(CMO) Là khu du lịch sinh thái cũng là khu bảo tồn thiên nhiên thuộc không gian du lịch phía Tây của tỉnh, đầm Thị Tường từ lâu là điểm đến thu hút rất đông du khách. Thế nhưng, thời gian qua, tình trạng lấn chiếm đầm để sinh sống, khai thác thuỷ sản nơi đây vẫn chưa chấm dứt, ảnh hưởng không nhỏ đến vẻ mỹ quan của khu du lịch. Trước thực trạng đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, lãnh đạo các địa phương đang tiến hành kiểm tra, giải toả, xử lý các công trình trái phép trên đầm.
Đầm Thị Tường có diện tích khoảng 700 ha, chủ yếu nằm trên địa phận huyện Phú Tân và huyện Trần Văn Thời. Hiện nay, có khoảng 150 hộ dân sinh sống quanh khu vực đầm, trong đó chiếm phần đông thuộc địa bàn huyện Phú Tân.
Theo UBND huyện Phú Tân, qua kiểm tra, rà soát, khu vực đầm Thị Tường có tổng số 120 hộ sinh sống, khai thác mặt nước và 1 hợp tác xã (HTX) dịch vụ ăn uống đang hoạt động. Trong đó, có 45 hộ đặt lú, 52 hộ nuôi sò; 23 hộ nuôi sò kết hợp đặt lú, nuôi con 2 mảnh.
Riêng tại địa phận huyện Trần Văn Thời hiện còn 38 hộ với 151 khẩu (đã giải toả trước đó 35 hộ) đang sử dụng mặt nước đầm đặt lú nuôi sò và kinh doanh ăn uống, gồm 28 căn chòi, 10 phà và 5 căn nhà tạm.
Một số hộ có nhà tạm sống trên đầm điều kiện kinh tế khó khăn, không có đất sản xuất, không có đất ở, chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản nên khi di dời, đời sống sẽ gặp nhiều khó khăn.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, lãnh đạo 2 huyện đã thành lập tổ chỉ đạo giải toả chướng ngại vật lấn chiếm đầm Thị Tường, tiến hành họp dân để triển khai chủ trương của UBND tỉnh. Ðồng thời, thực hiện công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân đang nuôi, khai thác thuỷ sản trên đầm Thị Tường tự tháo dỡ các công trình trái phép nhằm bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, khơi thông dòng chảy và đảm bảo an toàn lưu thông trên đầm Thị Tường, trả lại hiện trạng tự nhiên của đầm.
Theo báo cáo kết quả, đến nay các địa phương đã hoàn thành việc xử lý, tháo dỡ các công trình phục vụ khai thác, nuôi thuỷ sản tại đầm Thị Tường (nhà tạm, phà, lú, lưới, lá dừa nước để nuôi vòm xanh...). Còn lại công trình kinh doanh, nhà ở, sò huyết nuôi chưa thực hiện xong việc tháo dỡ, di dời.
Ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, cho hay: “Hiện cơ bản địa phương đã giải toả xong; còn 1 căn nhà đã được chủ hộ cam kết tháo dỡ, di dời trước ngày 15/6; 22 hộ dân nuôi sò huyết chỉ tháo dỡ lưới bao quanh khu vực nuôi, chưa di dời con giống do chưa đến giai đoạn thu hoạch”.
Ðối với các hộ thuộc địa phận quản lý của huyện Phú Tân, hiện còn dãy nhà của HTX Dịch vụ ăn uống đầm Thị Tường chưa tháo dỡ; 17 hộ dân có nhà cố định trên phần đất ven đầm; 2 hộ dân có nhà trên đầm có hoàn cảnh khó khăn.
Theo ghi nhận từ các địa phương, việc tháo dỡ, di dời hiện còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, đối với huyện Phú Tân, trên đầm có dãy nhà của HTX dịch vụ ăn uống, đại diện lãnh đạo của HTX này đặt vấn đề rằng, việc xây dựng dãy nhà trước đây đã có văn bản chấp thuận của UBND huyện Phú Tân, nay phải thực hiện giải toả thì Nhà nước phải có chính sách bồi thường thoả đáng để HTX thực hiện chủ trương.
Ðặc biệt, một số hộ có nhà tạm sống trên đầm Thị Tường điều kiện kinh tế khó khăn, không có đất sản xuất, không có đất ở, nhà ở nơi khác, chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản nên khi di dời, đời sống sẽ gặp nhiều khó khăn, vì vậy chưa được giải toả dứt điểm đối với những hộ này.
Trước tình hình trên, lãnh đạo huyện Phú Tân đề xuất UBND tỉnh cần có chính sách hỗ trợ kịp thời cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn không đất sản xuất ảnh hưởng bởi việc giải toả. Ðồng thời, chỉ đạo các sở, ngành có liên quan sớm hoàn chỉnh quy hoạch đầm Thị Tường và triển khai thực hiện để thuận lợi trong công tác quản lý thời gian tới. Riêng đối với 17 hộ có nhà cố định sống trên phần đất ven đầm (7 hộ ở xã Phú Mỹ và 10 hộ ở xã Phú Thuận), hiện nay theo ý kiến của 2 xã thì việc tháo dỡ đối với các nhà ở ven đầm chưa có ý kiến chỉ đạo cụ thể của cấp trên, vì vậy cần xin ý kiến để xử lý.
Ông Trần Tấn Công bộc bạch: “Bà con sống quanh khu vực đầm rất lâu rồi nên việc vận động người dân tháo dỡ nhà cửa, các công trình trái phép trên đầm gặp nhiều khó khăn. Ðối với các hộ điều kiện kinh tế khó khăn, UBND huyện chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND xã hỗ trợ, giúp đỡ tạm thời. Ngoài ra, địa phương cử người thường xuyên canh giữ đầm để tránh tình trạng tái lấn chiếm khu vực này”.
Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Trần Văn Thời và Phú Tân xử lý dứt điểm việc tháo dỡ, di dời công trình kinh doanh, nhà ở, sò huyết nuôi trái phép tại đầm Thị Tường; UBND huyện Cái Nước khẩn trương thực hiện việc báo cáo theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 3344/UBND-NNTN, ngày 10/5/2023. Ðồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các quy định của pháp luật và tăng cường công tác quản lý địa bàn, thường xuyên kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp lấn, chiếm đất, mặt nước trái phép. Trong quá trình thực hiện, trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo, tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.
Phi Long