Tư tưởng Hồ Chí Minh - di sản tinh thần quý báu của dân tộc Việt Nam, không chỉ là kim chỉ nam cho cách mạng mà còn là nguồn cảm hứng để mỗi cá nhân, đặc biệt là những người làm báo rèn luyện đạo đức và trách nhiệm xã hội. Trong bối cảnh truyền thông hiện đại đang phát triển mạnh mẽ, việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh để nâng cao, tu dưỡng đạo đức người làm báo trở thành nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng nhân văn và chuyên nghiệp.
- Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Bác
- Tìm hiểu về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Báo chí Cà Mau trong dòng chảy tư tưởng Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà cách mạng vĩ đại, mà còn là nhà báo xuất sắc, người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam. Trong tư tưởng của Người, đạo đức cách mạng được nhấn mạnh như một phẩm chất cốt lõi của người làm báo. Người khẳng định: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Lời dạy này nhấn mạnh rằng, người làm báo không chỉ là người đưa tin mà còn là người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, tư tưởng, với sứ mệnh phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng bao gồm các nguyên tắc cơ bản như: trung thực, tận tuỵ, liêm khiết và đặt lợi ích của dân tộc, của Nhân dân lên trên hết. Người làm báo cần có “tâm sáng” và “tầm cao”. “Tâm sáng” là sự trung thực, khách quan, không vì lợi ích cá nhân mà bóp méo sự thật. “Tầm cao” là khả năng nhìn nhận vấn đề một cách sâu sắc, có trách nhiệm với xã hội, góp phần định hướng dư luận theo hướng tích cực.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò của báo chí trong việc giáo dục và nâng cao nhận thức quần chúng. Người cho rằng, báo chí phải “viết để nêu gương người tốt, việc tốt, phê phán cái xấu, cái ác, để làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn”. Ðiều này đòi hỏi người làm báo phải có đạo đức nghề nghiệp vững vàng, để giữ gìn niềm tin của công chúng vào báo chí.
Trong bối cảnh hiện nay, khi báo chí đang đối mặt với nhiều thách thức như: sự cạnh tranh khốc liệt, áp lực kinh tế, sự bùng nổ của truyền thông xã hội... việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh càng trở nên cần thiết. Bởi, những thách thức này đôi khi khiến người làm báo dễ sa ngã vào các hành vi thiếu đạo đức, như đưa tin sai sự thật, giật tít câu view, hoặc chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua trách nhiệm xã hội. Tư tưởng Hồ Chí Minh, với những giá trị cốt lõi về đạo đức và trách nhiệm, là kim chỉ nam giúp người làm báo giữ vững bản lĩnh nghề nghiệp.
Người làm báo tỉnh Cà Mau tác nghiệp tại Hội thảo “Báo chí cách mạng Cà Mau - Những chặng đường lịch sử vẻ vang”. Ảnh: MỸ LINH
Trước hết, tư tưởng Hồ Chí Minh giúp người làm báo xác định rõ mục tiêu và sứ mệnh của mình. Nghề báo không chỉ là nghề kiếm sống, mà còn là công cụ phục vụ Nhân dân, đất nước. Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh giúp người làm báo hiểu rằng, mỗi bài viết, mỗi dòng tin đều phải hướng đến việc xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh nhấn mạnh tinh thần trung thực và khách quan. Trong thời đại thông tin tràn ngập, việc giữ vững sự trung thực là yếu tố sống còn để báo chí duy trì uy tín. Người căn dặn: “Viết phải đúng sự thật, không được bịa đặt, xuyên tạc”. Lời dạy này nhắc nhở người làm báo phải kiểm chứng thông tin kỹ lưỡng, không chạy theo tin đồn hay lợi ích cá nhân.
Tư tưởng Hồ Chí Minh khuyến khích người làm báo rèn luyện phẩm chất liêm khiết và tận tuỵ. Trong môi trường nghề nghiệp đầy cám dỗ, việc giữ gìn sự liêm khiết, không nhận hối lộ hay lợi ích từ các nguồn tin là biểu hiện của đạo đức nghề nghiệp cao cả. Ðồng thời, tinh thần tận tuỵ đòi hỏi người làm báo phải không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức và kỹ năng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công chúng.
Trong thời đại đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, người làm báo cần nâng cao tu dưỡng đạo đức, cần cụ thể hoá lời dạy của Bác vào thực tiễn nghề nghiệp.
Bác đã nhấn mạnh rằng, đạo đức cách mạng phải bắt đầu từ việc rèn luyện bản thân. Người làm báo cần tự tu dưỡng các phẩm chất: trung thực, khiêm tốn và trách nhiệm. Ðiều này bao gồm việc tự kiểm điểm bản thân, tránh xa những cám dỗ như: viết bài sai sự thật để câu view, nhận tiền để “lăng xê” hoặc bôi nhọ cá nhân, tổ chức... Người làm báo có đạo đức chính là người biết đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy, báo chí phải phục vụ Nhân dân. Người làm báo cần ý thức rõ rằng, mỗi bài viết đều có tác động đến xã hội. Vì vậy, họ cần lựa chọn những chủ đề có ý nghĩa, phản ánh đúng thực trạng xã hội, đồng thời lan toả những giá trị tích cực. Ví dụ, thay vì chạy theo tin tức giật gân, người làm báo nên tập trung vào các câu chuyện về người tốt - việc tốt, hoặc những vấn đề xã hội cần được giải quyết.
Bác luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học tập không ngừng. Người làm báo cần không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nắm bắt các xu hướng truyền thông mới, đồng thời hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Ðiều này không chỉ giúp họ viết bài chính xác, sâu sắc, mà còn tăng cường khả năng phân tích, đánh giá thông tin một cách khách quan.
Tư tưởng Hồ Chí Minh đề cao tinh thần phê phán và tự phê phán như một cách để hoàn thiện bản thân. Người làm báo cần dũng cảm phê phán những sai trái trong xã hội, cũng như sẵn sàng nhìn nhận và sửa chữa những thiếu sót của chính mình. Ðiều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh báo chí đôi khi bị lợi dụng để phục vụ các mục đích không lành mạnh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời đề cao tinh thần đoàn kết và lòng nhân ái. Người làm báo cần xây dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp, tôn trọng ý kiến của người khác và sử dụng ngòi bút để lan toả những giá trị nhân văn. Một bài báo mang tính nhân văn không chỉ cung cấp thông tin mà còn khơi dậy lòng trắc ẩn, sự đồng cảm trong cộng đồng.
Thực tiễn đời sống báo chí hiện nay cho thấy, các vấn đề như: áp lực kinh tế, sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành truyền thông, sự phát triển của mạng xã hội... khiến không ít người làm báo dễ bị cuốn vào vòng xoáy của lợi ích cá nhân hoặc chạy theo xu hướng. Ðể vượt qua những thách thức này, nên chăng các cơ quan báo chí cần tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về tư tưởng Hồ Chí Minh, kết hợp với việc xây dựng các quy tắc đạo đức nghề nghiệp rõ ràng. Ðồng thời, bản thân người làm báo cần nêu cao tinh thần tự giác học tập, rèn luyện, xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, hỗ trợ lẫn nhau giữ vững đạo đức nghề nghiệp.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là hành trình cần thiết để người làm báo nâng cao tu dưỡng đạo đức, từ đó góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng nhân văn và chuyên nghiệp. Những giá trị cốt lõi như: trung thực, tận tuỵ, liêm khiết và trách nhiệm xã hội không chỉ là kim chỉ nam cho người làm báo, mà còn là nền tảng để báo chí Việt Nam giữ vững vai trò là “tiếng nói của Ðảng, là diễn đàn của Nhân dân”. Trong thời đại đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, theo lời hiệu triệu của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, báo chí cách mạng đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức, việc học tập và áp dụng tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ giúp người làm báo giữ vững đạo đức nghề nghiệp, vai trò chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hoá, tư tưởng, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân./.
Ðào Minh Tuấn