(CMO) Trong hai ngày 4 và 5/8, Cà Mau liên tục ghi nhận 2 trường hợp tài xế xe vận chuyển hàng hóa ngoài tỉnh về Cà Mau mắc Covid-19. Điều này càng là mối lo lớn cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã quyết liệt chỉ đạo: “Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nếu để xảy ra sai sót trong phạm vi chức năng thuộc lĩnh vực phụ trách của đơn vị, địa phương”.
Phóng viên Báo Cà Mau có phỏng vấn ông Hồ Hoàn Tất, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) về một số nội dung, nhiệm vụ liên quan của ngành.
Lực lượng làm nhiệm vụ hướng dẫn phương tiện vào chốt kiểm soát dịch. |
- Lượng phương tiện vận tải hàng hóa vào tỉnh mỗi ngày đều ở mức cao, và ngược lại, phương tiện vận tải đi từ tỉnh Cà Mau đến các địa phương cũng nhiều. Vậy việc giám sát và cấp mã QR tỉnh đã tiến hành ra sao, thưa ông?
Ông Hồ Hoàn Tất: Các phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu của Cà Mau được đảm bảo lưu thông với các địa phương ngoài tỉnh trong tình hình hiện nay. Đồng thời, để đảm bảo các phương tiện lưu thông thông suốt trên luồng xanh giao thông theo chủ trương thống nhất toàn quốc của Bộ GTVT, Sở đã tiến hành cấp mã QR cho phương tiện theo quy định đạt 998 phương tiện (tính đến 10 giờ ngày 5/8 - PV).
Ngược lại, lượng phương tiện vào tỉnh cũng được ngành GTVT phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra, giám sát thông qua mã QR. Đối với phượng tiện chưa có mã QR thì cũng phải kiểm soát chặt đúng theo các quy định: khai báo lịch trình, điểm đi, điểm đến và test, xét nghiệm Covid-19 hoặc có kết quả test, xét nghiệm trong 72 giờ (hoặc khi có chỉ đạo mới).
Chỉ tính riêng từ 12 giờ ngày 4/8 đến 12 giờ ngày 5/8, đã có 1.248 tài xế và người theo phương tiện vận tải đi qua các chốt kiểm soát vào tỉnh Cà Mau. Đồng thời, ghi nhận 1.400 lượt người (120 người trong tỉnh) qua các chốt trạm kiểm soát vào tỉnh.
- Ông đánh giá như thế nào về 2 trường hợp tài xế ngoài tỉnh điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa về Cà Mau và phát hiện dương tính với Covid-19?
Ông Hồ Hoàn Tất: Trước hết, cần nhất quán quan điểm chung của tỉnh trong phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn hiện nay là chặt chẽ, nghiêm khắc và không bị động.
Việc các tài xế xe điều khiển phương tiện vào tỉnh Cà Mau để lên, xuống hàng hóa và bị phát hiện dương tính với Covid-19, trước hết là do vấn đề kiểm soát ban đầu, cùng với đó là công tác giám sát cộng đồng chưa chặt chẽ. Song, vấn đề quan trọng hơn nữa là ý thức chấp hành của đội ngũ tài xế khi đến các địa điểm lên xuống hàng hóa chưa thực sự nghiêm.
Chính vì lẽ đó mới có chuyện tài xế xe, phụ xe tiếp xúc với người địa phương, kéo theo lượng tiếp xúc F1 và F2 cả trăm người. Trong khi Cà Mau đã có quy định và đã thông báo với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh về việc giữ an toàn cũng như bố trí khu nghỉ riêng cho tài xế khi dừng xe lên, xuống hàng hóa ở các vị trí tập trung của tỉnh hoặc ở các điểm cố định của doanh nghiệp.
Để công tác phòng, chống dịch hiệu quả hơn, với phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu vào Cà Mau, ngoài kiểm tra, giám sát, phun khử khuẩn ở các chốt kiểm soát, còn tăng cường giám sát cộng đồng về lịch trình, điểm lên, xuống hàng hóa và giám sát cả người theo phương tiện. |
- Trước thực trạng như vừa nêu, ông có đề xuất gì về phương pháp quản lý, giám sát đối với phương tiện và tài xế, người đi cùng khi đến tỉnh Cà Mau để lên, xuống hàng hóa trong thời gian tới?
Ông Hồ Hoàn Tất: Theo quy định hiện tại, chúng ta không tiến hành kiểm tra nhiều lần các phương tiện vận tải có mã QR theo chủ trương thông luồng xanh cho phương tiện vận tải háng hóa thiết yếu, mà chỉ kiểm tra 1 lần ở điểm đầu vào tỉnh.
Do đó, để quản lý chặt hơn, vì sự an toàn chung của địa bàn và an toàn cho người dân, cần phải kiểm tra kỹ phương tiện và người theo cũng như tài xế khi trở ra (tránh tình trạng phương tiện trở ra khỏi tỉnh thiếu người so với khi vào!). Còn lại phải tăng cường công tác giám sát cộng đồng kể cả hành trình, lịch trình của phương tiện và người trên phương tiện cụ thể. Bởi tỉnh đã có quy định, khi phương tiện vào Cà Mau phải xuất trình cụ thể địa điểm đi, địa điểm đến và số lượng người trên phương tiện. Do vậy, việc thông tin, giám sát hành trình lên, xuống hàng hóa của 1 phương tiện giữa các trạm kiểm soát là vấn đề rất cần thiết.
Phải có biện pháp xử lý mang tính răn đe các trường hợp vi phạm. Chúng ta luôn với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc và đảm bảo mục tiêu kép trong phòng, chống dịch Covid-19.
- Cảm ơn ông!
Trong công văn phát đi vào ngày 5/8, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã chỉ đạo: Tuyệt đối không giải quyết trường hợp phương tiện thủy nội địa, xe gắn máy, người đi bộ... ra/vào tỉnh Cà Mau trên cả đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển, đường mòn, lối mở (trừ trường hợp được chính quyền các địa phương có thẩm quyền cho phép đi/đến và chấp thuận được vào địa bàn tỉnh). Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR cho tất cả người điều khiển phương tiện, người đi cùng phương tiện về từ các tỉnh vùng dịch, thực hiện tại nơi (địa điểm, bến) bốc dỡ hàng hóa. |
Phong Phú thực hiện