ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 4-12-24 00:22:12
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Gần dân, sát địa bàn

Báo Cà Mau (CMO) Bám sát địa bàn, gần gũi dân để kịp thời nhắc nhở, vận động và hỗ trợ người dân luôn là giải pháp được chính quyền xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời đặc biệt quan tâm trong công tác phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai.

Những đợt mưa nặng hạt liên tục trút xuống cũng là lúc ông Bùi Chí Ngạn, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc, có mặt tại khu vực vàm Ba Tỉnh để nhắc nhở, vận động người dân kiểm tra, bảo vệ tài sản trước triều cường, nước biển dâng, trang thiết bị an toàn trước khi ra biển khai thác… “Cán bộ phải là người đi trước và về sau”, đó là tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của xã trong công tác phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại của thiên tai mà ông Ngạn đã chia sẻ.

Khánh Bình Tây Bắc là xã bãi ngang ven biển, có khí hậu nhiệt đới gió mùa, hiện tượng bão, áp thấp nhiệt đới (ATNÐ) thường xuất hiện vào cuối năm trùng vào thời kỳ gió mùa Ðông Bắc hoạt động khá mạnh. Sự kết hợp và cộng hưởng của 2 hiện tượng này thường làm cho bão, ATNÐ ảnh hưởng phức tạp, khó lường. Ngoài ra, với vị trí địa lý xã phải chịu ảnh hưởng của hầu hết các hiện tượng thiên tai từ bão, ATNÐ, ngập lụt, triều cường, hạn hán, sạt lở đất và cả dông, lốc, sét.

Thời gian qua, các hiện tượng thời tiết này cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của Nhân dân, chủ yếu lúa và hoa màu bị ngập úng. Tại khu vực vàm Ba Tỉnh, hiện tượng nước biển dâng cao cục bộ cũng đã gây ra thiệt hại tài sản của Nhân dân. Hay như tình trạng sạt lở bờ sông, sạt lở dọc theo tuyến đê biển Tây hàng năm vẫn còn xảy ra. Trên tuyến đê biển Tây đoạn thuộc ấp Mũi Tràm B có 5 điểm sạt lở, đoạn thuộc ấp Sào Lưới A có 2 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 1.600 m.

Là xã nằm trong vùng ngọt hoá của huyện Trần Văn Thời, cơ cấu kinh tế của Khánh Bình Tây Bắc khá đa dạng, từ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh mua bán nhỏ, cho đến khai thác, đánh bắt thuỷ hải sản... nhưng lại là những lĩnh vực rất dễ bị ảnh hưởng và thiệt hại bởi các hiện tượng thiên tai, thời tiết. "Theo đó, trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, xã luôn lấy phòng ngừa làm trọng tâm; chủ động, kịp thời để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Từ đó, công tác tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai đến cộng đồng luôn được xã đặc biệt quan tâm", ông Ngạn cho biết.

Ông Bùi Chí Ngạn, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc (bìa phải), xuống nhà dân để tuyên truyền, nhắc nhở bà con chú ý an toàn khi ra biển. Ảnh: HOÀNG VŨ

Mặc dù thời gian qua kinh tế người dân trên địa bàn xã có nhiều bước phát triển, nhà ở dân cư từng bước xây dựng, nâng cấp, sửa chữa ngày càng khang trang, đáp ứng yêu cầu về nhà ở, tuy nhiên, qua rà soát thống kê, nếu trường hợp bão đổ bộ vào đất liền có cường độ cấp 10 thì trên địa bàn xã phải tiến hành di dời tại chỗ và sơ tán hơn 1.073 người. Từ đó có thể thấy, việc nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng tránh thiên tai của toàn dân trên địa bàn xã là giải pháp vô cùng quan trọng.

Theo ông Ngạn, điều đáng mừng là hiện nay hệ thống thông tin liên lạc đảm bảo cho công tác chỉ đạo điều hành khi có sự cố thiên tai cũng như đáp ứng nhu cầu thông tin kịp thời, chính xác đến các cấp, các ngành và Nhân dân. Trong thông tin dự báo thiên tai, xã luôn quán triệt tinh thần thực hiện là ngắn gọn, dễ hiểu và dễ thực hiện.

Với phương châm “4 tại chỗ”, thời gian qua xã luôn dành sự quan tâm đặc biệt để xây dựng lực lượng ứng cứu thiên tai tại chỗ và sẵn sàng ứng cứu người, tài sản của Nhân dân đến nơi an toàn khi cần thiết. Hiện nay, lực lượng tại chỗ của xã là 619 người, bao gồm: công an, dân quân, dự bị động viên, cán bộ xã, Ðoàn thanh niên, đội xung kích, lực lượng tại các ấp… Ngoài ra, phương tiện, vật tư, trang thiết bị trên địa bàn xã khi cần có thể huy động 5 xe ô-tô 4-7 chỗ, 5 phương tiện thuỷ di dời dân, phao cứu sinh, áo phao... và nhiều nhu yếu phẩm, nhiên liệu khác đảm bảo dùng đủ trong 5 ngày.

Dù đã chủ động, nhưng với điều kiện là xã bãi ngang ven biển, hiện nay cơ sở hạ tầng phục vụ công tác phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai của xã Khánh Bình Tây Bắc vẫn còn không ít khó khăn. Ðặc biệt, ông Ngạn thông tin, hiện nay trên địa bàn xã còn 2 khu vực ven biển được đánh giá có nguy cơ cao là vàm Ba Tỉnh và Sào Lưới. “Mặc dù thời gian qua đã có nhiều hộ dân ở những khu vực này được di dời, sắp xếp vào nơi ở an toàn tại các tuyến, cụm dân cư, tuy nhiên hiện vẫn còn một số hộ dân các tuyến, cụm dân cư ven biển và những khu vực có nguy cơ bị thiệt hại khi xảy ra thiên tai cần sớm được xem xét tái định cư”, ông Ngạn kiến nghị.

Khai thác thuỷ sản là lĩnh vực kinh tế khá quan trọng của xã. Hiện nay, toàn xã có 69 tàu cá chiều dài 6 m đến dưới 15 m tham gia khai thác trên biển. Tuy nhiên hiện nay, với tình trạng bồi lắng tại vàm Ba Tỉnh không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động khai thác mà còn tạo ra khó khăn không nhỏ cho công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai.

Là ngư dân hiện có 4 phương tiện tham gia khai thác, ông Trần Trọng Khâm, ấp Mũi Tràm B, cho biết, hiện nay phương tiện lớn của gia đình không thể vào khu vực vàm Ba Tỉnh neo đậu, mà phải đậu nhờ khu vực Ðá Bạc. Tình trạng này đã gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động nghề cũng như phát sinh thêm nhiều chi phí không đáng có.

Ốc mực là loại hình khai thác chính của gia đình ông Trần Trọng Khâm, ấp Mũi Tràm B, xã Khánh Bình Tây Bắc.

Chủ động trong triển khai hiệu quả các giải pháp phòng, chống thiên tai; chủ động lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chủ động trong thông tin, cảnh báo, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai... Chỉ có chủ động mới là giải pháp tốt nhất để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra./.

 

Nguyễn Phú

 

Ô thuỷ lợi - Giải pháp cấp thiết

Cà Mau là địa phương chịu tác động nặng nề của các loại hình thiên tai, lại không có nước ngọt bổ sung từ thượng nguồn... Từ đó, các vùng sản xuất trong tỉnh đã và đang tiếp tục phải đối diện với nhiều thách thức. Ðầu tư hạ tầng để chia nhỏ ô thuỷ lợi theo địa hình của từng khu vực được xem là giải pháp cấp bách hiện nay.

Ðề phòng nước dâng những tháng cuối năm

Hiện nay, đang bước vào mùa cao điểm của triều cường, những hộ sinh sống ven biển trên địa bàn huyện Ngọc Hiển đứng ngồi không yên, lo sợ nước dâng cao bất thường làm bể bờ vuông nuôi thuỷ sản, nhà cửa ven sông bị ngập sâu trong nước.

Ðồng tâm hiệp lực phòng, chống sạt lở

Khi nào Cà Mau khắc phục được tình trạng sạt lở ven biển, ven sông? Ðây là câu hỏi hiện nay gần như chưa ai có câu trả lời chính xác. Bởi tình trạng sạt lở luôn diễn biến khó lường, trong khi hạ tầng thuỷ lợi chưa được đầu tư hoàn thiện, nguồn lực lại đang khó khăn...

Nhiều hạn chế cần khắc phục trong phòng, chống thiên tai

Vừa qua, trưởng các khu vực đã tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại địa bàn được phân công phụ trách trong toàn tỉnh. Trên cơ sở kiểm tra thực tế, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT,TKCN&PTDS) tỉnh, đánh giá, công tác tổng kết PCTT&TKCN năm 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2024 đã được các địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời.

An toàn của người dân là trên hết

Ðể kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như thích nghi với triều cường biến động, xã Khánh Hội, huyện U Minh chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống thiên tai (PCTT), tìm kiếm cứu nạn (TKCN). Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, nhất là ngư dân trong việc chủ động phòng chống, nhằm giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.

Sẵn sàng hỗ trợ người dân

Mưa lớn, triều cường, ngập lụt, dông lốc, sạt lở đất, xâm nhập mặn... là những loại hình thiên tai được dự báo sẽ có nguy cơ diễn ra từ nay đến cuối năm và sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, nhất là sản xuất của người dân. Trước dự báo này, người dân cần chủ động bảo vệ sản xuất, tài sản.

Vất vả nghề bám biển

Vất vả và luôn phải đối diện với hiểm nguy, nhưng đó chưa phải là tất cả những gì mà ngư dân phải đối mặt trong hành trình mưu sinh trên biển. Quá trình lao động nơi đầu sóng của những ngư dân, đôi lúc phải đánh đổi bằng cả tính mạng, nhất là đối với các phương tiện nhỏ.

Sẵn sàng nhân lực, vật lực ứng phó thiên tai

Theo nhận định của Ðài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Cà Mau, từ nay đến cuối năm 2024 còn khoảng 4-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNÐ) trên biển Ðông, trong đó khoảng 2-3 cơn đổ bộ vào đất liền, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam. Trên địa bàn tỉnh có khả năng xuất hiện nhiều loại hình thiên tai khác như: gió mạnh trên biển, mưa lớn, triều cường, ngập lụt, dông lốc, sạt lở đất ven sông, ven biển.

Chủ động ứng phó thiên tai trên biển

Công tác phòng chống thiên tai (PCTT) trên biển đang được sự quan tâm đặc biệt, khi thời tiết biến đổi liên tục và thất thường. Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT,TKCN&PTDS) tỉnh, có buổi trò chuyện cùng phóng viên Báo Cà Mau về nhiều phương án phòng chống thiên tai và hỗ trợ ngư dân trên biển trong tình hình biến đổi khí hậu (BÐKH).

Bảo vệ nhà ở và sản xuất trước thiên tai

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Phú Tân, mưa dông, lốc xoáy làm sập, tốc mái 24 căn nhà (sập hoàn toàn 5 căn, tốc mái 19 căn); chìm 3 tàu cá, hư hỏng 2 cụm pa nô, tổng thiệt hại trên 1 tỷ đồng.