90 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành với 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với bề dày thành tích và truyền thống, đội ngũ những người làm báo ở Cà Mau tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng, thực hiện tốt vai trò những chiến sĩ trên mặt trận văn hoá tư tưởng, góp phần xây dựng quê hương.
90 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành với 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với bề dày thành tích và truyền thống, đội ngũ những người làm báo ở Cà Mau tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng, thực hiện tốt vai trò những chiến sĩ trên mặt trận văn hoá tư tưởng, góp phần xây dựng quê hương.
* Ông Lê Công Nghiệp, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau, hội viên Chi hội Nhà báo Báo Cà Mau: Người làm báo ở Cà Mau đã không còn ở “cuối cùng” như vị trí của vùng chót mũi
Ðể nói về báo chí Cà Mau, trước hết tôi xin bày tỏ sự vui mừng vì sau những lần đại hội, những lần tổng kết, anh em làm nghề đều đạt nhiều hơn những kết quả đáng trân trọng; góp phần quan trọng trên mặt trận văn hoá tư tưởng trong công cuộc xây dựng quê hương, xây dựng con người Cà Mau đậm đà bản sắc văn hoá vùng cực Nam Tổ quốc.
Hội Nhà báo quản lý đội ngũ những người làm báo chính quy, nhiệt huyết, trình độ. Chính lực lượng này đã phát hiện, truyền tải, phản ánh sâu sắc, đa chiều, chính xác nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, từ đó góp phần đáng kể vào nhiệm vụ chính trị - hướng đến hành động và suy nghĩ đúng của Nhân dân.
Làm báo là làm chính trị, do vậy mỗi người làm báo ở Cà Mau sớm xác định cho mình vị trí và vai trò nhất định trong mỗi loại đề tài, tác phẩm… Nghĩa là, làm báo theo tôi phải đảm bảo “4 đối”, đó là: đối với Ðảng, đối với Nhà nước, đối với Nhân dân và đối với đồng nghiệp. Làm tốt 4 nhiệm vụ này, vị thế người làm báo sẽ được nâng tầm, độc giả, quần chúng Nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Kết quả truyền tải thông tin hiệu quả hơn.
Trong xu thế phát triển của xã hội, việc một lượng không nhỏ giới trẻ đã và đang có chiều hướng buông thả, sống sa đà, thiếu trách nhiệm với gia đình, xã hội; bỏ quên trách nhiệm hiếu đạo… gây ra nhiều sự việc đáng buồn. Ở mỗi lúc như thế, lực lượng người làm báo cũng phải nhận ra trách nhiệm của mình, phải sửa đổi cách tuyên truyền phù hợp từng lứa tuổi, tâm lý. Chúng ta không nên dừng lại ở góc nhìn phản ánh những sự việc đã rồi.
Trong xây dựng nông thôn mới, truyền thông là mấu chốt rất quan trọng. Do đó, chúng ta phải làm như thế nào để người dân hiểu rõ, hiểu đúng tầm quan trọng của nông thôn mới. Có như thế, Nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng nông thôn mới.
Thời gian tới, tôi tin tưởng đội ngũ người làm báo, các cơ quan quản lý báo chí sẽ vạch ra những hướng đi phù hợp, mang đầy đủ tính tích cực, đúng hướng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Ðảng bộ tỉnh.
* Nhà báo Huỳnh Hoàng Thành, phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Cà Mau: Cháy hết mình với báo phát thanh
4 năm trải nghiệm, tôi đã quen dần với nghề báo và ngày càng yêu nghề hơn. Bởi, nghề báo làm cho tôi chín chắn hơn với những chuyến đi xa. Và cũng chính nghề báo giúp tôi thực hiện được ước muốn của mình là “giúp đỡ nhiều người có cuộc sống tốt hơn!”.
Làm báo phát thanh tôi thấy mình lớn hơn rất nhiều, đặc biệt là biết thêm nhiều kiến thức xã hội. Tôi luôn cố gắng khai thác những đề tài phản ánh mặt trái của xã hội, mặc dù biết đó là những đề tài khó khai thác nhưng tôi nghĩ mình cố gắng thì sẽ có kết quả.
Tôi tham gia một số giải báo chí trong tỉnh, khu vực và cùng các đồng nghiệp thực hiện các đề tài tham gia các giải báo chí quốc gia hay phát thanh toàn quốc với mục đích là đưa tác phẩm của mình đi xa hơn, tạo tiếng vang lớn để có thể giúp được cho nhân vật mình viết, để vấn đề mình phản ánh đến được với ngành chức năng. Những bằng khen và giải thưởng chính là động lực giúp tôi vượt qua khó khăn, tiếp tục phấn đấu với nghề.
Cảm ơn nghề báo, vì nghề là người thầy rèn luyện cho tôi có trách nhiệm trong cuộc sống và nghề đã khiến tôi phải dừng lại dõi mắt nhìn theo những đứa bé nghèo mưu sinh trên đống rác. Nghề báo đã khiến tôi rơm rớm nước mắt khi thấy cụ già cầm xấp vé số trên tay đi như chạy cho kịp giờ mở thưởng. Nghề cho tôi biết mình sống trên đời này có ý nghĩa, có phương châm.
Khi đã sống hết mình bằng cái tâm của nghề thì hạnh phúc nhân lên rất nhiều khi những cảnh đời bất hạnh được giúp đỡ, những gương sáng điển hình được nêu lên, những hạn chế, bất cập được phơi bày. Những mệt mỏi sau những chuyến đi hàng trăm cây số để thu một vài phát biểu, hay những mệt mỏi sau một đêm thức trắng để viết bài sẽ tan biến ngay khi bài viết được phát sóng, khi tác phẩm của mình được công chúng đón nhận.
Làm phát thanh thời hiện đại phải đối mặt với vô vàn khó khăn khi ngày càng có nhiều loại hình báo chí khác cạnh tranh. Nhưng tôi xác định, phải phát huy thế mạnh phát thanh, tính nhanh chóng của thông tin, đồng thời sử dụng đa dạng tiếng động, âm thanh hiện trường để tác phẩm của mình gần gũi hơn với công chúng.
* Nhà báo Nguyễn Quốc Hiệp, Trưởng Đài Truyền thanh huyện Phú Tân: Hội cần mở rộng việc phát triển hội viên
Với vai trò định hướng, báo chí đã truyền tải chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến Nhân dân một cách nhanh chóng, góp phần tạo nên nhiều phong trào thi đua yêu nước một cách sôi nổi và thiết thực. Ðối với địa phương, báo chí còn là công cụ để phổ biến những mô hình hay, cách làm có hiệu quả, những điển hình tiên tiến để mọi người lấy đó làm gương mà học hỏi, làm theo, bởi nó gần gũi, thiết thực và gắn liền với cuộc sống của họ.
Bản thân những người làm báo hiện nay cũng từng bước bắt nhịp với xu thế và đáp ứng được nhu cầu thông tin trong công chúng. Ðó là xác định họ cần gì để cung cấp thông qua các chuyên đề, chuyên mục dành cho từng giới, từng lứa tuổi, từ đó kích thích lòng đam mê, khả năng sáng tạo để họ phát huy, nâng cao hiệu quả học tập, công tác và lao động sản xuất, góp phần xây dựng quê hương.
Hội Nhà báo là tổ chức xã hội nghề nghiệp của những người làm báo, thế nhưng hiện nay, hội viên vẫn còn rất ít so với lượng người làm báo. Nhiều người làm báo cấp huyện (tổ cộng tác viên, cán bộ, phóng viên đài truyền thanh) dù hoạt động báo chí lâu năm vẫn chưa có điều kiện kết nạp hội viên. Ðây là một hạn chế mà hy vọng hội nhà báo các cấp cần có biện pháp tháo gỡ.
Những người hoạt động báo chí, nhất là ở cấp huyện chưa có dịp để tham gia học hỏi, trao đổi kinh nghiệm nghiệp vụ bằng những chuyến đi thực tế (ngoài tỉnh), nhất là về mô hình hoạt động của những người làm báo cùng cấp để có những biện pháp điều chỉnh cho phù hợp. Thực tế hiện nay, do phân cấp quản lý, các đài truyền thanh cấp huyện do UBND cùng cấp quản lý nên khả năng giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau chưa cao.
Nhiều phóng viên, biên tập hoạt động trong ngành nhiều năm vẫn chưa được kết nạp hội viên. Ðó là một thiệt thòi lớn, Hội Nhà báo cần mở rộng việc phát triển hội viên. Từ đó, hướng đến thành lập mới các chi hội ở cấp huyện hoặc liên huyện để hội viên có điều kiện trao đổi, nâng cao nghiệp vụ.
Hội cũng nên có chính sách ưu tiên, khen thưởng để khích lệ, động viên những hội viên có tác phẩm xuất sắc qua các cuộc thi; tạo điều kiện cho hội viên trao đổi nghiệp vụ nhiều hơn và quan tâm nhiều hơn những hội viên làm báo ở cấp huyện./.
Phong Phú lược ghi