(CMO) Tại huyện Ngọc Hiển, tình trạng sạt lở bờ biển gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân, mỗi năm rừng phòng hộ lại mất đi một phần, người dân sống ven biển đối mặt với tình trạng sạt lở, buộc phải di dời nhà cửa. Một số người đi các tỉnh khác làm việc mưu sinh, những người ở lại cố bám rừng, bám biển, dù sản lượng khai thác biển ngày càng ít đi.
Ông Phạm Văn Cần, ấp Kinh Năm, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, cho biết, tháng 9, tháng 10 là đỉnh điểm những đợt sóng, nước biển lên, sạt lở…, nhà nào cũng phải di dời. Bà con sống ở đây bằng nghề đăng cá kèo, dù là nghề cấm nhưng phải lén lút làm, bởi nếu không làm thì lấy gì ăn.
Đợt hạn hán năm nay đã đi vào lịch sử (hơn nắng hạn năm 2016), với những hệ luỵ mà nó đã và đang để lại cho các huyện U Minh, Trần Văn Thời… Tâm điểm mùa hạn năm nay là đê biển Tây sụp lún, làm ảnh hưởng đến giao thông, đời sống người dân vùng ngọt bị đe doạ. Nhiều tuyến đường giao thông ở huyện Trần Văn Thời cũng bị chia cắt và tê liệt do sụp lún. Tính đến nay đã có hơn 1.000 điểm sụp lún, đường bộ bị hư hại gần 25.000 m.
Dự báo hạn hán vẫn còn tiếp diễn. Cà Mau đã có những giải pháp trước mắt để bà con phần nào yên tâm, nhưng với tình hình hiện nay, vượt qua thử thách biến đổi khí hậu là câu chuyện mà tỉnh phải tính toán./.
Xói lở ảnh hưởng đến đời sống người dân ấp Kinh Năm, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển. Mỗi năm bà con ở đây phải di dời vào đất liền từ 1-2 lần. |
Các con kênh khô nước, các phương tiện phải “nằm” tại chỗ, không di chuyển được. |
Người dân Khóm 5, thị trấn Trần Văn Thời lao đao do nắng hạn khi ao đầm khô cạn, cá nuôi chết do thiếu nước. |
Do ảnh hưởng triều cường, những hộ sống ven sông ở huyện Ngọc Hiển bị thiệt hại nhà cửa nghiêm trọng. |
Tuyến Co Xáng - Cơi 5 - Đá Bạc, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời bị sụp lún nghiêm trọng làm mặt đường hư hỏng, giao thông bị chia cắt. |
Nhật Minh