngôi nhà trú ngụ đầu tiên của lớp dân khẩn hoang vùng đất mới này cũng là những ngôi nhà sàn cất dưới những tán tràm và trên mặt nước, trong một vùng mênh mông tràm, mênh mông đồng nước, không có bờ bãi. Dân khẩn hoang kéo về càng nhiều ở thành xóm, thành làng thì những ngôi nhà ấy hợp lại thành làng rừng nổi tiếng từ xưa.

Hồi những năm 80-90 của thế kỷ trước, tôi nhiều lần đi trên những dòng sông nổi tiếng, chảy từ giữa ruột rừng U Minh như sông Cái Tàu, Trèm Trẹm… và vào tận các chi lưu của nó vẫn còn thấy nhiều ngôi nhà sàn, những xóm nhà sàn với kiến trúc giống như những xóm nhà sàn ở rừng ngập mặn. Từ những ngôi nhà này, dân tủa ra rừng để đặt lươn, bắt rùa, cắm câu, giăng lưới cá đồng trên một vùng rừng nổi tiếng cá đồng và nhiều thuỷ đặc sản khác. Số khác thì đốn cây tràm hay làm nghề lấy ong mật mà sinh sống.

Viết đến đây tôi suy nghĩ rất nhiều về công đức của bao lớp tiền nhân về đây khẩn hoang lập nghiệp. Đây là vùng đất “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua” và đầy sương lam chướng khí, rồi muỗi mòng đỉa vắt vô số kể. Trong buổi bình minh khẩn hoang ấy, ông bà ta giỏi chịu đựng và đầy mưu kế sáng tạo. Cái ta dễ thấy nhất là họ đã nương dựa vào thiên nhiên để sinh sống, phát triển. Căn nhà sàn nơi đất mới là một thí dụ. Ông bà ta đã dựa vào vật liệu xây dựng có sẵn của địa phương rồi phát huy kinh nghiệm kiến trúc xây dựng của một dân tộc từng ở nhà sàn để tạo ra mái ấm mới mà cư trú trên đất mới.

Người xưa nói “an cư mới lạc nghiệp”. Từ ngôi nhà sàn này, bao lớp ông bà xưa đã làm chủ đất đai, tổ chức sản xuất nhiều ngành nghề để tạo ra những sản phẩm nức tiếng Nam Kỳ cho đất Cà Mau, đó là tôm, cá khô Cà Mau, ba khía Rạch Gốc, bong bóng cá đường, than đước Năm Căn, cá đồng, mật ong U Minh…

Giờ đây, thời đại mới đã làm đường xây lộ trên những vùng rừng hoang vắng xưa, xu hướng ở nhà đất, xây tường là xu hướng thời đại. Hơn nữa, sau nhiều năm nuôi tôm, rừng đã thu hẹp dần, Nhà nước cấm khai thác gỗ rừng, thế nên ngôi nhà sàn không còn lý do để tồn tại. Nhưng trong tâm khảm của người Cà Mau vẫn còn hằn sâu nỗi hoài nhớ về ngôi nhà sàn giữa rừng ngày cũ. Đó là mái ấm của đời chân ướt chân ráo đến đây dựng nghiệp và từ căn nhà này họ bước chân lên rừng, xuống sông, ra biển để lập làng, lập chợ, làm cho đất Cà Mau ngày thêm trù phú. Và họ cũng đã làm cho đất nước ta rộng dài như hôm nay. Thế nên, người Cà Mau mãi tự hào về ngôi nhà sàn của mình./.

 

Phan Trung Nghĩa

 

Tái diễn lấn chiếm lòng đường trước cổng bệnh viện

Theo ghi nhận và xác minh thực tế của phóng viên Báo Cà Mau, khu vực trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau gần đây thường xuyên xuất hiện tình trạng mua bán thức ăn lấn chiếm lòng đường.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Xây dựng khu dân cư tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc

Xây dựng khu dân cư (KDC) tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc, là mô hình đột phá mà Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau hướng đến trong nhiệm kỳ 2024-2029, với mục tiêu hướng mạnh hoạt động về cơ sở, địa bàn KDC. Ðể mô hình này thực hiện có hiệu quả, đòi hỏi sự đồng thuận, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.

Chuyến xe yêu thương

Với mong muốn san sẻ khó khăn, tương trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc đang phải chịu thiệt hại, mất mát nặng nề do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, Huyện đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Trần Văn Thời phối hợp với Bưu điện huyện phát động thực hiện chương trình “Chuyến xe yêu thương” từ ngày 12-17/9. Chương trình đã nhận được sự đồng hành của nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân, lan toả mạnh mẽ tình yêu thương, sẻ chia và giúp đỡ trong nghĩa đồng bào.

Những ngôi nhà ấm áp nghĩa tình

Thời gian qua, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, địa phương trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đã vận động, huy động mọi nguồn lực để xây dựng, sửa nhà ở cho hộ nghèo. Nhờ sự chung tay, đồng tình hưởng ứng, ủng hộ với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, hàng trăm ngôi nhà Ðại đoàn kết ấm áp nghĩa tình đã được xây dựng, giúp hộ nghèo có chỗ ở ổn định, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Người dân Năm Căn hướng về đồng bào miền Bắc

Cơn bão số 3 (còn gọi là bão Yagi) đã qua đi, nhưng sự khốc liệt của nó đã gây thiệt hại rất nặng nề cho đồng bào ở một số tỉnh miền Bắc. Bằng tấm lòng ruột thịt Bắc - Nam một nhà, người dân tỉnh Cà Mau nói chung, huyện Năm Căn nói riêng đã có những việc làm thiết thực, nhằm sẻ chia, động viên bà con sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Trao học bổng "Quỹ xe đạp chở ước mơ"

Chiều 18/9, kỷ niệm 28 năm thành lập và Tháng hành động vì trẻ em, Công ty Bảo Việt nhân thọ Cà Mau tổ chức trao học bổng xe đạp cho các em học sinh nghèo hiếu học. Đây là hoạt động trong chương trình “Trao hơn cả cam kết” thể hiện sự quan tâm, chia sẻ khó khăn với các em học sinh nghèo hiếu học. 

Chống ngập cho TP Cà Mau cần giải pháp căn cơ

Hệ thống mương thoát nước thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo năng lực, cùng với cao trình nhiều tuyến đường thấp hơn so với mực nước triều cường... được xác định là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập cục bộ tại nhiều khu vực trên địa bàn TP Cà Mau khi có mưa lớn.

Nhà văn hoá ấp xanh, sạch, đẹp

Mô hình trang trí Nhà văn hoá - Khu thể thao ấp, khóm xanh, sạch, đẹp và có nội dung hoạt động phong phú, được huyện Thới Bình linh hoạt tổ chức thành cuộc thi. Từ đó, góp phần thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh trên địa bàn huyện.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).