Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và tầm quan trọng của công tác nuôi dạy trẻ khuyết tật, bảo trợ xã hội công lập và Làng trẻ em SOS, ngày 9/7/2014, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07 về mức hỗ trợ đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật, bảo trợ xã hội công lập và Làng trẻ em SOS.
Nhiệm kỳ qua, hoạt động của HĐND tỉnh không ngừng đổi mới về phương thức, chất lượng hoạt động ngày càng được nâng cao, khẳng định vị trí, vai trò và làm tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Các nghị quyết được HĐND tỉnh ban hành từ đầu nhiệm kỳ 2011-2016 đến nay đã giải quyết được nhiều yêu cầu bức thiết của địa phương trong từng giai đoạn cụ thể hoặc áp dụng lâu dài. Bên cạnh đó, mối quan hệ phối hợp giữa Thường trực HĐND và UBND tỉnh trong việc xác định các chuyên đề để ban hành nghị quyết được phát huy tốt, góp phần không nhỏ vào thành công trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và tầm quan trọng của công tác nuôi dạy trẻ khuyết tật, bảo trợ xã hội công lập và Làng trẻ em SOS, ngày 9/7/2014, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07 về mức hỗ trợ đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật, bảo trợ xã hội công lập và Làng trẻ em SOS. Ngay sau khi được ban hành, Nghị quyết 07 đã tạo hiệu ứng tích cực, thể hiện tính nhân văn sâu sắc và tạo điều kiện thuận lợi hơn để công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật, bảo trợ xã hội công lập và Làng trẻ em SOS càng gắn bó hơn với công việc.
Nhờ có mức thu nhập ổn định từ khi Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh được triển khai, tạo điều kiện để các mẹ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội an tâm công tác và học tập để nâng cao chuyên môn. |
Từ khi Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh được triển khai, đời sống tinh thần của 44 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Trung tâm Bảo trợ xã hội ngày càng ổn định, ai cũng an tâm hơn với công việc. Với công chức, viên chức, người lao động thường xuyên và trực tiếp tiếp xúc với đối tượng cần giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng được hỗ trợ 1,5 lần mức lương cơ sở/người/tháng. Với công chức, viên chức, người lao động còn lại được hỗ trợ bằng 1,2 lần mức lương cơ sở/người/tháng.
Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau Đào Minh Hoàng khẳng định, công chức, viên chức, người lao động của trung tâm không còn lo lắng nhiều về gia đình, an tâm lo hết sức cho các cháu, các cụ.
Hơn ba năm gắn bó với Trung tâm Bảo trợ xã hội, mức hỗ trợ chỉ hơn một triệu đồng/tháng nên cuộc sống của chị Nguyễn Hồng Loan cũng gặp không ít khó khăn. Tháng 8/2014, khi Nghị quyết 07 của HĐND có hiệu lực, mức hỗ trợ của chị cũng tăng lên trên ba triệu đồng/tháng. Chị Loan chia sẻ: "Chúng tôi gắn bó với các con bằng cả tấm lòng, nên trước đây dù mức hỗ trợ còn thấp, ai cũng cố gắng vượt qua. Giờ mức hỗ trợ đã tăng lên nên mọi người càng yên tâm gắn bó với công việc hơn".
Theo chị Trần Thị Út, Phó trưởng Phòng Nuôi dạy trẻ - Giáo dục định hướng, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau, mức hỗ trợ từ 1,2-1,5 lần mức lương cơ sở/người/tháng đã giúp công chức, viên chức, người lao động của trung tâm ổn định cuộc sống, an tâm gắn bó với công việc và học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Nhiều nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành từ đầu nhiệm kỳ 2011-2016 đến nay tạo chuyển biến rõ rệt trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, từng bước nâng cao đời sống Nhân dân, được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Trong đó có thể kể đến như: Nghị quyết 03 về quy định số lượng, chức danh và một số chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ấp, khóm trên địa bàn tỉnh Cà Mau; Nghị quyết 18 về mức hỗ trợ đặc thù đối với cán bộ, diễn viên, nhân viên và người lao động tại các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh Cà Mau; Nghị quyết 23 về thống nhất chủ trương tăng cường khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường trên địa bàn tỉnh Cà Mau…
Nghị quyết của HĐND tỉnh nhanh chóng đi vào cuộc sống là do HĐND tỉnh đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hoá Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các văn bản chỉ đạo của Trung ương và điều kiện cụ thể của tỉnh. Bên cạnh đó, Thường trực và các ban HĐND đã dành nhiều thời gian, công sức khảo sát tại cơ sở nhằm đánh giá đúng kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội. Công tác thẩm tra nghị quyết của các ban HĐND càng chặt chẽ nên nghị quyết của HĐND ban hành càng có chất lượng. Đặc biệt, thông qua hoạt động giám sát, các ban HĐND kiểm chứng lại tính đúng đắn, sự phù hợp của các nghị quyết cũng như phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để kịp thời có những biện pháp tháo gỡ, khắc phục. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng và đưa các nghị quyết của HĐND thực sự đi vào cuộc sống./.
Bài và ảnh: Phương Lài