Trong cuộc họp chi bộ đầu năm 2016, Trưởng ấp S đưa ra hơn 20 lá đơn xin được là hộ nghèo và danh sách hơn 50 hộ khác cũng đăng ký “được nghèo”.
Trong cuộc họp chi bộ đầu năm 2016, Trưởng ấp S đưa ra hơn 20 lá đơn xin được là hộ nghèo và danh sách hơn 50 hộ khác cũng đăng ký “được nghèo”.
Nghe ra thật phi lý, bởi sống trên đời ai cũng muốn gia đình mình có của ăn, của để, không ai muốn mình nghèo khổ cả. Ấy vậy mà chỉ trong một ấp đã có đến hơn 70 hộ xin “được nghèo”. Cũng không ít trường hợp khi địa phương xét gia đình họ không đạt tiêu chuẩn “nghèo” thì họ đã làm ầm ỉ, thậm chí còn chửi cả chính quyền, mặc dù tiêu chí nghèo rất rõ ràng đã được chính quyền địa phương công khai tại trụ sở ấp và trong các cuộc họp tổ, họp ấp để xét hộ nghèo theo tiêu chí mới.
Nghèo có gì hay ho, tốt đẹp, tại sao lại có nhiều người thích được nghèo như thế?
Đảng và Nhà nước ta lấy con người làm trung tâm, con người phải được phát triển toàn diện. Xoá đói giảm nghèo là một chủ trương lớn, được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và toàn xã hội ủng hộ. Hằng năm, ngân sách Nhà nước và cộng đồng chi cho hộ nghèo hàng ngàn tỷ đồng để giúp họ ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Theo đó, nhiều hộ nghèo đã cố gắng lao động sản xuất, vươn lên ổn định cuộc sống và đã làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Những trường hợp này đều được địa phương tổng kết, biểu dương. Thế nhưng, bên cạnh đó vẫn còn không ít hộ không muốn thoát nghèo, và nhiều hộ dù thật sự không nghèo nhưng làm đủ cách để được nghèo, vì họ cho rằng “nghèo” sẽ nhận được nhiều sự ưu đãi đặc biệt. Nào là không phải mua bảo hiểm y tế, được miễn giảm học phí cho con, được hỗ trợ cất nhà, được nhận quà trong những dịp lễ, Tết ...
Sự ưu đãi của Nhà nước, sự quan tâm giúp đỡ, chia sẻ của xã hội đối với những người thật sự đã cố gắng hết sức mình nhưng vì hoàn cảnh quá đặc biệt không thể thoát nghèo là đúng, rất đáng được chia sẻ. Nhưng thực tế, nhiều người có đầy đủ sức khỏe, có khả năng tự vươn lên nhưng do lười biếng lao động, ham mê cờ bạc, rượu chè, chơi bời lêu lổng nên nghèo khó, một số người thật sự không nghèo nhưng do lòng tham nên cố chạy cho được “cái vé nghèo” để được hưởng một số lợi ích - thật đáng trách!
Chúng ta đang sống trong một xã hội bình đẳng, mọi người đều có cơ hội như nhau. Hãy cố gắng làm việc, lao động để ổn định cuộc sống, đừng chây lười, đừng tham lam, đừng cố dựa dẫm vào bất kì ai để kiếm chút lợi ích, vì đó không phải là việc làm tốt. Đừng bao giờ "phấn đấu" để được nghèo. Hãy tạo cho mình một tương lai tươi sáng bằng chính sức lao động của mình, hãy phấn đấu thoát nghèo, đó mới là việc làm đúng đắn./.
Tiếng Dân