(CMO) Biển Bạch là xã phên giậu của huyện Thới Bình tiếp giáp với tỉnh Kiên Giang. Thời gian qua, đây là nơi mà mặt trận phòng, chống dịch diễn ra hết sức khẩn trương, quyết liệt, thiết lập vành đai bảo vệ để ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập vào địa bàn. Trong khó khăn, công tác an sinh xã hội, đặc biệt, công tác giảm nghèo của địa phương không những không gián đoạn, mà còn đạt những kết quả tích cực.
Ðất khó chuyển mình
Về Biển Bạch những ngày gió chuyển ngọn thổi chướng, màu lúa xanh kẻ những ô màu ngời lên sự hồi sinh, vượt lên nỗi ám ảnh đại dịch. Ông Nguyễn Văn Hùng, Ấp 11, xã Biển Bạch vươn ánh nhìn ra khoảng ruộng: “Lúa năm nay khá lắm, 30 giạ/công trở lên chớ không ít. Lứa tôm càng, cua cũng phát triển tốt, Tết này coi như vớt vát chút đỉnh...”.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Ấp 11, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình đang kỳ vọng vào vụ lúa - tôm càng mùa Tết. |
50 tuổi, cả đời gắn bó với đồng đất Biển Bạch, ông Hùng kể: “Ðất vùng này nhiễm phèn mặn, trồng cây gì, nuôi con gì cũng khó. Có thời ở đây trồng khóm, rồi trúc tre đan đát, sau nữa là mía. Rồi khóm, mía, trúc tre cũng không vực con người khỏi vất vả, con tôm và vụ lúa trở thành niềm hy vọng mới”.
Với ông Hùng, tác động của dịch Covid-19 đối với bà con nông dân không phải là ít, nhưng không thể triệt tiêu được khát vọng vươn lên của con người Biển Bạch. Dù giá cả tôm, cua có giảm sút, nhưng bà con vẫn duy trì sản xuất, thực hiện theo lịch mùa vụ, đảm bảo thu nhập.
Như lời ông Hùng bộc bạch: “Nếu sợ dịch mà bỏ luôn lao động sản xuất thì kiệt quệ mấy hồi. Mình làm coi như rèn luyện sức khoẻ, giữa đồng coi như an toàn 5K, có con tôm, con cua, con cá, hạt lúa để còn sinh sống nữa chớ. Nếu bỏ đất ở không, rồi khi giá tôm - cua lên cao, mình có đâu mà bán, có tiếc cũng làm gì được đâu...”.
Còn trong trí nhớ của bà Bùi Thị Ðãi, xứ Biển Bạch ngày xưa là: “Heo hút, nghèo khó. Ðất cầm trâu nên làm gì cũng thất. Người làm nhiều mà thu về ít. Quanh năm chạy đôn chạy đáo để kiếm cái ăn”. Nhưng cũng từ khó khăn, thử thách, người Biển Bạch đã hun đúc được những đức tính kiên trì, sáng tạo, nhanh nhạy trong sinh kế. Hơn 70 tuổi, bà Ðãi vẫn miệt mài đan đát những chiếc sàng, bó chổi bông sậy để nâng thêm thu nhập.
“Mấy đứa con trai đi Bình Dương mần, rồi mắc kẹt trên đó. Tôi còn nuôi đứa cháu nội nữa, phải mần để có đồng ra đồng vô”, bà Ðãi chia sẻ.
Bà Bùi Thị Ðãi vẫn làm thêm nghề đan sàng, bó chổi bông sậy để tăng thu nhập, trang trải cuộc sống. |
Bà Ðoàn Xuân Nguyện, Phó chủ tịch UBND xã Biển Bạch, thông tin: “Biển Bạch có xuất phát điểm thấp, thuộc diện khó khăn của huyện Thới Bình, tỷ lệ hộ nghèo có lúc ở mức 2 con số. Sau rất nhiều nỗ lực, số hộ nghèo của xã còn 40 hộ, và qua rà soát thì năm 2021 đã giảm được thêm 2 hộ nghèo”.
Trong câu chuyện của mình, bà Nguyện gan ruột: “Nếu không có đại dịch, công tác giảm nghèo của xã chắc chắn sẽ đạt kết quả tích cực hơn, hướng đến mục tiêu Biển Bạch về đích NTM”.
Bền gốc, sâu rễ
Ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, cho biết: “Trong tình hình dịch bệnh, việc đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho những đối tượng yếm thế là nhiệm vụ được toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội dồn sức thực hiện”.
Riêng với mục tiêu giảm nghèo, không chỉ Thới Bình mà các địa phương khác chỉ tập trung vào việc giữ vững, duy trì thành quả đạt được. Với những thách thức mà đại dịch gây ra, quả là khó để trông chờ vào những dấu ấn giảm nghèo. Phải làm sao để người đã thoát nghèo không tái nghèo; người nghèo không rơi vào kiệt quệ và tập trung giảm nghèo từ ý thức, từ sự nỗ lực, ý chí vươn lên của người dân.
Trở lại câu chuyện của Ấp 11, xã Biển Bạch, chị Bùi Kiều Trang, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp, cho biết: “Giảm nghèo phải bắt đầu chính trong suy nghĩ, việc làm của người dân chớ không ở đâu khác. Có vốn liếng, mô hình, hỗ trợ bao nhiêu đi chăng nữa mà người ta không ủng hộ, không muốn làm thì cũng không thể có kết quả”.
Chị Trang kể cho chúng tôi nghe về cách giảm nghèo của ấp đầy say mê. Trong đó, Ấp 11 đi đầu với hàng loạt mô hình như trồng kiểng, chăn nuôi, trồng trọt, đan đát... Cách làm của ấp là nhiều người giúp một người. Mô hình nào cũng cần phải khơi dậy được sinh khí, sự đồng thuận và phải có kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả.
“Ở đây mà còn nghèo, còn khó khăn là mắc cỡ với bà con lắm, nên ai cũng cố gắng làm ăn”, chị Trang tiết lộ.
Cũng nhờ cách làm sâu sát, sáng tạo và quyết liệt từ cấp cơ sở, Ấp 11 nay đã gần như xoá trắng hộ nghèo. Phong trào lao động sản xuất, tinh thần thi đua làm giàu cho bản thân, quê hương vẫn rộn ràng bất chấp tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp.
Theo chị Trang, người dân bây giờ không còn sợ bệnh dịch một cách mù quáng, chung chung, mà đã hiểu biết, tự bảo vệ mình trước vi-rút để an tâm lao động, sản xuất. Bởi vì chỉ có tăng gia lao động, lao động an toàn, lao động để làm ra của cải vật chất thì con người mới có thể chung sống lâu dài với đại dịch.
“Thời gian tới, Biển Bạch chuẩn bị cho cuộc sống bình thường mới. Công tác giảm nghèo vì thế cũng phải phù hợp với điều kiện thực tế. Cái chính yếu nhất là làm sao để người dân tự ý thức vươn lên, khát khao thoát nghèo, đó mới là hướng đi bền vững. Ðịa phương cam kết sẽ đồng hành cùng bà con, luôn mong muốn người người, nhà nhà của quê hương Biển Bạch ngày càng đẹp giàu”, bà Ðoàn Xuân Nguyện cho biết thêm.
Và thật sự đáng trân trọng, khi giữa đại dịch, Biển Bạch không những giữ được thành quả giảm nghèo mà còn có con số giảm. Dù ít thôi, nhưng nó cho thấy nỗ lực phi thường của cấp uỷ Ðảng, chính quyền Biển Bạch. Và để thấy rằng, không một ai bị bỏ lại phía sau.
Những nếp nhà khang trang, làng quê bình yên, trù phú, đó là cảm nhận thật đẹp của chúng tôi về Biển Bạch trong những ngày cuối năm. Một năm qua với quá nhiều biến động, thử thách, nhưng ở đây, cuộc sống vẫn thật tươi mới, tròn đầy. Hẹn trở lại nơi đây vào mùa thu hoạch tôm càng xanh, khi bông lúa đã chín vàng, với những mùa ấm no viên mãn./.
Phạm Quốc Rin