(CMO) “Mỗi lần thấy có người xuống hỏi thăm cái giếng khoan đã vận hành chưa là cả xóm nhao nhao. Bởi vì cứ hết tháng này qua năm nọ, người dân ở đây mỏi mòn chờ mà nước sạch từ những giếng khoan ấy vẫn chưa thấy”, bà Nguyễn Thị Đẹt, ấp Bờ Đập, xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi, bức xúc.
Đó cũng là nỗi băn khoăn của nhiều hộ dân của xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi về dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước”, do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện năm 2016. Đến nay đã 4 năm nhưng những giếng khoan này vẫn chưa thể hoạt động, trong khi người dân đang mong ngóng nguồn nước sạch từng ngày.
Nỗi khổ không nước
Nghe thông tin có chúng tôi ghé “thăm” cái giếng khoan trong dự án, bà con đã tập trung hơn 10 hộ chờ ngay trụ sở ấp Bờ Đập, xã Trần Phán. Khi vừa đề cập đến tình hình nước sạch của bà con nơi đây, thế là bao nhiêu nỗi niềm, trăn trở được tỏ bày.
Giếng khoan được đặt tại Trụ sở ấp Bờ Đập, xã Trần Phán nhưng chưa lần nào hoạt động. |
Mỗi câu chuyện được bắt đầu từ nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng chung quy lại là họ đang thiếu nước và chờ nước. Nhiều thắc mắc được đặt ra khi tại trụ sở ấp Bờ Đập có giếng khoan được nằm trong dự án hẳn hoi từ rất lâu nhưng hơn 3 năm qua, cái giếng này vẫn chưa hề rục rịch hoạt động. Dù bà con nơi đây đã nhiều lần kiến nghị, phản ánh trong các buổi tiếp xúc cử tri nhưng tình trạng này vẫn không có gì thay đổi.
Để minh chứng cho nỗi khổ nhiều năm qua, một hộ dân “tình nguyện” dẫn chúng tôi về tận nhà tìm hiểu tường tận sự “ngóng nước”. Theo lời bà Lâm Tám Nhỏ, ở ấp Bờ Đập: Đầu mùa hạn đến là gia đình bà lại huy động hết thau, chậu, thùng... dùng để chuyên chở nước về sử dụng. Nhà của bà Nhỏ cách nơi đổi nước gần 2 cây số. Mỗi chuyến phải đi bằng xuồng và chuyên chở chừng 10 thùng loại 20 lít, mỗi thùng có giá 5.000 đồng. Nước được chở chỉ sử dụng mục đích duy nhất là nấu ăn.
Bà Nhỏ phân trần: “Những năm gần đây, không chỉ riêng gia đình tôi mà hầu như cây nước nhà nào cũng bị nhiễm phèn mặn. Bơm lên tắm, giặt, rửa chén thôi chứ nấu ăn thì không được, thậm chí còn không dám tưới cây. Nhưng nếu khoan giếng khác thì gia đình chúng tôi không đủ khả năng”.
Bà Nhỏ chia sẻ, khi mùa hạn đến đỉnh điểm, nhà bà có tới 3 loại nước. Nguồn nước khoan ở nhà bà dùng để tắm giặt. Nấu ăn thì dùng nước chuyên chở từ một hộ dân khác, còn nước uống thì mua nước bình từ các tiệm tạp hoá. Không riêng bà Nhỏ, đây cũng là nỗi khổ chung của các hộ gia đình nơi đây nhiều năm qua.
Cần lời giải đáp
Trước khi chuyển dịch sang nuôi tôm, tại xã Trần Phán chỉ cần khoan cạn chừng 120 m là có nước sử dụng được. Nhưng giờ đây, nhiều hộ dân tại ấp Bờ Đập và các ấp lân cận phải khoan trên 250 m mới có nước ngọt. Giá thuê khoan cây nước ở độ sâu này từ 20-30 triệu đồng, không phải hộ nào cũng có điều kiện thực hiện.
Bà Nhỏ mong mỏi nguồn nước sạch. |
Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Bờ Đập Trần Phi Hùng trăn trở: “Không gì khổ bằng thiếu nước sạch. Đó là nhu cầu tất yếu của mỗi hộ gia đình. Tuy nhiên, nhiều năm qua vùng này đất đai bị nhiễm phèn nặng, ảnh hưởng đến tầng nước ngọt. Mặc dù nước khoan lên có nhưng khó sử dụng, nhiều hộ không dám tưới cây huống hồ gì nấu ăn hay uống trực tiếp”.
Rồi cứ thế, dự án nước sạch nhen nhóm lên bao niềm tin cho người dân. Theo nhiều hộ dân, nếu như giếng khoan đặt tại trụ sở ấp Bờ Đập đưa vào hoạt động thì không chỉ giải quyết câu chuyện nước sạch ở đây mà còn có ấp Ngã Bát, Nhị Nguyệt với khoảng hơn 1.500 hộ dân.
Bà Huỳnh Ngọc Dung, ấp Bờ Đập, xã Trần Phán, bày tỏ: “Mỗi lần phải kéo xe rùa đi đẩy nước về cực lắm, nhưng đành chịu, vì tưới nước giếng khoan là cây chết hết. Mong rằng, chính quyền quan tâm đến đời sống bà con vùng này, nhanh chóng hoàn thành dự án. Để mỗi mùa hạn đến chúng tôi không phải gồng gánh từng thùng nước ngọt về nhà”.
Được biết, 1 năm sau khi dự án khởi công, đã xây dựng được giếng khoan, trụ ống cũng có, bảng hiệu cũng đầy đủ nội dung nhưng rồi cái giếng chỉ là một trụ đá. Trong khi người dân thì mong mỏi nước sạch từng ngày. Câu hỏi được đặt ra là bao giờ có nước sạch? Khi nào giếng khoan hoạt động?... Bà con nơi đây chỉ biết mong ngóng, trông chờ./.
Hằng My