Sáng ngày 25/9, Ban Kinh tế - Ngân sách cùng lãnh đạo Ban Pháp chế, Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh tổ chức giám sát tình hình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn huyện Đầm Dơi, giai đoạn 2022-2024.
Đoàn giám sát quan tâm về tình hình tổ chức, triển khai thực hiện các văn bản quy định, hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, của địa phương về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập; kết quả và hiệu quả thực hiện tự chủ, những khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập; ghi nhận đề xuất các giải pháp và kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế để thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập.
Bà Vũ Hồng Như Yến, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, lưu ý các trường cần chủ động nguồn kinh phí để thực hiện vệ sinh trường học, chứ tuyệt đối không thu từ phụ huynh học sinh.
Theo đánh giá của đoàn giám sát, Đầm Dơi là địa phương thực hiện sớm cơ chế tự chủ tài chính. Huyện có Ban Quản lý các dự án công trình xây dựng đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1); 34 đơn vị (17 trường THCS và 17 trường mầm non) tự đảm bảo một phần chi thường xuyên (nhóm 3); 32 đơn vị (30 trường Tiểu học, Trung tâm Chính trị, Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao) do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 4).
Ngay từ đầu năm, các đơn vị sự nghiệp công lập đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ trong việc quản lý và sử dụng kinh phí thường xuyên nhằm tiết kiệm kinh phí để có tăng thêm thu nhập cho nhân viên, người lao động.
Việc thực hiện cơ chế tự chủ bước đầu giúp đơn vị chủ động thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, sắp xếp tổ chức bộ máy, sử dụng nguồn nhân lực và tài chính có hiệu quả. Công tác quản lý tài chính đã từng bước được hoàn thiện và nâng cao thông qua việc xây dựng, hoàn thiện Quy chế chi tiêu nội bộ, cơ chế quản lý, sử dụng nguồn tài chính.
Ông Nguyễn Đức Tiến, Phó trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh quan tâm đến nguồn học phí trong học sinh bán trú.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, huyện còn gặp khó khăn như: Một số đơn vị trong đề án vị trí việc làm không được giao biên chế kế toán mà thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm; kinh phí chi tăng giờ cho giáo viên chưa đảm bảo; các trường chưa có biên chế nhân viên vệ sinh, nên chưa cân đối được kinh phí…
Bà Vũ Hồng Như Yến, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, cho rằng, việc xác định mức độ tự chủ của huyện chưa thống nhất; về vệ sinh trong trường học, các trường cần chủ động nguồn kinh phí, chứ tuyệt đối không thu từ phụ huynh học sinh. HĐND tỉnh sẽ xem xét sửa đổi Nghị quyết 09/2020/NQ-HĐND quy định mức thu một số dịch vụ phục vụ hoạt động bán trú tại các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh sao cho phù hợp tình hình thực tế.
Ông Trần Anh Chót, Phó chủ tịch UBND huyện, cho biết, địa phương sẽ rà soát lại việc thực hiện phân giao nguồn cho các đơn vị tự chủ, để thực hiện đúng quy định, đảm bảo cho các đơn vị hoạt động thuận lợi.
Ông Trần Anh Chót, Phó chủ tịch UBND huyện, cho biết, địa phương sẽ rà soát lại việc thực hiện phân giao nguồn cho các đơn vị tự chủ theo đúng quy định.
Trên địa bàn tỉnh hiện có tổng số 598 đơn vị sự nghiệp công lập. Theo kế hoạch, Đoàn giám sát sẽ lựa chọn giám sát trực tiếp tại một số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các đơn vị, địa phương: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tư pháp, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế, Tỉnh đoàn, UBND huyện Đầm Dơi và UBND TP Cà Mau; các đơn vị, địa phương còn lại, đoàn giám sát gián tiếp thông qua báo cáo./.
Mộng Thường