Tại tỉnh Cà Mau, 30 trạm y tế/phòng khám đa khoa khu vực “Tình chị em” ở 5 huyện Ðầm Dơi, Cái Nước, Thới Bình, Trần Văn Thời, U Minh triển khai thực hiện trong gần 4 năm qua. Ðã có 1.570 cuộc truyền thông nhóm tổ chức với sự tham gia của hơn 22.600 người.
Qua gần 4 năm hoạt động, Văn phòng đại diện Marie Stopes International tại Việt Nam phối hợp với Sở Y tế tỉnh Cà Mau tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án “Hoàn thiện và nhân rộng toàn quốc mô hình nhượng quyền xã hội dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản/kế hoạch hoá gia đình tại các cơ sở y tế Nhà nước”, kết thúc giai đoạn 3 của dự án tại 3 tỉnh: Cà Mau, Yên Bái và Ðắk Lắk.
Dự án được thực hiện với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản tại các trạm y tế/phòng khám đa khoa khu vực, từ đó nâng cao nhu cầu của cộng đồng đối với những dịch vụ này. Dự án chú trọng vào công tác nâng cao năng lực cho mạng lưới trạm y tế xã/phường nhằm cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản/kế hoạch hoá gia đình chất lượng, hướng tới cộng đồng thông qua việc thiết lập một mô hình nhượng quyền xã hội mang tên “Tình chị em”.
Ðồng thời, dự án cũng triển khai các hoạt động truyền thông, quảng bá nhằm nâng cao nhận thức của nhóm đối tượng đích và các bên liên quan, tạo ra nhu cầu và từ đó khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ y tế ngày càng nhiều hơn tại các cơ sở “Tình chị em”.
![]() |
Bác sĩ Huỳnh Quốc Việt, Giám đốc Sở Y tế Cà Mau tuyên dương, khen thưởng các đại sứ thương hiệu “Tình chị em”. |
Qua 4 năm, đã có hơn 2.018 lượt nhân viên y tế của 3 tỉnh: Cà Mau, Yên Bái và Ðắk Lắk được tập huấn về kỹ thuật cung cấp dịch vụ lâm sàng, chất lượng dịch vụ và quảng bá thương hiệu nhượng quyền xã hội; hơn 80% nhân viên các trạm y tế sau khi được tập huấn đã có những thay đổi tích cực về kiến thức, thái độ, hành vi trong cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản/kế hoạch hoá gia đình. 111 trạm y tế được cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết lập phòng tư vấn gắn thương hiệu “Tình chị em”, trang bị một số dụng cụ y tế căn bản phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản/kế hoạch hoá gia đình; sản xuất tài liệu thông tin giáo dục truyền thông và quảng bá về những dịch vụ cung cấp tại trạm y tế thuộc mạng lưới “Tình chị em”. Số chị em tới sử dụng dịch vụ khám và điều trị phụ khoa tăng 68% so với trước. Trong năm 2015-2016 đã có khoảng 1 triệu lượt khách hàng đến nhận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản/kế hoạch hoá gia đình, trong đó trên 27% thuộc nhóm đối tượng nghèo.
Riêng tại tỉnh Cà Mau, 30 trạm y tế/phòng khám đa khoa khu vực “Tình chị em” ở 5 huyện Ðầm Dơi, Cái Nước, Thới Bình, Trần Văn Thời, U Minh triển khai thực hiện trong gần 4 năm qua. Ðã có 1.570 cuộc truyền thông nhóm tổ chức với sự tham gia của hơn 22.600 người và hơn 59.500 các loại tờ rơi được cấp phát; 1.724 lần phát thanh trên loa đài địa phương. Bên cạnh đó, lực lượng đại sứ thương hiệu đã đến hơn 7.000 hộ gia đình với 18.772 người được tuyên truyền; vận động được hơn 8.000 khách hàng đến nhận dịch vụ tại trạm y tế.
Bác sĩ Huỳnh Quốc Việt, Giám đốc Sở Y tế Cà Mau, Trưởng Ban Quản lý Dự án “Tình chị em” tại Cà Mau, cho biết, sau khi tiếp nhận, các cơ sở y tế trong tỉnh đã sớm tổ chức các hoạt động theo khuôn khổ của dự án. Sau 3 năm tổ chức thực hiện, dự án đã đem lại cho người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ rất nhiều lợi ích trong chăm sóc sức khoẻ trên mô hình tích hợp tại trạm y tế xã, góp phần quan trọng cải thiện chất lượng dịch vụ tại các cơ sở y tế. Trong giai đoạn tới, khi dự án đã kết thúc, trách nhiệm từ địa phương là rất cao trong việc duy trì và nhân rộng mô hình trong cộng đồng để người dân có thể hưởng lợi từ các hoạt động tích cực của mô hình “Tình chị em” bằng nguồn kinh phí địa phương.
Thành công của mô hình "Tình chị em" ở các cơ sở y tế công đã và đang góp phần cải thiện hệ thống y tế tuyến cơ sở, giúp hạn chế tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tạo điều kiện cho người dân được lựa chọn dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản chất lượng cao ngay tại địa phương, đồng thời nâng cao hơn nữa tình trạng sức khoẻ sinh sản của người dân Việt Nam./.
Bài và ảnh: Mai Thanh