(CMO) Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã đạt được những kết quả tích cực. Bộ mặt nông thôn khởi sắc và đổi mới toàn diện, hệ thống hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, môi trường trong lành, cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao được nâng cao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về đời sống tinh thần của nhân dân.
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 79% hộ gia đình đạt chuẩn văn hoá, trên 59% ấp, khóm đạt chuẩn văn hoá. Và đời sống văn hoá chính là nền tảng xây dựng 30/82 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 phường đạt chuẩn văn minh đô thị. Quá trình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, xuất sắc. Nhiều hộ gia đình nghiêm túc chấp hành các quy định về nếp sống văn minh, đồng thời phát huy đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, được tuyên dương là những gia đình văn hoá tiêu biểu, khu văn hoá tiêu biểu, phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách”…
Khang trang diện mạo ấp Hưng Hiệp, xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân. Ảnh: T.Q |
Tuy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã phát triển rộng khắp nhưng thật sự chưa đi vào chiều sâu, chưa bền vững, định hướng cho công tác giữ vững, nâng chất còn chưa tốt, thường xuyên dẫn đến tình trạng xuống cấp. Bên cạnh đó, một số tiêu chí do cộng đồng dân cư là chủ thể và phải thật sự nỗ lực thực hiện mới đạt được, do đó cần phải có giải pháp tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu, đồng tình và tự nguyện. Thế nhưng, hầu hết cán bộ cơ sở năng lực chưa đều, nên chất lượng các danh hiệu một số địa phương chưa ngang bằng, một số nơi chạy theo thành tích.
Mặt khác, quy hoạch xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao ở cơ sở được quan tâm nhưng không ít địa phương còn lúng túng, vướng mắc về cơ chế chính sách, kinh phí, xây dựng bộ máy điều hành… nên nhiều trung tâm văn hoá - thể thao xã hiện nay chưa được đầu tư, hoặc được đầu tư nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, hoạt động và sáng tạo văn hoá của nhân dân. Nhìn chung, hạ tầng nông thôn được đầu tư chưa đạt chuẩn theo quy định, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm từng lúc, từng nơi chưa được quan tâm đúng mức…
Vì vậy, nâng cao hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” cũng là phát huy tích cực vai trò của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, các địa phương cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội cùng tham gia đẩy mạnh phong trào. Trong đó, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, vai trò gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hoá và vận động gia đình, nhân dân nơi cư trú cùng thực hiện.
Thực hiện lồng ghép các nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Về danh hiệu “xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới” nên ghép chung với danh hiệu “xã đạt chuẩn nông thôn mới” để tránh chồng chéo. Trong thực tế, các ngành, các cấp đã phấn đấu thực hiện 2 tiêu chí, đó là “cơ sở vật chất văn hoá” và tiêu chí về “văn hoá”, nội dung này đều nằm trong quy định của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Về thẩm quyền công nhận danh hiệu, nên ghép thành 1 danh hiệu do Chủ tịch UBND tỉnh công nhận.
Ngoài ra, tỉnh cần thường xuyên tổ chức các cuộc toạ đàm, giao lưu văn hoá ở các địa phương để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, đồng thời tuyên dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, là hạt nhân của phong trào, chú trọng nhân rộng điển hình ở các cấp./.
Dương Lễ