Lê Xuân Tiền năm nay 26 tuổi, bị liệt nửa thân người, 6 năm nay, chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân hoàn toàn không tự chủ được, phải nhờ vào sự chăm lo của cha mẹ già; ông Lê Văn Tân năm nay 67 tuổi và bà Bùi Kim Anh 66 tuổi, cả hai cũng đang mang trong người nhiều căn bệnh. 3 con người, 2 già, 1 trẻ, bệnh tật, bám víu vào nhau sống lay lắt trong một căn nhà trọ mưa tạt gió lùa ở Khóm 6, Phường 1, TP Cà Mau.
Lê Xuân Tiền năm nay 26 tuổi, bị liệt nửa thân người, 6 năm nay, chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân hoàn toàn không tự chủ được, phải nhờ vào sự chăm lo của cha mẹ già; ông Lê Văn Tân năm nay 67 tuổi và bà Bùi Kim Anh 66 tuổi, cả hai cũng đang mang trong người nhiều căn bệnh. 3 con người, 2 già, 1 trẻ, bệnh tật, bám víu vào nhau sống lay lắt trong một căn nhà trọ mưa tạt gió lùa ở Khóm 6, Phường 1, TP Cà Mau.
Ông Tân kể, nhà ông ở ấp Chánh, xã Lý Văn Lâm. Trước đây 2 vợ chồng, 1 đứa con, với 2 công ruộng, nửa công vườn, tuy có vất vả nhưng cuộc sống không đến nỗi thiếu thốn. Ông nghĩ, chỉ cần có sức khoẻ thì cả vợ chồng cùng cố gắng làm lụng vừa lo cho cuộc sống, vừa lo cho con ăn học. Thấy cha mẹ vất vả nên tới lớp 6, Tiền xin nghỉ học để đi làm phụ hồ kiếm tiền phụ cha mẹ lo kinh tế gia đình, dự định sau này sẽ tìm một nghề để ổn định cuộc sống và chăm lo cho cha mẹ lúc tuổi già. Thế nhưng, vụ tai nạn giao thông năm 2010 đã cướp đi của em tất cả ước mơ và tương lai tuổi trẻ. Tiền bị chấn thương tuỷ sống cổ và nằm liệt từ đó đến nay. Cuộc sống gia đình bắt đầu những chuỗi ngày lao đao.
Dù mang bệnh thiếu máu cơ tim đã nhiều năm, sức khoẻ rất yếu, nhưng hằng ngày bà Bùi Kim Anh vẫn phải chăm sóc, vệ sinh cho đứa con trai bị liệt nửa thân người. |
Biết bệnh của con khó có khả năng phục hồi và hoàn cảnh gia đình không đủ điều kiện điều trị lâu dài tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ông Tân và bà Kim Anh đành ngậm ngùi đưa Tiền về nhà chăm sóc, thuốc thang cầm chừng. Ruộng vườn rồi cũng cầm cố hết mà con thì vẫn nằm đó, sức khoẻ ngày càng suy kiệt, tay chân teo tóp dần, nửa thân dưới không cử động được, vệ sinh không tự chủ. Nhiều lần bệnh Tiền trở nặng, ông bà phải rất vất vả mới đưa được em vào bệnh viện cấp cứu. Những lần vào viện ngày một nhiều hơn, cuối cùng ông bà đành đưa con ra TP Cà Mau ở trọ để tiện việc chăm sóc.
Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ: Tổ Từ thiện - Xã hội Báo Cà Mau. ĐT: 0780.3831066, gặp anh Trầm Nghĩ Tài khoản Quỹ từ thiện Báo Cà Mau: - Tên đơn vị: Báo Cà Mau - Số tài khoản: 10201-000205255-9 - Mở tại: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Cà Mau. |
Trước đây, ông Tân còn khoẻ, ai mướn gì cũng làm, nhưng vài năm nay, ông mắc bệnh viêm phổi nặng, không còn làm nặng được nữa, cuộc sống ngày càng túng quẫn. Hiện tại, mỗi tháng, gia đình ông được nhận 600.000 đồng tiền hỗ trợ người khuyết tật dành cho Lê Xuân Tiền, số tiền này ông dành hết để mua thuốc cho con. Mỗi ngày ông giăng lưới bắt cá trên con kinh sau nhà để bán lấy tiền đắp đổi nhưng bữa có bữa không, có hôm bán được vài ba chục ngàn đồng, có bữa cũng chẳng có con cá nào, bà Kim Anh phải đi xin gạo nấu cơm cho con ăn.
Chủ nhà trọ thương hoàn cảnh gia đình ông nên không lấy tiền trọ. Bà con trong xóm thỉnh thoảng có đồ ăn cũng mang tới cho. Bà Kim Anh nuôi được mấy con gà, thỉnh thoảng bán được vài quả trứng.
Bà thở dài: “Tôi bị thiếu máu cơ tim mười mấy năm nay mà chưa từng được điều trị đến nơi đến chốn, chỉ uống thuốc bảo hiểm y tế cầm chừng thôi. Có bao nhiêu tiền đều để dành lo cho con hết. Ổng cũng vậy, có lúc nhìn ổng mệt không thở nổi mà tôi xót xa. Bác sĩ nói ổng có thể chết bất cứ lúc nào. Tôi lo vợ chồng tôi mà có chuyện gì, đứa con tật nguyền này biết làm sao”.
Hằng ngày, dù nằm một chỗ nhưng đầu óc vẫn còn tỉnh táo nên chứng kiến tất cả những vất vả nhọc nhằn, những lo lắng, trằn trọc và cả những tiếng thở dài của cha mẹ mỗi đêm, Tiền cảm thấy đau đớn vô cùng.
Trong sự đùm bọc của bà con xung quanh, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, 3 con người ấy vẫn đang từng ngày chống chọi lại nỗi đau bệnh tật và nỗi lo cơm áo gạo tiền. Thế nhưng, cuộc sống ấy quá đỗi mong manh. Họ đang cần lắm những vòng tay nhân ái./.
Bài và ảnh: Thuỳ Trâm