(CMO) Song song với việc truyền đạt kiến thức, việc giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng mà ngành giáo dục luôn hướng đến.
Góp phần cho mục tiêu đó, môn Giáo dục công dân (GDCD) đã được đưa vào chương trình học từ cấp tiểu học (môn Đạo đức) đến cấp THCS và THPT (môn GDCD). Tuy nhiên, môn học này chỉ có 1 tiết mỗi tuần. Tâm lý chung học sinh vẫn còn xem đây là môn phụ nên không mấy quan tâm.
Môn học làm người
GDCD là bộ môn khoa học dạy làm người. Học GDCD sẽ giúp học sinh hình thành và điều chỉnh những hành vi ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, góp phần hình thành nhân cách tốt đẹp hơn. Xuyên suốt từ khi ngồi vào ghế nhà trường cho đến khi tốt nghiệp, học sinh đã được thầy cô dạy những điều hay lẽ phải phù hợp với xã hội. Và từ khi được đưa vào kỳ thi THPT quốc gia, môn GDCD càng cho thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của nó.
Nên có phương pháp, bố trí hợp lý để học sinh quan tâm và thích thú hơn với môn GDCD. |
“Ở bậc tiểu học, việc giáo dục hành vi đạo đức cho học sinh rất quan trọng, vì đây là nền tảng cho các em xuyên suốt trên hành trình phát triển. Không chỉ có trong môn học Đạo đức, nhà trường còn lồng ghép giáo dục kỹ năng sống cho các em phù hợp với từng lớp, từng đối tượng. Từ rất nhiều bỡ ngỡ, các em dần có tinh thần tự giác, biết lễ phép và có ý thức hơn về hành vi của bản thân”, cô Nguyễn Thị Nghĩa, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, TP. Cà Mau, cho biết.
Ở bậc tiểu học, môn Đạo đức với các nội dung giáo dục hành vi đơn giản như lễ phép, chào hỏi, trung thực, thật thà, biết quan tâm, giúp đỡ mọi người xung quanh... Sang cấp học THCS và THPT, môn GDCD bắt đầu mở rộng và cho học sinh tìm hiểu thêm về pháp luật, các vấn đề tâm lý phù hợp với lứa tuổi.
Em Trần Tiết Kha, lớp 12A8, trường THPT Cái Nước, chia sẻ: “GDCD là bộ môn gắn liền với cuộc sống, em được học xuyên suốt từ lớp 1 đến nay. Môn học này giúp em có thêm hiểu biết về pháp luật, điều chỉnh những hành vì và có cách cư xử phù hợp với mọi người”.
Thầy Đỗ Hoàng Hồ Liệp Hải, Hiệu trưởng trường THCS Phú Hưng, cho biết: “Ở bậc học nào, GDCD cũng góp phần hình thành những hành vi, nhận thức đúng đắn, giúp nhà trường giáo dục, định hướng nhân cách cho học sinh. Cùng với đổi mới phương pháp giảng dạy gắn với thực tế, những năm gần đây, để khuyến khích tinh thần học tập, nhà trường đã thực hiện việc khen thưởng, biểu dương trước cờ, kèm theo giấy khen và phần thưởng dành cho các em học tốt”.
Thời lượng quá ít
Theo chương trình hiện nay, môn GDCD được phân phối 1 tiết/tuần. Ở bậc THPT, mỗi năm học sẽ có thêm 2 tiết học ngoại khoá. Với thực tế nhiều vấn đề về văn hoá học đường, an ninh trường học như hiện nay, phải chăng môn GDCD cần có sự nhìn nhận và đổi mới để phát huy vai trò giáo dục đạo đức, định hướng lối sống cho học sinh?
Em Nguyễn Tiến Đạt, học sinh lớp 12A8, trường THPT Cái Nước, bộc bạch: “Đối với em, GDCD là môn học thú vị. Những giá trị mà môn học này mang lại không chỉ là kiến thức trong học tập mà còn vận dụng vào cuộc sống. Em nghĩ cần có phương pháp giảng dạy sinh động và hấp dẫn hơn, khẳng định giá trị quan trọng của môn học để học sinh nâng cao ý thức học tập, không còn suy nghĩ đây là môn học phụ”.
Với xu hướng tích hợp giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong môn GDCD như hiện nay, môn học này dường như trở nên quan trọng hơn. Do đó, cần có sự thay đổi phù hợp hơn. Theo cô Trần Thị Xuân Reo, giáo viên nhiều năm giảng dạy môn GDCD trường THPT Cái Nước, đây là môn học giáo dục định hướng, nội dung rất rộng và phong phú. Hơn nữa, hiện nay môn học đã được đưa vào kỳ thi THPT quốc gia nên với dung lượng 1 tiết/tuần là quá ít. Nên tăng thời lượng tiết học trên lớp, thêm vào nhiều tiết học thực hành để học sinh có thể trải nghiệm tình huống.
Cô Trần Ánh Như, giáo viên trường THCS Phú Hưng, đề xuất: “Nội dung sách giáo khoa hiện nay hơi nặng và còn mang tính chất lý thuyết nhiều. Nếu dành thời gian để giảng dạy lý thuyết và tình huống thực tế thì không đủ. Do đó, học sinh chỉ có thể nắm lý thuyết là chính. Cần lồng ghép những câu chuyện cụ thể, rõ hơn để học sinh ứng dụng vào thực tế”.
"Tiên học lễ, hậu học văn", muốn trở thành những con người có ích cho xã hội, trước tiên phải rèn luyện thật tốt về đạo đức, nhân cách. Đã đến lúc các trường nên có cách nhìn nhận khác hơn về môn GDCD để có những phương pháp học tập cũng như giảng dạy hợp lý, đúng với giá trị, ý nghĩa của môn học./.
Kim Chi