(CMO) Tập trung thu hút đầu tư phát triển các dự án điện gió, điện năng lượng mặt trời, điện khí; phấn đấu đến năm 2030 tỉnh Cà Mau trở thành trung tâm điện lực khu vực ÐBSCL. Ðó là một trong những đột phá trong Chương trình hành động của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh thực hiện nghị quyết của Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Với chiều dài bờ biển 254 km, chiếm 7,8% tổng chiều dài bờ biển của cả nước, Cà Mau được đánh giá là một trong những địa phương giàu tiềm năng phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió. Theo đó, tỉnh đã và đang tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để khai thác tiềm năng, thế mạnh này.
Cụ thể, toàn tỉnh có 12 dự án điện gió đang được triển khai, với tổng công suất 700 MW, trong đó 10 dự án đã khởi công. Ðến nay, có 3 nhà máy điện gió đã vận hành thương mại hoà vào lưới điện quốc gia hơn 100 MW.
Nhà máy Ðiện gió Tân Thuận là 1 trong 3 nhà máy đã đưa vào vận hành thương mại. |
Kết quả này không chỉ góp phần bổ sung cho hệ thống điện sản lượng khoảng 225 triệu KWh/năm mà còn là nhân tố quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương ven biển. Ðến nay, tỷ lệ hộ dân vùng ven biển được sử dụng điện bình quân đạt trên 98%; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện. Ðặc biệt, quốc phòng - an ninh được giữ vững; chủ quyền biên giới biển, đảo được bảo vệ vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội các địa phương ven biển.
Theo quy hoạch phát triển điện gió được Bộ trưởng Bộ Công thương phê duyệt, đến năm 2030 toàn tỉnh Cà Mau sẽ có 3.607 MW điện gió được hoà vào lưới điện quốc gia. Cùng với đó, hạ tầng truyền tải lưới điện cũng đang được triển khai đảm bảo đủ năng lực giải phóng công suất cho các dự án nhà máy điện gió trên địa bàn tỉnh. Ðây là những nhân tố quan trọng để hoàn thành mục tiêu “Khai thác tối đa thế mạnh, tiềm năng sẵn có để phát triển năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng điện gió tuyến ven biển. Trước mắt, tập trung triển khai nhanh các dự án đã được Trung ương bổ sung vào quy hoạch phát triển điện gió của quốc gia, đưa vào vận hành thương mại trước năm 2025” trong Chương trình hành động của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh.
Mục tiêu đặt ra trong Chương trình hành động là đến năm 2030 toàn tỉnh tăng thêm 4.000 MW (năng lượng tái tạo khoảng 1.000 MW); đến năm 2045 tăng thêm 5.000 MW. Tính đến nay, UBND tỉnh đã trình Bộ Công thương xin bổ sung vào quy hoạch tổng cộng 36 dự án với tổng công suất 24.564 MW. Trong đó, có 23 dự án điện gió với tổng công suất 11.018 MW; 4 dự án điện khí với tổng công suất 10.700 MW và 9 dự án điện mặt trời với tổng công suất 2.846 MW.
Ðây được xem là một bước tiến quan trọng tạo nền tảng cho ngành năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là điện gió. Việc tập trung phát triển năng lượng tái tạo là hướng đi nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương để cùng góp phần quan trọng vào đảm bảo tốt hơn an ninh năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng tăng trưởng xanh của đất nước cũng như Chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam./.
Phan Ngọc Ẩn