(CMO) Đối với nhiều người, chơi game là xấu, là thói hư… nhưng nếu chơi game đúng cách còn thể hiện được tài năng, trí tuệ và việc chơi game không chỉ là để giải trí, cách giải toả căng thẳng hiệu quả sau những giờ học, làm việc mệt mỏi mà còn kết nối được với nhiều bạn bè, học hỏi được nhiều điều hay.
Thực tế hiện nay, game đã là môn thể thao nghiêm túc, mang lại nhiều giá trị cuộc sống, kể cả phát triển mô hình kinh doanh.
ESports đề cao tinh thần đồng đội và tính chiến thuật cao để có thể đi đến chiến thắng. (Ảnh: Các game thủ thể hiện tình đồng đội trước khi thi đấu). |
Từ “nghiện” đến mở quán cà phê game
Ðó là câu chuyện của chính bản thân anh Ðặng Thành Danh, chủ quán Nika Coffee E-Sports (Phường 5, TP Cà Mau).
Anh kể, trước khi lên lớp 10, anh là học sinh giỏi, nhưng sau đó, chỉ vì nghiện game mà suýt phải học lại, khiến gia đình rất phiền lòng.
“Thời đó, hễ được đưa đến cổng trường là tôi đi thẳng ra cổng sau, leo rào trốn học. Tôi có thể ngồi tiệm net 20/24 giờ/ngày, đến nỗi anh chị phải lôi về đánh cho một trận, mà tôi vẫn nghiện game”, anh Danh cười.
Nhờ được gia đình định hướng, lớp 11, 12 anh giảm chơi game và thi đỗ đại học. Rời xa gia đình, không ai quản thúc, “ngựa quen đường cũ”, anh túc trực tiệm net ngày đêm.
“Có lúc tôi nghĩ, phải chi lúc đến tiệm, có người nói sao chơi hoài mà không lo học, đuổi về, thì chắc tôi đã không nghiện đến vậy”, anh Danh bật cười vì một thời non trẻ.
Mãi tới khi sắp thi tốt nghiệp, bạn bè hỏi nếu lỡ không ra trường được thì biết nói sao với gia đình; rồi lỡ nợ bằng hai năm có trả nợ môn nổi không… Muôn vạn nỗi lo… Anh chọn cách giảm game, tập trung học.
Anh hóm hỉnh: “Phải thừa nhận người nghiện game rất giỏi tính toán, nhanh nhạy, tư duy, quan sát tốt và có rất nhiều kỹ năng khác thì mới có thể chơi game giỏi, chỉ là dành quá nhiều thời gian cho game, dẫn đến sa đà”.
Anh minh chứng vui rằng, để “cai nghiện” game, anh tự đặt cho mình công thức: “Nỗi đau + sự kỳ vọng + hành động phải > sự kháng cự = thay đổi hoàn toàn”. Tạm dừng chơi game được rồi thì thấy không ghê gớm lắm.
Tốt nghiệp, đi làm, anh Danh vẫn chơi game nhưng khác xưa là biết tiết chế và nảy ra ý tưởng kinh doanh dựa vào nhu cầu thị trường và từ đam mê của chính mình.
“Khác với tiệm net, tôi muốn mang đến cho các bạn trẻ, nhất là thế hệ Gen Z thích chơi game không gian lý tưởng giao lưu và tổ chức những cuộc thi cân tài cân sức hàng tuần, hàng tháng… Những tựa game được sử dụng chủ yếu là thể loại thể thao (ESports). Ở đây trang bị đầy đủ thiết bị công nghệ hiện đại, nhiều chức năng: màn hình phân giải cao, case máy tính cấu hình mạnh…”, anh Danh nhấn mạnh.
ESports là hình thức tổ chức trận đấu điện tử giữa nhiều người chơi, đặc biệt là giữa những tuyển thủ chuyên nghiệp. Giống như các môn thể thao khác, ESports đề cao tinh thần đồng đội và tính chiến thuật cao. Hiện tại, ESports được đầu tư bài bản từ huấn luyện viên, quản lý, quan hệ công chúng... Trong các kỳ SEAGames vừa qua, một số bộ môn ESports cũng đã được đưa vào thi đấu chính thức tranh huy chương. |
…Và giúp game thủ đi đúng hướng
Là game thủ đã tham gia nhiều giải đấu, Nguyễn Cao Khánh, sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau, chia sẻ: “Ðây là sân chơi bổ ích để tụi em thoả đam mê với thể thao điện tử có đường truyền wifi mạnh. Các chương trình tổ chức giải đấu cho các bạn giao lưu và dành cho những bạn muốn được trải nghiệm đấu giải như các tuyển thủ chuyên nghiệp”.
Theo Khánh, chơi game không xấu, Khánh chỉ chơi như một môn thể thao truyền thống, chỉ khác là chơi trên nền tảng công nghệ số. Hiện nay, các trường cao đẳng, đại học của Việt Nam cũng đã tổ chức các giải đấu thể thao điện tử chuyên nghiệp, thu hút rất nhiều sinh viên tham gia, Khánh nghĩ đó cũng là cách định hướng các bạn chơi game nghiêm túc, có kế hoạch, có mục tiêu rõ ràng. Ðặc biệt, khi chơi game theo nhóm, thi đấu trên đấu trường, các game thủ phải tuân theo quy định, tập luyện và thi theo lịch của nhà tổ chức nên sẽ tránh được các hệ luỵ như: cá cược, những biến tướng không lành mạnh khác.
Ðồng quan điểm, bạn Nguyễn Thành Duy, sinh viên cùng trường, tâm đắc: “Hiện nay anh Ðặng Thành Danh đã tạo lập được các đội nhóm với hơn 70 thành viên là những người thích chơi game ở khắp nơi trong tỉnh, chủ yếu ở độ tuổi từ 18-22. Thay đổi lớn nhất khi các bạn tham gia là thay vì dành quá nhiều thời gian chơi game như trước, các bạn phải tuân thủ quy tắc của đội, làm việc nhóm và luyện tập theo lịch, thi đấu theo chương trình vào mỗi Chủ nhật hàng tuần hoặc có lịch cho các giải đấu riêng, không ảnh hưởng đến công việc, học tập. Ngoài ra, đôi lúc game thủ đến quán không phải chơi game mà để bàn bạc chiến lược kinh doanh”.
Anh Danh tâm tình: “Lợi thế là tôi có công ty đào tạo, tổ chức sự kiện, thế nên ngoài việc tổ chức các giải đấu, tôi còn tổ chức những buổi offline định hướng các bạn khởi nghiệp, kinh doanh từ nền tảng công nghệ số. Ðơn cử như việc hướng dẫn người chơi ESports xây dựng các kênh truyền thông riêng cho bản thân thông qua hình thức livestream chơi game, dựng những video chuyên môn chia sẻ kiến thức ESports đến cộng đồng người chơi…”.
“Tuổi trẻ ai cũng có đam mê, sở thích và muốn cháy hết mình với nó. Sự cấm đoán, ràng buộc đôi khi khiến các bạn muốn “nổ tung”. Tôi mong muốn tạo sân chơi chuyên nghiệp cho các bạn và đi đúng chất của một môn thể thao điện tử, từ đó, các bạn thoả sức vẫy vùng nhưng cũng sẽ tự nhận ra mình có gắn bó với game lâu dài hay vẫn phải học tập và làm việc để nuôi niềm đam mê khác”, anh Danh kỳ vọng.
“Nika Coffee E-Sports đang tổ chức thi đấu vòng loại để chào đón giải đấu ESports cộng đồng lớn nhất Việt Nam. Ðây là giải đấu lan toả 63 tỉnh, thành trên khắp cả nước và mở rộng quy mô thi vòng loại sẽ được tổ chức tại 200 trường đại học/cao đẳng/học viện và khu vực quận/huyện/thị xã trên toàn quốc. Ðây sẽ là sân chơi đầy hứa hẹn cho những bạn trẻ ít có dịp được tham gia những giải đấu lớn và là cơ hội duy nhất đến với con đường giải đấu chuyên nghiệp”, anh Ðặng Thành Danh thông tin thêm.
Băng Thanh