(CMO) “Mỗi nhân viên của hạt đê điều giám sát 3 km đê. Những ngày nắng cũng như ngày mưa, đơn vị luôn bố trí lực lượng trực, mùa mưa bão thì tăng cường thêm lượt”, ông Bùi Quốc Nam, Phó hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều tỉnh Cà Mau, cho hay.
Thời tiết mỗi lúc thêm cực đoan, khắc nghiệt. Mới năm 2020, đầu mùa mưa thì đợt sóng biển, cộng triều cường dâng cao đã tràn qua khỏi mặt đê, đe doạ khu vực sản xuất và một vùng dân cư bên trong thuộc địa bàn xã Khánh Tiến, huyện U Minh. Trước đó, hàng trăm mét đê bị lún, sụp sâu vào mùa khô hạn ở địa bàn xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Tỉnh Cà Mau phải thực hiện hàng loạt công trình khẩn cấp: kè thân đê, bơm bùn vào phía trong chân đê để tạo phản áp..., tất cả những công việc, giải pháp công trình mà xưa nay trên khu vực đê biển Tây chưa từng áp dụng.
Ðầu mùa mưa bão năm nay, ngày 9/7/2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp thực hiện các công trình, dự án xử lý sạt lở khẩn cấp đê biển Tây. Theo quyết định này, có 2 công trình khẩn cấp, đó là: đoạn từ vàm T25+700 hướng về vàm T29, chiều dài 1.000 m. Và đoạn từ vàm T29+1.300 m hướng về vàm Khánh Hội, chiều dài 700 m. Tuy nhiên, do thời tiết phức tạp, sóng to, gió lớn nên các tàu chở đá, vật tư đến nay vẫn chưa thể ra biển để đơn vị thi công hoàn thành các công trình khẩn cấp.
Nói về tính khẩn cấp của công trình đê biển Tây như thuộc nằm lòng, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục phó Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Cà Mau, cho hay: “Năm 2009 và 2010 diễn biến sạt lở đê biển Tây bắt đầu đặt ở mức báo động”. Khi đó tỉnh phát hiện có nhiều vị trí đai rừng phòng hộ không còn và thân đê (bằng đất trước đó) nhiều đoạn bị đánh vỡ. Nếu không có giải pháp thì chuyện vỡ đê có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
“Khắc phục các sự cố về đê thời điểm đó tỉnh đã huy động mọi lực lượng, thiết bị để hộ đê bằng giải pháp đơn giản như: cừ dừa, cừ bảng nhựa. Tuy nhiên, sau một thời gian vẫn không đảm bảo, ổn định trong mùa mưa bão. Từ năm 2010 đến nay, rất nhiều giải pháp công trình cho đê biển Tây, từ công trình đơn giản đến công trình kiên cố được triển khai như: kè lát mái TSC 178, cừ lưới, cừ ly tâm… Tất cả với mục tiêu bảo vệ đê, bảo vệ vùng sản xuất và dân cư bên trong. Bằng mọi nỗ lực không mệt mỏi, sau 10 năm, Cà Mau đã xây dựng được 42 km trên tuyến đê biển Tây với hơn 1.057 tỷ đồng”, ông Tùng thông tin.
Ngoài đê biển Tây là hệ thống kè chắn sóng, vừa bảo vệ an toàn thân đê vừa là nơi neo đậu của phương tiện khai thác biển. |
Không dừng lại ở đó, nhiều khu vực đê dù phía bên ngoài có kè ly tâm chắn sóng nhưng sóng biển vẫn từng lúc xoáy sâu và tác động mạnh đến sự an toàn. Những công trình bị ảnh hưởng của sóng biển bắt đầu phải dừng đợi biển êm. Trước tình hình này, năm 2020, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh áp dụng giải pháp kè đá đổ ở tuyến T25, sau đó tiếp tục kiến nghị thực hiện giải pháp này ở cửa biển Khánh Hội và đang triển khai thêm 2 đoạn ở T29 và từ T29 tới Khánh Hội, với chiều dài 2.550 m.
“Giải pháp kè đá đổ có thể thi công trong mọi thời tiết, thời gian ngày hay đêm. Chi phí giảm bằng 1/3 so với kè ly tâm và giảm hơn hẳn so với các giải pháp công trình hiện hữu”, ông Tùng phân tích.
Sau 2 mùa mưa bão, khu vực rừng bên trong kè đá đổ được bảo vệ, cây không còn bị sóng biển hất văng gốc như trước; đất dưới chân đê không bị bào mòn... Nhiều ngày qua tỉnh Cà Mau có mưa lớn trên diện rộng, có nơi mưa rất to và dông. Ảnh hưởng này kết hợp với mưa lớn kèm theo lốc, triều cường dâng cao dẫn đến sóng biển tác động mạnh vào bờ, làm cho tình hình sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp.
Ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết: “Diễn biến thời tiết ngày càng dị thường, bão, áp thấp nhiệt đới... Mùa mưa bão năm nay, đê biển Tây tiếp tục có nhiều vị trí sạt lở. Trong đó, nhiều vị trí nguy hiểm như: đoạn từ Giồng Cát đến Tiểu Dừa thuộc xã Khánh Tiến, huyện U Minh. Qua khảo thực tế khu vực này có 4 vị trí sạt lở, tổng chiều dài khoảng 421 m, dù phía bên ngoài đã có kè cơ bản. Hiện khu vực này chỉ áp dụng tốt đối với giải pháp kè đá đổ trước mắt”.
Ðê biển Tây cơ bản bảo vệ vùng sản xuất ở các huyện Trần Văn Thời, U Minh. Tuy nhiên, hàng năm thân đê tiếp tục bị xâm hại, tác động. Nghiêm trọng nhất vào mỗi mùa mưa bão, sóng, gió khiến các công trình xây dựng, gia cố liên tục bị gián đoạn. Mới ngày 3/9/2021, có 1 xà lan bị sóng đánh chìm. Ðó là xà lan cung cấp đá cho Công ty TNHH Dịch vụ Xây dựng Lê Tân đang thực hiện gói thầu khẩn cấp khắc phục sạt lở đê biển Tây, đoạn từ vàm T29+1.300 m hướng về vàm Khánh Hội. Tuy không thiệt hại về người, nhưng đến nay xà lan này vẫn chưa được trục vớt vì ảnh hưởng của bão số 5.
“Sở NN&PTNT tỉnh đã tiếp tục kiến nghị bộ, ngành Trung ương sớm đầu tư xây dựng tuyến đê biển Tây đoạn từ thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời đến thị trấn Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân, dài 23 km, để bảo vệ khu vực sản xuất an toàn còn lại. Các tổ chức quốc tế cần sớm triển khai thực hiện các hiệp định đã ký với Chính phủ Việt Nam về đầu tư xây dựng công trình đê biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau”, ông Tùng nhấn mạnh.
12 giờ trưa 11/9/2021, khi tin báo cơn bão số 5 - bão Conson ảnh hưởng trực tiếp đến biển Ðông và vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau thì mọi công việc khẩn trương giám sát đê lại được Hạt Quản lý đê điều tỉnh tổ chức lại chặt chẽ hơn. Hạt quản lý đê điều đã phân công cán bộ lãnh đạo phụ trách theo địa bàn huyện và mỗi địa bàn huyện là các nhân viên được phân công mỗi người 3 km.
Bữa cơm giữa trưa muộn ngay trụ sở Hạt Quản lý đê điều ở xã Khánh Tiến được chuẩn bị chu đáo. Cả chủ lẫn khách bỗng cười khà khi phòng ăn không tìm đâu ra cây muỗng chan canh. Vậy là có người sáng kiến dùng chén làm muỗng. “Thiệt ngại với mấy anh em, nhưng vì toàn là đàn ông và cũng mới dời về đây nên chưa kịp chuẩn bị đầy đủ”, anh Nam vừa cười vừa phân trần. Song, tất cả chúng tôi đều hiểu, mùa mưa bão này cán bộ đê điều toàn “ăn cơm đứng” một cách vội vàng, qua loa thì chuyện này có đáng gì.
Theo công tác dự báo, thời tiết từ nay đến cuối năm vùng biển Nam Bộ nói chung và Cà Mau nói riêng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng do mưa bão, áp thấp nhiệt đới. Ðê biển Tây Cà Mau là lá chắn duy nhất bảo vệ hệ sinh thái, vùng sản xuất rộng lớn, cũng như đời sống của hàng chục ngàn người dân phía trong, vì thế cần đặc biệt quan tâm hơn về nguồn lực, khắc phục mọi khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất, hình thành "bức tường thành" đê biển vững chắc, an toàn qua mùa mưa bão.
Hiện các công trình trên đê biển Tây đang khẩn trương bằng các giải pháp an toàn trong thi công và phòng, chống dịch bệnh. Nhiều lúc tranh thủ thời tiết tốt, biển lặng, công trình được tiến hành ban đêm, điều này đã nói lên tính cấp thiết, khẩn cấp của công trình khi Cà Mau đang bước vào mùa mưa bão./.
Phong Phú