(CMO) Hiện nay, tình hình sụp lún và sạt lở đất ven sông trên địa bàn huyện Cái Nước hết sức phức tạp, chủ yếu xảy ra ở xã Ðông Thới và Trần Thới. Ðáng lưu ý, mỗi khi xảy ra sạt lở không chỉ gây thiệt hại tài sản của người dân, mà còn khiến hạ tầng giao thông hư hỏng nghiêm trọng và khó khắc phục.
Từ đầu mùa mưa đến nay, trên địa bàn huyện Cái Nước xảy ra 4 vụ sụp lún và sạt lở đất ven sông ở 2 xã Ðông Thới và Trần Thới. Ðiển hình là vụ sạt lở đất ven sông tại phần đất hộ ông Nguyễn Văn Hải (ấp Mỹ Hưng, xã Trần Thới) xảy ra vào cuối tháng 5, sạt lở ăn sâu vào đất liền khoảng 3 m, làm hư hỏng 15 m lộ bê-tông chiều rộng 1 m do Nhân dân đầu tư xây dựng. Cùng thời điểm, tại hộ ông Trần Quốc Khánh (ấp Mỹ Tân, xã Trần Thới) thuộc tuyến kênh xáng Ðông Hưng, cũng xảy ra vụ sạt lở đất ven sông nghiêm trọng, ăn sâu vào đất liền khoảng 4 m, làm hư hỏng 15 m lộ bê-tông chiều rộng 2 m, được đầu tư xây dựng theo phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Ðáng lưu ý, thời gian này, tại vị trí sân chùa Kim Quang (ấp Mỹ Ðiền, xã Ðông Thới) trên tuyến sông Bảy Háp, xảy ra vụ sụp lún và sạt lở đất ven sông nghiêm trọng, tổng chiều dài sạt lở gần 50 m, chiều rộng tại điểm sạt lở 6 m, làm hư hỏng hoàn toàn bờ kè của chùa Kim Quang được đầu tư xây dựng cơ bản vào năm 2018, bảng hiệu nhà chùa và nền tượng Phật cũng bị ảnh hưởng, ước thiệt hại khoảng 210 triệu đồng.
Chưa hết, vào khoảng 4 giờ 20 phút ngày 1/6, cũng trên tuyến kênh xáng Ðông Hưng, thuộc phần đất của hộ ông Nguyễn Chí Hùng (ấp Mỹ Ðiền, xã Ðông Thới) tiếp tục xảy ra sụp lún và sạt lở từ bờ sông trở vào đất liền khoảng 10 m, rộng 2 m, tổng chiều dài sạt lở 2 m, làm hư hỏng một phần căn nhà của ông Hùng, ước thiệt hại khoảng 60 triệu đồng. Theo ông Hùng, trước đó căn nhà của ông nằm xa ra bờ sông khoảng 20 m, do sạt lở ngày càng nghiêm trọng, ông chủ động di dời căn nhà vào sâu bên trong, nhưng nay sạt lở tiếp tục xảy ra. Hậu quả vụ sạt lở làm hư hỏng tuyến lộ bê-tông quy mô mặt lộ rộng 2 m, giao thông bị gián đoạn, chính quyền địa phương rào chắn và lập biển cảnh báo tạm ngừng lưu thông để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện xe 2 bánh.
Ðiểm sụp lún và sạt lở đất ven sông ảnh hưởng căn nhà ông Nguyễn Chí Hùng. |
Tại các điểm xảy ra sụp lún và sạt lở đất ven sông đều làm ảnh hưởng đến hệ thống lộ bê-tông, hiện chưa khắc phục do phần đất bờ sông bị cuốn trôi, khiến giao thông cách trở. Ông Võ Văn Quý (ấp Mỹ Ðiền, xã Ðông Thới) cho biết: “Từ khi xảy ra sạt lở làm hư hỏng đoạn lộ, không thể lưu thông được, phần nào ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân khu vực này. Trước đây, hàng ngày có rất nhiều phương tiện xe 2 bánh chở rau, củ, quả phục vụ người dân vùng nông thôn, bà con không phải đi chợ tốn kém thời gian và chi phí. Nay giao thông bị cách trở do sạt lở, việc mua bán một số mặt hàng thiết yếu của phương tiện xe 2 bánh không còn hoạt động. Việc đi lại của người dân tại các khu vực xảy ra sạt lở đất ven sông hết sức khó khăn. Người dân chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương sớm khắc phục để giao thông thông suốt, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao lưu hàng hoá”.
Lãnh đạo xã Trần Thới và Ðông Thới cho biết, do mức độ sạt lở đất ven sông hết sức nghiêm trọng, ngoài khả năng khắc phục của hộ dân và chính quyền địa phương, xã đã báo cáo đến ngành chức năng huyện xem xét cho ý kiến chỉ đạo khắc phục sửa chữa.
Nhận định của chính quyền địa phương, tình hình sụp lún và sạt lở đất ven sông trong mùa mưa bão sẽ còn diễn biến phức tạp, người dân cần nâng cao ý thức ứng phó nhằm giảm bớt thiệt hại về nhà ở và hạ tầng nông thôn, nhất là ở những tuyến sông có mực thuỷ triều dao động lớn và dòng chảy mạnh, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt lở./.
Việt Tiến