(CMO) Sáng nay, 6/7, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403 ngày 15/6/2017 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.
Ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam chỉ đạo, Uỷ ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội trong thời gian tới. Trong đó, cần rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân giải quyết, trả lời kiến nghị và đề xuất của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội sau giám sát, phản biện xã hội; gắn việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, phản biện của Mặt trận với việc đánh giá cán bộ, công chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức. Việc lựa chọn nội dung, thời gian, đối tượng giám sát, phản biện xã hội tránh trùng lắp; các nội dung kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội phải khách quan, trình bày có logic và nội dung trọng tâm, trọng điểm…, coi trọng chất lượng, thực chất, không hình thức.
Điểm cầu Cà Mau do ông Trần Văn Hiện, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, chủ trì. |
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 403, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên ngày càng đi vào chiều sâu, cụ thể hơn, chặt chẽ hơn, phát huy hiệu quả thiết thực, được cấp uỷ, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao; vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp ngày càng được khẳng định, phát huy trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội.
Theo đó, trong 5 năm, Uỷ ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức hơn 87.300 đoàn giám sát. Bên cạnh còn giám sát bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; tham gia giám sát với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Hoạt động phản biện được tổ chức theo hình thức hội nghị; gửi dự thảo văn bản đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến và tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Uỷ ban MTTQ với cơ quan, tổ chức có văn bản được phản biện.
Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau tổ chức cuộc họp góp ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vào tháng 2/2023. |
Sau giám sát, phản biện xã hội, Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp đều có văn bản báo cáo tổng hợp các ý kiến tham gia phản biện, góp ý gửi đến cơ quan chức năng xem xét tiếp thu, giải trình, bổ sung; nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ sở đã được điều chỉnh phù hợp, sát với tình hình thực tế của địa phương, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Hội nghị chỉ rõ, bên cạnh những ưu điểm đã đạt được, việc thực hiện Nghị quyết 403 còn nhiều hạn chế: một số cấp uỷ chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; ở một số địa phương, nhất là cấp cơ sở còn lúng túng trong lựa chọn nội dung giám sát; chất lượng một số cuộc giám sát còn hạn chế… Trong thực hiện hoạt động giám sát, phản biện, ở một số địa phương lãnh đạo MTTQ Việt Nam chưa thể hiện được bản lĩnh dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm./.
Băng Thanh