Nhìn từ thực tế hiện nay, mạng xã hội tràn lan những thông tin thiếu kiểm chứng, tin không chính thống, thiếu tính thời sự, nhưng một nghịch lý là bộ phận không nhỏ người dân lại thích xem, dẫn đến hậu quả bị các thế lực xấu tác động, lôi kéo. Thế nên, để người dân biết và chọn lọc những thông tin chính thống, thông tin tích cực, có định hướng thì đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương trong công tác thông tin, tuyên truyền. Thời gian qua, xã Nguyễn Phích (huyện U Minh) là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác này.
Đặc thù xã Nguyễn Phích địa bàn rộng. Nhiều năm trở lại đây, việc tiếp cận công nghệ thông tin đã phủ sóng đến tất cả các ấp. Những thông tin thời sự, chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, những cách làm hay, điển hình làm kinh tế giỏi... thông qua các cụm loa truyền thanh đã len lỏi đời sống của người dân xứ rừng.
Ông Hồ Minh Nhàn (Ấp 16) là thính giả thường xuyên của các bản tin truyền thanh, những chương trình phát thanh được chuyển tiếp hay các bản tin của địa phương, giúp ông cập nhật tin tức hằng ngày. Những thông tin hữu ích liên quan đến quá trình lao động sản xuất của người dân, các mô hình hay, cách làm sáng tạo được giới thiệu đã giúp ông có thêm kiến thức, kinh nghiệm để áp dụng vào thực tiễn.
Nhân viên Kiểm lâm huyện U Minh tuyên truyền, thông tin cho các hộ dân về các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng.
“Hiện nay bước vào mùa khô, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng, người dân tại đây luôn túc trực trong mọi tình huống để bảo vệ rừng, cũng như bảo vệ tài sản của chính mình. Những thông tin về dự báo cấp cháy, những phương pháp phòng cháy luôn được địa phương thông báo trên các cụm loa; nhân viên kiểm lâm phát tờ rơi phổ biến, tuyên truyền các phương pháp bảo vệ rừng để bà con chủ động phòng ngừa”, ông Nhàn chia sẻ.
Ðịnh kỳ mỗi tuần, Trạm Truyền thanh xã sẽ xây dựng, phát sóng 1 bản tin và hằng ngày tiếp sóng các chương trình thời sự của Ðài Tiếng nói Việt Nam, Ðài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau, Trung tâm Văn hoá, Truyền thông và Thể thao huyện U Minh, để phục vụ Nhân dân. Ngoài ra, trang thông tin điện tử tích hợp với hoạt động của UBND luôn được cập nhật. Ðây là trang thông tin chính thống, những nguồn tin có định hướng, chính xác để cán bộ, người dân kịp thời nắm bắt tình hình kinh tế, xã hội của địa phương.
Dự án truyền thông - giảm nghèo thông tin là một trong những tiểu dự án nằm trong Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Cà Mau phổ biến kiến thức pháp luật, quyền lợi của người dân trên địa bàn xã Nguyễn Phích (huyện U Minh).
Với các đối tượng nghèo về thông tin, lực lượng cộng tác viên, tuyên truyền viên tại cơ sở sẽ trực tiếp phổ biến chính sách, chương trình giảm nghèo bền vững. Thông qua đó, sàng lọc những đối tượng được hưởng chính sách để địa phương hỗ trợ về vốn, cập nhật các kiến thức, những mô hình hay về giảm nghèo.
Ông Nguyễn Thanh Ril, Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích, chia sẻ: “Xoá nghèo thông tin giúp người dân nhận thức rõ hơn về quyền lợi của mình khi thực hiện các chủ trương, quyết sách. Sự đồng thuận trong dân cũng chính từ việc nắm bắt đầy đủ thông tin”.
So với trước đây, hạ tầng về thông tin tại xã Nguyễn Phích đã có sự phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu của người dân trong thời đại mới. Số hộ có ti vi, điện thoại thông minh, Internet đã bao phủ đến tất cả các ấp. Việc truyền thông, thông tin về công tác giảm nghèo kịp thời, chính xác, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương đã góp phần quan trọng trong việc tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững./.
Hữu Nghĩa