(CMO) Trong căn nhà nhỏ ở Ấp 1, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, ông Trần Văn Triều (Mười Nhỏ) bồi hồi xúc động, nâng niu chiếc huy hiệu 70 năm tuổi Ðảng được nhận vào đợt 19/5 vừa rồi. Ký ức cuộc đời của người đảng viên cao niên được lần giở qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Ðau thương mất mát hoá căm thù, các thành viên trong gia đình ông Mười Nhỏ tiếp nối lên đường giết giặc, nguyện một lòng sắt son dưới ngọn cờ lãnh đạo của Ðảng.
Ông Mười Nhỏ sinh năm 1929, trưởng thành vào thời kỳ quê hương có Ðảng lãnh đạo. Ðất Cà Mau anh hùng, người trước ngã xuống, người sau tiếp bước chiến đấu chống giặc xâm lược. Theo tiếng gọi quê hương, năm 1946, chàng thanh niên 17 tuổi đã tham gia tổ chức thanh niên cứu quốc xã Khánh An. Trải qua thực tế đấu tranh rèn luyện ông trưởng thành, bản lĩnh vững vàng và được đứng vào hàng ngũ của Ðảng năm 19 tuổi.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, ông Mười Nhỏ trải qua nhiều vị trí công tác, chủ yếu ở những đơn vị trực tiếp chiến đấu, như: Huyện đội trưởng, Chính trị viên Ðại đội địa phương huyện Trần Văn Thời; Ðại đội phó Ðại đội Ðộc Lập tỉnh Cà Mau; Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 410; Tham mưu phó Trung đoàn 195... Ðiều đó cũng đồng nghĩa với việc ông Mười Nhỏ phải đối mặt với bao hiểm nguy, sống - chết trong gang tấc. Ông kể: “Hồi tham gia đánh trận Khai Hoang năm 1963, thế địch mạnh, quân ta bị bao vây, tôi tưởng chừng không về được nữa, lực lượng hơn 40 người, chỉ còn vài người sống sót trở về, mang trên người đầy thương tích”.
Ðảng viên cao niên Trần Văn Triều 70 năm tuổi Ðảng cùng người con trai 50 năm tuổi Ðảng luôn đặt niềm tin son sắt vào sự soi đường, lãnh đạo của Ðảng trong suốt chặng đường sống, chiến đấu, lao động và xây dựng quê hương.
Cuộc trò chuyện trở nên lắng đọng, ông Mười Nhỏ nghẹn giọng khi nói đến vợ mình là liệt sĩ Lê Thị Năm, hy sinh khi 29 tuổi. Năm 1961, lúc bấy giờ bà Năm trong Ban Chấp hành Phụ nữ xã Khánh An, khi cùng chồng và vài chị em trên đường thực hiện nhiệm vụ thì bị địch phục kích bắn tại Rạch Nhum. Ông Mười Nhỏ lau nhanh nước mắt, kể: “Khi vợ tôi trúng đạn, tôi chạy tới đỡ để tìm lối thoát, nhưng bà ấy nhất quyết đẩy tôi ra, vì nếu cứu bà thì cả hai đều chết. Tôi vẫn mãi nhớ câu nói của bà ấy rằng: Anh phải sống để tiếp tục chiến đấu vì em và vì quê hương”. Bà Năm bị địch tra tấn dã man, cắt đi mái tóc dài, cắt hai tai, lột da ngón tay và đâm nát cơ thể. Mất mát, đau thương, ông Mười Nhỏ càng quyết tâm chiến đấu, góp công cho ngày đại thắng, thống nhất đất nước.
Vợ chồng ông Mười Nhỏ có với nhau 2 người con trai; mang thù nhà, nợ nước, cả hai lớn lên đều tiếp bước cha ông đi đánh giặc. Người con lớn là ông Trần Minh Kháng (sinh năm 1950), 14 tuổi đã tham gia du kích, 17 tuổi là công an vũ trang của Quân khu 9, và đã nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Ðảng. Ông Trần Minh Kháng kể: “Lúc nhỏ anh em tôi ở cùng ông bà nội, ít khi được gần cha mẹ, vì họ dành thời gian cho công tác, chiến đấu. Nhà nội có hầm nuôi giấu, chở che bộ đội. Bà tôi thường gói bánh, nấu xôi, khuya đến băng rừng mang cho bộ đội”.
Không chỉ kiên cường trong chiến đấu, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, khi về địa phương, ông Mười Nhỏ tích cực góp sức xây dựng quê hương. Từ năm 1983 ông nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm Hợp tác xã, Chủ tịch Nông dân xã Khánh Thới, đồng hành với nông dân vượt qua khó khăn, thiếu thốn thời bao cấp. Sau đổi mới, ông Mười Nhỏ vào Thường vụ Hội Nông dân huyện Thới Bình (1987-1990), rồi Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện cho đến khi nghỉ hưu năm 1995.
Bức ảnh Bác Hồ được treo trang trọng trong nhà ông Mười Nhỏ và được gia đình nhang khói hàng ngày.
Suốt cuộc đời hoạt động, cống hiến, ông Mười Nhỏ không nhớ hết những trận đánh, không màng đến các chức vụ. Bởi mục đích của ông chỉ đánh giặc để trả thù nhà nợ nước và luôn đặt niềm tin son sắt vào sự soi đường, lãnh đạo của Ðảng trong suốt chặng đường sống, chiến đấu, lao động, xây dựng quê hương. Người đảng viên cao niên này luôn gương mẫu trong mọi phong trào, giáo dục con cháu ngoan hiền, thành đạt.
Hiện ông Trần Minh Kháng (con trai lớn của ông Mười Nhỏ) đã 73 tuổi, ở cùng phụng dưỡng cha tuổi già; người con út thì công tác ở TP Cần Thơ. Hai người con trai của ông Kháng đang công tác tại Công an tỉnh, người con gái làm việc ở ngân hàng. Các con trai, con dâu, con gái, con rể của ông Kháng đều là đảng viên.
Xế chiều, ông Mười Nhỏ từng bước chậm rãi thắp hương lên bàn thờ Bác Hồ, bàn thờ tổ tiên; rồi ra trước sân nhìn về phía trước con đường bê tông sáng mới, nhà cửa khang trang, nối tiếp những hàng rào cây xanh rực rỡ. Người đảng viên lão thành móm mém nở nụ cười hạnh phúc./.
Mộng Thường