(CMO) Tuỳ theo tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, mỗi xã, phường, thị trấn có thể thiết lập 1 hoặc nhiều trạm y tế lưu động, đảm bảo mỗi cụm dân cư có khoảng 50-100 trường hợp nhiễm Covid-19 được cách ly tại nhà thì có 1 trạm y tế lưu động.
Hiện trên địa bàn tỉnh Cà Mau có tổng số 550 giường bệnh được đặt tại các bệnh viện, trung tâm y tế và 4 bệnh viện dã chiến đã được kích hoạt, sẵn sàng tiếp nhận, điều trị.
Theo Sở Y tế, tình hình dịch Covid-19 có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với số ca mắc có thể tăng cao, dẫn đến các đối tượng liên quan cần phải cách ly y tế tăng lên nhiều. Ðồng thời, số người trở về từ vùng dịch cũng có thể tăng lên. Nhu cầu cách ly điều trị phòng, chống dịch Covid-19 sẽ tăng lên.
Thời gian qua, tỉnh đã có phương án xây dựng, mở rộng cơ sở cách ly điều trị và có thể triển khai phương án thực hiện cách ly điều trị tại nhà với các trường hợp nhiễm Covid-19 (F0) không triệu chứng. Ðồng thời, để hỗ trợ, kịp thời chăm sóc, theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà, hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh thì việc triển khai mô hình trạm y tế lưu động trong bối cảnh dịch Covid-19 trên địa bàn là việc làm cần thiết.
Xét nghiệm Covid-19 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các trạm y tế lưu động sau khi được thiết lập. |
Ông Trần Quang Khoá, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết, việc triển khai thành lập các trạm y tế lưu động trong tình hình hiện nay nhằm giảm quá tải cơ sở cách ly y tế. Kết nối giữa chăm sóc, quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện, phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, sơ cứu, chuyển tuyến kịp thời các bệnh thông thường cho người dân trên địa bàn.
Trạm y tế lưu động là tổ chức thuộc trung tâm y tế tuyến huyện, chịu sự quản lý toàn diện, điều hành trực tiếp của giám đốc trung tâm y tế.
Một trạm y tế lưu động được giao phụ trách 1 cụm dân cư, có thể là các tổ dân phố của các phường khác nhau, không phụ thuộc địa giới hành chính. Nếu địa bàn các xã, phường, thị trấn giáp ranh huyện, thành phố thì nơi nào có trường hợp nhiễm Covid-19 nhiều hơn, có điều kiện về nhân lực y tế hơn (như địa bàn đó có phòng khám đa khoa khu vực, lượng nhân viên y tế nhiều hơn cả về số lượng và trình độ chuyên môn...) thì nơi đó thành lập trạm y tế lưu động.
Mỗi trạm y tế lưu động có tối thiểu 5 nhân viên y tế, trong đó có ít nhất 1 bác sĩ phụ trách, còn lại là điều dưỡng và các nhân viên y tế khác; có tối thiểu 1 nhân viên y tế (ấp, khóm...) nắm rõ địa bàn dân cư được giao. Ngoài nhân viên y tế trong biên chế, có thể huy động sự tham gia của đội ngũ y tế tư, nhân viên y tế đã nghỉ hưu trên địa bàn.
Trong trường hợp nguồn nhân lực y tế tại địa phương không đáp ứng đủ, trung tâm y tế huyện, thành phố báo cáo về Sở Y tế để huy động thêm nhân viên y tế và các tình nguyện viên từ địa phương khác.
Ngoài nhân viên y tế, chính quyền cấp xã có trách nhiệm huy động thêm các nhân lực khác trên địa bàn như: Hội Chữ thập đỏ, Hội LHPN, Ðoàn Thanh niên phường, tổ dân phố... để tham gia hỗ trợ nhân viên y tế về dẫn đường, trực điện thoại, kết nối với các hộ gia đình và các hoạt động cần thiết khác của trạm y tế lưu động./.
Kim Hoài